Vua Tự Đức với những bình luận về An Dương Vương

GD&TĐ - Từ ngày 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhân dân xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội lại tổ chức ngày hội tưởng nhớ An Dương Vương.

 Tranh minh họa
Tranh minh họa

Tuy nhiên, mấy năm gần đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, địa phương không tổ chức khai hội, nhưng những nén tâm hương vẫn được nhân dân địa phương thắp lên để ghi công người sáng lập ra nhà nước Âu Lạc - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam và xây dựng thành Cổ Loa hơn 2.200 năm trước.

Thành bại từ hôn nhân

Ngược dòng lịch sử, lần theo sử sách thời nhà Nguyễn, chúng ta có thể đọc được những lời bình luận của vua Tự Đức về sự nghiệp dựng nước, cũng như nguyên nhân thất bại của An Dương Vương, khiến đất nước rơi vào tay giặc.

Vua Tự Đức (1829 - 1883), vị vua thứ tư của triều Nguyễn, là người ham học, hay chữ và rất yêu sử học. Dưới thời trị vì của mình, nhà vua đã sai Quốc sử quán biên soạn bộ quốc sử “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”, do danh thần Phan Thanh Giản làm tổng tài (chủ biên).

Đây là bộ sử lớn thứ hai của nước ta, sau bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” được các sử quan thời Trần, Lê nối tiếp nhau biên soạn. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, hay thường được gọi tắt là “Cương mục”, có biên độ thời gian rộng hơn “Toàn thư”, được chép từ đời thượng cổ cho đến hết thời nhà Hậu Lê.

Khi đọc bản thảo, vua Tự Đức đã tự phê nhiều lời bình luận về các sự kiện lịch sử của đất nước. Những lời phê này được các sử quan nhà Nguyễn đưa vào “Cương mục” để in khắc và lưu truyền đến ngày nay.

Trong sách “Cương mục”, về thất bại của Thục An Dương Vương, các sử quan nhà Nguyễn viết phần “cương” (phần tóm tắt gọn và sáng) như sau: “Năm Quý Tỵ (208 trước Công nguyên) (Thục An Dương Vương năm thứ 50; Tần Nhị thế năm thứ 2): Triệu Đà nhà Tần lại sang xâm lược. Vua Thục thua, chạy, chết. Nhà Thục mất”.

Ở phần “mục” (việc chép rộng ra cụ thể hơn), phía dưới, sự việc được dẫn giải chi tiết, trong đó có đoạn: “Triệu Đà đem quân sang đánh vua Thục, vua Thục không ngờ lẫy nỏ đã hỏng, vẫn cứ nhơn nhơn đánh cờ, cười rằng: “Triệu Đà không sợ nỏ thần của ta ư?”.

Kịp khi quân Triệu Đà đã bức bách tận nơi, vua Thục mới giương nỏ, thì lẫy nỏ hỏng rồi, liền thua chạy, cho nàng Mị Châu cưỡi ngựa cùng chạy về phía Nam. Trọng Thủy cứ nhận dấu lông ngỗng mà đuổi theo. Vua Thục đến bãi biển, hết đường chạy, nhảy xuống biển chết. Nhà Thục mất”.

Dưới đoạn này, là lời phê của vua Tự Đức như sau: “Vua Thục trước đây vì hôn nhân mà được thắng lợi, rồi cũng vì hôn nhân mà bại vong, đạo trời báo phục không sai, kể cũng chóng quá!”.

Ở đây, vua Tự Đức nhắc lại chuyện được sử chép rằng cuối đời các vua Hùng, Hùng Vương có con gái gọi là Mị Nương. Thục vương nghe tin, sai sứ đến cầu hôn. Hùng Vương muốn gả cho, nhưng Lạc Hầu can rằng: “Ý nó muốn toan tính ta đây, chẳng qua mượn tiếng cầu hôn đó thôi”.

