'Từ huấn lục' của Hoàng thái hậu Từ Dụ có gì đặc biệt?

GD&TĐ - Hoàng thái hậu Từ Dụ được đánh giá có đủ phẩm hạnh để làm gương cho kẻ dưới - là bậc mẫu nghi thiên hạ suốt nửa thế kỷ dưới triều nhà Nguyễn.

Cung Diên Thọ - cung của Thái hậu Từ Dụ ở Hoàng thành Huế.
Cung Diên Thọ - cung của Thái hậu Từ Dụ ở Hoàng thành Huế.

Những lời răn dạy của Hoàng thái hậu Từ Dụ đều được vua Tự Đức chép lại thành một tập sách mang tên “Từ huấn lục”. Đây là tác phẩm độc đáo và duy nhất, vừa thể hiện hình thức học tập lễ giáo trong phạm vi gia đình của bậc đế vương.

Đồng thời còn là tác phẩm do chính tay hoàng đế ghi chép lại từ những lời dạy của mẹ - điều chưa từng có trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

Dòng dõi thi thư, gia giáo

Bản gốc tập “Từ huấn lục” do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế lưu giữ.

Bản gốc tập “Từ huấn lục” do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế lưu giữ.

Bà Từ Dụ là vị Thái hậu duy nhất của triều Nguyễn được thờ vọng trong cùng một khu lăng tẩm của con trai mình - dù bà tạ thế sau con mình 18 năm. Việc thờ vọng này được chính vua Tự Đức căn dặn trước khi băng hà. Điều này xuất phát từ việc bản thân Tự Đức không có con nối dõi, nên muốn linh hồn người mẹ sau khi mất vẫn được an ủi, sớm tối phụng thờ.

Theo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, “Từ huấn lục” - tập ghi chép lời mẹ dạy bằng chữ Hán của vua Tự Đức. Tác phẩm là cánh cửa hé mở góc nhìn chưa từng biết về đời sống nội cung ở một thời quá vãng. Mỗi câu chuyện trong tác phẩm này cũng là đường dẫn đi đến thế giới tâm tư của một vị hoàng đế chí hiếu nhưng sinh gặp thời đất nước ở trong tình thế nguy nan.

Hơn thế, mỗi câu chữ của “Từ huấn lục” chính là một nét bút vẽ nên chân dung của Hoàng thái hậu Từ Dụ - người phụ nữ được sử sách ghi nhận là bậc mẫu nghi thiên hạ - thông minh, nghiêm từ, đôn hậu.

Hoàng thái hậu Từ Dụ (tức Nghi Thiên Chương Hoàng hậu) tên thật là Phạm Thị Hằng. Bà sinh ngày 19/5 năm Canh Ngọ (1810) tại Gò Công (Tiền Giang). Cha của bà là Lễ bộ Thượng thư, Cần chánh Điện đại học sĩ Phạm Đăng Hưng.

Sinh ra và lớn lên trong môi trường gia giáo, người con gái dòng dõi trâm anh đất Gò Công từ nhỏ đã có thiên hướng thích đọc sách - lớn lên thông kinh sử, nổi tiếng là người hiền thục, hiếu thảo. Vì thế năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tuyển vào cung để hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) lúc này đã 17 tuổi.

Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, bà sớm được tiếp thu và rèn luyện những phẩm hạnh tốt đẹp của người phụ nữ khéo léo - biết sắp xếp, quản lý công việc hậu cung. Bà nổi tiếng trong việc giữ gìn bổn phận làm người con dâu hiếu thảo, người vợ đoan chính, người mẹ hiền thục, hiểu rõ đạo vợ chồng, phong thái “uy nghi trang trọng, vui giận chẳng biểu hiện sắc mặt”.

Bà xứng đáng không chỉ là người phụ nữ được chọn để chăm lo hầu hạ bên cạnh hoàng đế, mà còn có đầy đủ phẩm hạnh để làm gương cho kẻ dưới, là bậc mẫu nghi thiên hạ trong suốt hơn nửa thế kỷ dưới triều Nguyễn.

