Tự định hướng nghề nghiệp thế nào?
Vì sao Bill Gates trở thành ông chủ của tập đoàn Microsoft khổng lồ mà không phải là một kiến trúc sư hay một nhà giáo? Vì sao Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ đàn dương cầm nổi tiếng mà không phải là một doanh nhân? Vì sao Ernest Hemingway là nhà văn với những kiệt tác bất hủ mà không phải là một nhà khoa học?
Hẳn bạn sẽ trả lời ngay “Vì họ có tài năng thiên bẩm trong những lĩnh vực này.” Chính xác như thế. Thế nhưng, bạn có biết chính tính cách và đam mê thật sự một nghề nào là yếu tố quan trọng giúp cho các bạn học sinh có thể học tốt và thành công trong nghề nghiệp đó sau này.
Vậy làm cách nào để tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân? Trước tiên, bạn cần phải vượt qua những rào cản định hướng nghề nghiệp của gia đình và xã hội. Hiện nay, tuy xã hội đã phát triển và văn minh nhưng vẫn còn tồn tại những quan điểm chưa đúng khi chọn nghề. Chọn nghề theo truyền thống gia đình, theo mong muốn của bố mẹ; Chọn nghề theo xu hướng của bạn bè, người yêu, Chọn nghề theo “mác”, theo “nhãn”; Chọn nghề hot, dễ kiếm tiền; Chọn nghề mà không xem xét các điều kiện như kinh tế của gia đình, thời gian học nghề, đầu ra của nghề…
Tiếp theo, để chọn được nghề phù hợp bạn cần phải thực hiện được các bước quan trọng trong quá trình hướng nghiệp, đừng chờ đợi người khác định hướng nghề nghiệp cho mình mà bản thân phải tự hướng nghiệp.
Để biết bản thân thích hợp với nghề nghiệp nào, việc đầu tiên bạn cần tìm hiểu các lĩnh vực nghề nghiệp trong xã hội. Vốn dĩ mỗi nghề nghiệp lại có rất nhiều việc làm khác nhau nhưng bạn cần nắm được những kiến thức tổng quát về các lĩnh vực.
Quan trọng nhất là xác định thế mạnh của bản thân, nhiều bạn trẻ có quan niệm rằng bản thân mình đam mê hay thích điều gì thì mình sẽ làm tốt điều đó. Nhưng thực tế nghiên cứu cho thấy rằng logic này là chưa hoàn toàn chính xác. Đáp án đúng phải là ngược lại, khi bạn có thế mạnh và làm tốt một việc gì thì bạn sẽ đam mê với công việc đó. Vì vậy, để tự định hướng nghề nghiệp bạn cần xác định được thế mạnh của mình là gì.
Bạn có thể dựa vào kết quả những việc làm bạn đã từng thành công trước đó hoặc nhờ đến sự đánh giá của bạn bè và người thân. Đôi khi lời khen của những người từng tiếp xúc với bạn sẽ cho bạn biết được thế mạnh của mình.
Bước thứ tư trong quy trình tự hướng nghiệp là việc bạn cần tạo ra một danh sách các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp mà bạn mong muốn, sau khi đã tìm hiểu về các lĩnh vực ngành nghề trong xã hội. Như việc bạn thích một công việc có thể giao tiếp với nhiều người hay thiên về nghiên cứu, bạn thích môi trường làm việc năng động hay chuyên nghiệp, mức lương bạn mong muốn cho công việc là bao nhiêu…Càng liệt kê được nhiều câu hỏi và tự trả lời, bạn sẽ càng khám phá rõ hơn nghề nghiệp phù hợp với mình.