Thành thử việc đó thôi hẳn. Thục vương căm giận lắm, dặn con cháu sau thế nào cũng phải diệt nước Văn Lang. Đến năm 2 trước Công nguyên, cháu Thục vương là Thục Phán có sức mạnh và mưu lược, nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương. Hùng Vương quân giỏi, tướng mạnh, hễ ra đánh, quân Thục thua liền. Hùng Vương nói: “Ta đây có thần lực, Thục không sợ ư?”.

Rồi cứ lề mề chè chén để mua vui, không lo đến việc vũ bị. Quân Thục kéo đến, Hùng Vương hãy còn say mềm chưa tỉnh. Kịp khi giặc đến gần, bức bách gấp rồi, nhà vua thổ ra huyết, gieo mình xuống giếng; còn quân thì quay giáo đầu hàng. Nước Văn Lang mất. Thục Phán lấy được nước Văn Lang, đổi tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê (tức thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội).

Và 50 năm sau, từ cuộc hôn nhân giữa Trọng Thủy và Mị Châu, với các thủ đoạn gián điệp của Trọng Thủy và sự mất cảnh giác của An Dương Vương đã khiến cho nước Âu Lạc bại vong, khiến vua Tự Đức cho rằng có sự “báo phục” của đạo trời, hai cuộc cầu hôn, một đằng là nguyên nhân, một đằng là kết quả, và khoảng thời gian 50 năm trong cả chiều dài lịch sử của đất nước, theo nhà vua là “kể cũng chóng quá”.

Bình luận bằng thơ “hưng vong do nhất nữ”

Không chỉ để lại những bình luận lịch sử bằng các câu văn, vua Tự Đức còn sáng tác rất nhiều bài thơ bình luận lịch sử, trong tập “Việt sử tam bách vịnh”. Nhà vua cũng sai các triều thần chọn viết từng câu chuyện về các bậc vua chúa, danh tướng, anh hùng của nước ta từ đời Hùng Vương đến đời Hậu Lê, rồi chính tay nhà vua làm thơ đề vịnh từng người, để tỏ thái độ biểu dương hoặc phê phán. Đó chính là bộ “Việt sử tổng vịnh” nổi tiếng của vua Tự Đức.

Cuốn “Việt sử tổng vịnh” được chia làm 8 quyển, với 212 bài thơ vịnh về sự kiện, nhân vật do vua Tự Đức đích thân viết. Trong lời “Tựa” của bộ sách, vua Tự Đức đã bày tỏ quan điểm của mình với sử học: “Sinh ra ở trăm nghìn năm sau mà có thể biết được trăm nghìn năm trước không nhờ ở sử thì căn cứ vào đâu. Thế cho nên, từ trước đến nay, trên từ vua quan, dưới đến sĩ nữ, không ai không đọc sử”.

Nhà vua cũng phân tích cho thấy vì sao đọc sử Việt Nam khó hơn đọc sử Trung Quốc: “Còn như sử nước ta, từ đời Hồng Bàng đến nay, hơn bốn nghìn năm cùng lớp. Nhưng người làm sử thì chẳng mấy ai, mà cũng không có gì là phép tắc. Giản hoặc có người biên chép, thì có khi lại quá hoang đường, hoặc lại mất mát linh tinh, chưa từng thấy có bản nào toàn vẹn có thể soi lên làm gương.

Trong khoảng đó, những bậc vua sáng, trai tài, gái giỏi, ngoài tỏa sáng sự nghiệp, trong chứa chan đức hạnh, chắc là đời cũng sẵn đủ người để làm mẫu mực khuôn phép. Thế mà cũng đều tản mát, bỏ rơi, mười phần không còn được một. Ta thường lấy thế làm bực cho các vua đời trước cùng các sử thần không lưu ý chuyên tâm”.

Từ những lý do này, vua Tự Đức giải thích vì sao mình trực tiếp viết các bài vịnh sử: “Ta, lúc hồi trước ít việc, nhân sai các nho thần ở Tập Hiền viện khảo xét sử cũ, biên chép sự tích, rồi chia từng môn loại, chọn cái đáng vịnh mà vịnh một bài thất ngôn tuyệt cú.