Bà Từ Dụ chỉ có một người con trai duy nhất là hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sau này là vua Tự Đức. Từ nhỏ, thể trạng nhà vua đã hay đau ốm nên bà không giao con cho nhũ mẫu như những người khác, mà tận tay chăm sóc nuôi dưỡng.

Có lẽ vì thế mà ngay cả khi đã trưởng thành, trở thành người kế nghiệp ngai vàng, vai trò của người mẹ vẫn vô cùng quan trọng đối với Tự Đức. Những lời răn dạy của bà đều được vua Tự Đức chép lại thành một tập sách mang tên “Từ huấn lục” và luôn mang theo bên mình để ghi nhớ lời mẹ dặn.

Lời mẹ dạy trong 'Từ huấn lục'

Ảnh chụp chân dung Hoàng thái hậu Từ Dụ.

Ảnh chụp chân dung Hoàng thái hậu Từ Dụ.

Theo các nhà nghiên cứu, tập sách xét ở phương diện đạo lý gồm có 225 lời dạy của Hoàng thái hậu Từ Dụ được vua Tự Đức chép cẩn thận làm sách gối đầu giường. Trong đó rất nhiều bài học về đạo lý lễ nghĩa, cách đối đãi trong triều ngoài nội, việc ứng xử giữa vua với họ hàng bên ngoại...

Đáng chú ý, tập sách chép nhiều ý kiến của bà Từ Dụ về họ ngoại - tức những việc liên quan đến dòng họ mình. Tất cả đều là lời lẽ nghiêm khắc, lấy lẽ phải mà răn dạy, bày tỏ chính kiến theo phép nước và đạo lý, tuyệt đối không thiên vị họ ngoại vua - tức dòng họ của bà Từ Dụ.

Không chỉ thế, nội dung tập sách chính là các trao đổi giữa vua với mẹ ở cự ly gần. Tại đó, bà Từ Dụ còn tâm tình nhiều chuyện không chỉ nằm trong khuôn khổ riêng tư của hoàng triều, mà còn mang tầm vóc quốc gia.

Như chuyện bà Từ Dụ kể lại hành trạng của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu - tức vợ chúa Nguyễn Ánh thời còn bôn ba chưa lên ngôi: “Thừa Thiên Cao Hoàng hậu ta lúc nhỏ được Cao hoàng đế ta hỏi lấy làm vợ, từng theo bôn ba, từng gặp những khi khó khăn nguy hiểm mà vẫn đối xử với kẻ dưới tốt đẹp. Hễ có tìm được thức ăn thì tự chế biến, trước tiên dâng lên cho nhà vua, sau đó chia ra ban phát hết cho quần thần đi theo.

Từ tướng lãnh cho đến binh sĩ, y phục có bẩn hay rách đều tự thân giặt giũ, may vá cho. Rằng: Họ không có thân thích vợ con, một lòng theo ta, ta có thể không thương xót sao? Cái đức hiền từ kia lớn như vậy. Bởi vậy, quần thần đều xem như mẹ, chẳng thể không yêu kính”.

Ấn Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu chi bảo.

Ấn Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu chi bảo.

Lại có chỗ chính vua Tự Đức khi đang đề cập đến các bậc tiên đế, ghi luôn cả những chi tiết có tính cách riêng tư mà ngay các bộ sử cũng không có cơ hội chép. Như chi tiết vua Gia Long vốn rất giỏi bơi lội: “Thế Tổ ta rất giỏi bơi lội, mọi người chẳng sánh kịp, khoảng thời trung hưng trở lại nhờ đó mới tránh được họa, sau cùng có thể tái tạo cơ đồ, gian nan quá vậy!”.

Có những chuyện trong cung vua - hai mẹ con bàn chuyện vá lỗ thủng trên mái rui rất giống đời sống thường dân: “Hiên phía Đông chính điện cung Gia Thọ trên mái rui có lỗ hổng, ở đó có nhiều gió lùa vào, ta xin lấy vải bịt lại. Kính vâng lời dạy rằng: Dùng vải cắt xé ra, sau chẳng thể dùng lại, thật phí phạm vô ích. Nên dùng lá chuối khô bịt chỗ đó lại cũng đã kín vậy. Sự tiết kiệm đại để là như vậy”.

