Từ lão nông nghèo đã trở thành triệu phú nhờ nuôi cá lồng

GD&TĐ - Nhờ mạnh dạn chuyển sang nuôi cá lồng trên dòng sông Đà, ông Lò Văn Bân đã có cuộc sống sung túc và thoát nghèo…

Nhờ chuyển sang nuôi cá lồng, cuộc sống của gia đình ông Bân đã thoát nghèo.
Nhờ chuyển sang nuôi cá lồng, cuộc sống của gia đình ông Bân đã thoát nghèo.

Huyện hỗ trợ người dân nuôi cá lồng

Từ 1 hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, ông Lò Văn Bân, dân tộc Thái, bản Bó Ban (xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã vươn lên thoát nghèo, trở thành triệu phú nhờ mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ sông Đà. Sau khi trừ chi phí mỗi năm, ông Bân lãi hơn 200 triệu đồng từ bán cá thương phẩm.

Theo lời kể của ông Lò Văn Bân, trước kia thu nhập của gia đình ông chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn. Năm nào trời mưa thuận gió hòa thì được mùa, còn hạn hán thì mọi công sức đều đổ "xuống sông xuống biển". Đặc biệt, mấy năm trở lại đây giá ngô bán trên thị trường liên tục xuống thấp, vốn liếng của gia đình bỏ ra đầu tư mua con giống, phân bón thì nhiều nhưng bán ra toàn lỗ. Gia đình ông phải nợ tiền phân bón chồng chất, nói chung làm nương rẫy vất vả nhưng thu nhập toàn thua lỗ, đời sống kinh tế càng khó khăn gấp bội.

Ông Bân đang kiểm tra quá trình phát triển của đàn cá lồng.

Ông Bân đang kiểm tra quá trình phát triển của đàn cá lồng.

“Trong lúc gia đình tôi khó khăn, may mà có chương trình hỗ trợ hộ nghèo của huyện về phát triển nghề nuôi cá lồng ở lòng hồ sông Đà. Lúc đó, gia đình tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng mua vật liệu về làm lồng nuôi cá rô phi, trắm cỏ, cá chép. Sau một thời gian nuôi cá, tôi thấy đàn cá phát triển rất tốt chi phí đầu tư thấp nên tôi tìm cách tăng số lượng lồng cá lên để nâng cao nguồn thu nhập. Nhờ bước đi đó mà cuộc sống của gia đình tôi đã vơi đi khó khăn trước mắt”, ông Bân thổ lộ.

Để tăng số lượng lồng nuôi cá phát triển kinh tế, đưa gia đình thoát nghèo, ông Bân đã vay Ngân hàng chính sách 50 triệu đồng. Số tiền vay được, ông mua thùng phi, lưới, khung sắt... về làm 10 lồng thả các loại cá chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính để tăng sản lượng cá thương phẩm. Do cùng lúc phải nuôi đàn cá với số lượng lớn, thời gian đầu ông Bân chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên số lượng cá trong lồng của ông còi cọc, có thời điểm còn bị chết hàng loạt.

Ông Bân đang quan sát và cho cá ăn cỏ voi.

Ông Bân đang quan sát và cho cá ăn cỏ voi.

Thoát nghèo...

“Lúc cá ở lồng chết, tôi rất nản lòng. Tuy nhiên, tôi nghĩ làm công việc gì cũng khó khăn vất vả. Khổ như vác phân bón, leo đồi trồng ngô, sắn giữa nắng nóng còn làm được, sao chút khó khăn này mà phải bỏ cuộc. Tôi nghĩ đó làm động lực, rồi tiếp tục vay mượn tiền của anh em họ hàng mua con giống về nuôi lại từ đầu. Để có kinh nghiệm chăm sóc cá, tránh bị thất bại, lần này tôi khăn gói đi tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc ở các mô hình nuôi cá lồng ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Sau đó, tôi đúc rút kinh nghiệm và áp dụng vào lồng cá của mình, nhờ vậy mà đàn cá của tôi phát triển khỏe mạnh, không hay bị dịch bệnh nữa”, ông Bân nói.

Theo kinh nghiệm của ông Bân: Để đàn cá phát triển tốt, hàng ngày người nuôi phải xuống các lồng cá theo dõi, kiểm tra trọng lượng cá và các bệnh phát sinh. Một ngày ông cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng, tối. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ voi, lá chuối và cám ngô. Ông Bân rất hạn chế dùng cám công nghiệp, thuốc tăng trọng cho cá.

“Trong quá trình chăm sóc, tôi thường xuyên quan sát lượng thức ăn thừa - thiếu trong các lồng, để điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp. Nếu thấy thức ăn thừa tôi tiến hành vớt lên bờ, để tạo môi trường nước sạch cho cá phát triển, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá. Sau mỗi lần thu hoạch, tôi dùng thuyền đẩy lồng cá ra các địa điểm khác, để bắt đầu nuôi lứa mới, bảo đảm cho cá có môi trường mới phát triển tốt hơn, tránh bị dịch”, ông Bân chia sẻ.

Hiện, ông Bân nuôi hơn 10 lồng cá để phát triển kinh tế gia đình.

Hiện, ông Bân nuôi hơn 10 lồng cá để phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ nuôi hoàn toàn bằng cỏ và thức ăn hữu cơ, hạn chế nuôi cám công nghiệp nên cá lồng của gia đình ông Bân luôn bảo đảm yếu tố sạch, thịt săn chắc, được nhiều thương lái đến mua. Khi đến thời điểm thu hoạch, nhiều khách hàng và thương lái đến tận lồng cá của ông Bân mua. Có thời điểm ông còn không có sản phẩm bán ra thị trường. Hiện nay ông Bân bán cá trắm ra thị trường với giá từ 85.000 đồng/1 kg, rô phi 76.000 đồng/1 kg, chép 95.000 đồng/1 kg. Sau khi trừ chi phí mỗi năm ông có lãi hơn 220 triệu đồng. Nhờ chuyển sang nghề nuôi cá lồng, gia đình ông Bân đã thoát nghèo, không còn vất vả như thời điểm làm nương rẫy.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND huyện Mường La cho hay: Hiện nay, xã Mường Trai có gần 1.300 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La. Để phát huy lợi thế về diện tích lòng hồ, chúng tôi đã chỉ đạo phòng NN&PTNT và các xã nằm ven sông Đà chú trọng phát triển nuôi cá lồng. Từ đó, tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh cho nhân dân, góp phần tăng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống ở địa phương. Đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển.

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục định hướng cho xã Mường Trai vận động bà con chăn nuôi cá đúng quy trình kỹ thuật gắn với bảo vệ mặt nước vùng nuôi; tận dụng tối đa nguồn thức ăn phong phú, đa dạng tại địa phương. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch liên kết sản xuất theo chuỗi, mở rộng giới thiệu sản phẩm cá lồng Mường Trai đến với người tiêu dùng, doanh nghiệp, để người dân yên tâm và gắn bó lâu dài với nghề nuôi cá lồng”, ông Bắc thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.