Trong số các bài vịnh sử, các bậc đế vương được 50 bài, hậu phi 6 bài, quan to 9 bài, tôi hiền 19 bài, người trung nghĩa 35 bài, quan văn 18 bài, tướng võ 26 bài, liệt nữ 5 bài, tiếm ngụy 4 bài, gian thần 10 bài và bộ vịnh 30 bài. Trên từ Lạc Long Quân, dưới đến Hậu Lê, chia làm 11 bài, tất cả 212 bài thơ bình luận”.

Nhà vua cũng giãi bày là việc viết 212 bài thơ kéo dài trong nhiều năm “Nhưng cũng vì ngày rỗi thường ít, việc vặt thường nhiều, cho nên làm ra không một lúc, duyệt lại không phải một người. Dẫu rằng lâu mãi mới xong, nhưng cũng vẫn theo một lệ: Về mỗi người là một bài thơ mà mỗi bài thơ là một đoạn truyện.

Nghĩa là thơ để nêu cái cốt yếu, mà truyện để chép sự rõ ràng. Tạm theo văn cũ, chưa kịp sửa sang, không khỏi lộn xộn, tối rườm, không hợp thể tài. Loại cũng chia tạm qua loa, chưa chắc đã thích đáng, chỉ tiện cho đám sơ học mà thôi”.

Ở bài thơ vịnh An Dương Vương, vua Tự Đức viết bài thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán, nguyên văn:

“Loa thành tài trúc, nỗ tài khoa

Hải thượng đồ cùng hối dĩ xa

Nhược ngô hưng vong do nhất nữ

Hòa thân hà tất giám tiền xa”.

Tạm dịch là:

Thành Loa vừa đắp nỏ vừa khoe

Bờ biển cùng đường hối cũng dư!

Ví biết mất còn do một gái

Kết thân đâu dẫm vết xe xưa.

Qua bài thơ này, vua Tự Đức nhấn mạnh bài học về việc An Dương Vương để mất nước, nhà tan, bản thân mất mạng vì ngây thơ trong chính trị và quân sự ngoại giao, qua đó, ông cũng nhắc nhở đời sau luôn phải đề cao ý thức cảnh giác và nghiền ngẫm các tấm gương từ lịch sử.

Dù vẫn tập trung nguyên nhân mất nước đổ vào đầu “một gái” là Mị Châu công chúa, nhưng lời thơ của nhà vua không mang tính kết tội nàng, mà người đọc thấy rõ trách nhiệm thuộc về vua An Dương Vương, với những sai lầm từ khoe khoang, sơ hở đến quyết định kết thân không hợp lý.

Bài “Tựa” tập “Việt sử tổng vịnh” được vua Tự Đức viết xong ngày 5 tháng 6 năm Tự Đức thứ 27 (1874), khi nhà vua đã 45 tuổi, cái tuổi đỉnh cao của sự trưởng thành, vững chắc nhất về tư tưởng của đàn ông thời xưa.

Trong bài tựa này nhà vua cũng nói rõ lời khuyên của mình trong việc học tập sử Việt, không chỉ cho “trai gái có chí”, mà còn dành cho cả các bề tôi trong triều và cả những bậc quân vương nối tiếp: “Ta nghĩ (việc mình viết tập vịnh sử này) bận lòng đã lâu, nay nếu bỏ đi cũng là đáng tiếc.

Bèn sai các quan trong các, xem xét viết lại, cho khắc in ra ngõ hầu để tỏ rõ chí ta và lưu lại cái gương khuyên răn giám giới. Sau đây, vua tôi, trai gái có chí, xem mà cảm động, thì vua tròn đạo vua, tôi vẹn đạo tôi, trai trau dồi nết tốt, gái gìn giữ tiết trinh”.

Dù thể hiện mình là người cố gắng học các bài học lịch sử, noi gương các vua sáng, phê phán các vua kém của nước Việt, nhưng trong việc trị quốc, thì Việt Nam dưới thời vua Tự Đức lại ngày một suy yếu, và sau thời của ông, đất nước nhanh chóng rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện khác cần để bàn sau, còn những trăn trở của vua Tự Đức với lịch sử dân tộc vẫn rất đáng được ghi nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