“Từ huấn lục” có nhiều chỗ chép chuyện vua đọc sách sử cho mẹ nghe. Nhân đó Hoàng thái hậu ban lời dạy bảo, hoặc đơn giản chỉ là nhận định về các chuyện xưa để làm bài học trị nước. Cái hay là qua đó phát lộ quan điểm chính trị của cả vua và Hoàng thái hậu.

Ở đoạn vua Tự Đức đọc bài sớ của Cao Đường Long nước Ngụy có nói rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của thiên hạ, chẳng phải là thiên hạ của bệ hạ đâu”. Và Hoàng thái hậu Từ Dụ dạy rằng: “Thật quả là như thế vậy”.

Vào thời phong kiến, quan điểm đáng xem là trái mệnh phản nghịch, ấy vậy mà bà Từ Dụ dạy con “điều đó đúng” - là một chi tiết quan trọng để hậu thế đánh giá tư duy cấp tiến của vua cũng như bà Từ Dụ.

Trải 10 đời vua, giúp con hướng thiện

Đám tang của Hoàng thái hậu Từ Dụ, năm 1901. Ảnh tư liệu.

Đám tang của Hoàng thái hậu Từ Dụ, năm 1901. Ảnh tư liệu.

Trong những lần trò chuyện riêng với mẹ, cũng có khi vua Tự Đức đề cập chuyện chính sự nước nhà. Lại có những chi tiết nhỏ nhặt nhưng lại hết sức cảm động - như chuyện vua Tự Đức dâng mẹ đôi mắt kính bằng thủy tinh, lâu ngày cái bao đựng kính bị cũ nên xin đổi, thì mẹ bảo: “Nó chỉ bị mỏng chút ít mà thôi, cũng không can gì. Nay nếu đổi lấy cái mới, dùng lâu cũng sẽ cũ, không bằng để cũ như thế cớ gì mà đổi”. Vua chỉ còn biết ghi: “Sự tiết kiệm của mẹ là như thế”.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu, những ghi chép của vua Tự Đức về lời mẹ dạy không chỉ thể hiện hình ảnh của một người con hiếu thảo - mà còn thể hiện sự gắn bó khăng khít giữa nhà vua với thân mẫu. Đồng thời, cũng cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của Hoàng thái hậu Từ Dụ đối với vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19.

Qua những câu chuyện nhỏ gắn với người mẹ, bản ghi chép của vua Tự Đức phản ánh chân dung của chính mình từ góc độ của một người con có những đam mê, sở thích bình dị như việc bắn chim; hay câu chuyện hết sức đời thường như việc sợ tiếng súng thần công và ngựa, được mẹ cho đốt pháo để tập làm quen với âm thanh.

Những tích truyện trong sử sách và cách xử trí trong đời thường được bà Từ Dụ khéo léo dẫn giải, hướng cho con cách nghĩ, cách suy xét thấu đáo, hướng thiện, diệt ác, chú trọng đề cao đức hạnh, công chính, giữ gìn hiếu lễ, cần kiệm. Từng chút một, những bài học từ thực tế và những lời răn dạy của mẹ được nhà vua ghi nhớ, vận dụng, chiêm nghiệm trong cuộc sống và trong cách ứng xử, cách điều hành công việc.

Số phận đã chọn Hoàng thái hậu Từ Dụ làm nhân chứng lịch sử cho suốt 10 đời vua Nguyễn. Bà sinh ra vào thập kỷ đầu của thế kỷ 19 khi vua Gia Long đang ra sức củng cố triều đại, rồi lại phải chứng kiến những thảm cảnh của dân tộc khi nước mất nhà tan.

Hoàn cảnh lịch sử đã đặt lên vai bà Từ Dụ sứ mệnh của một người phụ nữ kiên cường. Bà đã đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ gìn ổn định hậu cung, nêu tấm gương mẫu mực của bậc mẫu nghi thiên hạ trong suốt chặng đường hơn nửa cuộc đời.

Hoàng thái hậu Từ Dụ mất ngày 5/4 năm Tân Sửu (1901). Bà được an táng tại Xương Thọ Lăng, nằm trong quần thể không gian rộng lớn của Xương Lăng (lăng vua Thiệu Trị).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