Tham gia vào các khóa học kỹ năng mềm để khám phá và trau dồi là một phương pháp rất tốt để hướng nghiệp và định vị bản thân. Những người thành công chỉ dùng 25% kiến thức chuyên môn còn 75% còn lại là nhờ vào những kỹ năng mềm mà họ học tập và tích lũy được. Bạn có thể tham gia vào các khóa học kỹ năng tại trường đại học, các câu lạc bộ hoặc bất kỳ một cộng đồng xã hội nào, khi đào sâu vào một kỹ năng bạn sẽ xác định được công việc tương lai mình muốn làm.
Khám phá bản thân thế nào?
Khám phá bản thân là quá trình nhận thức được những điểm khác biệt của mình với người khác về điểm mạnh, điểm yếu, mong muốn… Đồng thời nhận biết được những tiềm năng có thể phát triển trong con người ta thông qua những phương pháp khám phá cụ thể.
Điều đó cho thấy khám phá bản thân chính là trả lời câu hỏi: “Tôi là ai?”. Mà trong câu hỏi tôi là ai ấy lại là rất nhiều thứ để khám phá như điều mong muốn, sở trường, sở thích, đam mê, điểm mạnh… của mình. Khám phá bản thân là một điều không quá khó nhưng lại chẳng hề dễ dàng. Muốn khám phá chính mình thì cứ không phải là cứ ngồi nghiền ngẫm là sẽ ra, mà chúng ta phải có những phương pháp nhất định.
Sai lầm lớn nhất trong định hướng nghề nghiệp là bỏ qua bước thấu hiểu bản thân. Chính vì vậy, các bạn trẻ sẽ bị chọn sai và sau này thường hối hận về sự lựa chọn của mình. Lúc ấy vừa cảm thấy sai lầm, mà nếu làm lại thì rất tốn thời gian, công sức và tiền bạc.
Khám phá bản thân không chỉ là nghiền ngẫm xem mình thích gì, đam mê gì mà còn nhiều hơn thế. Chúng ta muốn khám phá chính mình thì không chỉ là những yếu tố biểu hiện ra bên ngoài mà còn những yếu tố bên trong, đó là những tiềm năng ẩn sâu mỗi con người. Eguide sẽ phân tích kỹ hơn điều này cho các bạn.
Khám phá bên ngoài chính là những thứ mà mọi người hay nói đến phổ biến. Không chỉ là xem bản thân mình có sở trường gì, mình thích điều gì, mình đam mê gì mà còn phải là mình đang ở vị trí nào, có thể đạt được những gì, thành tựu của mình là gì, sở trường ra sao, điều không thích là gì hay sở đoản như thế nào?....
Ở phương pháp này thì cách tốt nhất là chúng ta hãy tự vấn chính mình. Khám phá những biểu hiện bên ngoài ấy đòi hỏi ở con người ta tính cần mẫn và khách quan một chút. Chúng ta không thể nào nhìn nhận đúng bản thân trong khi cứ sợ rằng bản thân mình sẽ nhận ra mình kém cỏi và xấu hổ. Chỉ cần chúng ta viết ra các câu hỏi là có thể tự đánh giá được bản thân mình. Đây là một điều rất quan trọng để làm đệm cho việc xác định nghề nghiệp chúng ta muốn hướng tới.
Khám phá bên trong con người mình chính là việc tìm hiểu xem những tiềm năng ẩn sâu bên trong. Việc khám phá bên ngoài kia chỉ là những thứ vốn dĩ của tiềm năng ẩn sâu của chúng ta biểu hiện ra khi gặp hoàn cảnh nhất định. Các bạn đã bao giờ nghe tới trí thông minh logic, trí thông minh ngôn ngữ hay tố chất lãnh đạo chưa? Đó là những thứ cơ bản.
Có một cách khác đỡ tốn thời gian hơn và hiệu quả cao hơn đó là việc tham gia các bài test bản thân. Nhưng lưu ý rằng những bài test trên mạng thường thấy hiện nay thì rất nhiều bài test khám phá bản thân không đảm bảo được chất lượng, dẫn đến kết quả đưa ra sai lệch, càng làm chúng ta đi sai đường hơn.