Từ hộ nghèo khó vươn lên thành triệu phú

GD&TĐ - Từ hộ gia đình nghèo khó, ông Lường Văn Sương, xóm Nà Lốc (xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi bò.

Ông Sương đang kiểm tra chuồng trại nuôi bò.
Ông Sương đang kiểm tra chuồng trại nuôi bò.

Đi lên từ nghèo khó

Chúng tôi có dịp được ghé thăm xã Đồng Chum, 1 trong những xã khó khăn của huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình). Ở đây, nhắc đến tên ông Lường Văn Sương, không ai trong xóm là không biết. Không những làm kinh tế giỏi, ông Sương còn giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, thuần nông như bao đồng bào dân tộc Tày khác ở địa phương. Sau nhiều năm bôn ba với đủ thứ nghề, ông Sương quyết định lập nghiệp tại quê hương. Năm 2012, cùng với số vốn đã tích cóp được trong một thời gian, ông Sương mạnh dạn vay thêm tiền để mua 6 con bò sinh sản phát triển kinh tế. Đồng thời để có thức ăn cho đàn bò, ông Sương đã mạnh dạn chuyển đổi vài ha ngô của gia đình trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn bò.

Ông Sương cho biết: “Để vươn lên thoát nghèo, tôi đã trải qua nhiều phen vật lộn với dịch bệnh và cái rét ở vùng cao xứ Mường, đàn bò của tôi cũng bị ảnh hưởng. Nhờ ham học hỏi trong chăm sóc đàn bò ở các tỉnh dưới xuôi, tôi đã đúc rút ra nhiều bài học quý. Từ đó, tôi áp dụng vào chăm sóc đàn bò nên số lượng không ngừng tăng lên".

Đàn bò tại trang trại của ông Sương đang được cho ăn cỏ để vỗ béo.

Đàn bò tại trang trại của ông Sương đang được cho ăn cỏ để vỗ béo.

Theo ông Sương, nhận thấy nuôi bò có giá trị kinh tế cao, ông đã vay mượn tiền anh em họ hàng và Ngân hàng nhân rộng quy mô nuôi bò. Sau đó, ông đã xây dựng chuồng trại rộng 2.000m2 để làm nơi nuôi nhốt hơn 100 con bò. Đồng thời, ông cũng đầu tư hàng rào B40 bao quanh khu đồi của mình nuôi bò theo hình thức bán chăn thả. Thấy đàn bò phát triển, ông đã mua 1 con bò 3B đực với giá 42 triệu đồng về tiến hành lai với bò vàng địa phương. Mỗi năm, đàn bò của ông cũng sinh được từ vài chục con bò 3B lai.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc và phòng bệnh cho đàn bò, ông Sương cho biết: Để phòng bệnh cho đàn bò, trong 1 năm ông tiêm vắc xin 2 lần. Mỗi lần ông tiêm phòng các loại bệnh như: Tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, lở mồm long móng. Mỗi loại vắc xin sẽ được ông tiêm cách nhau 1 tuần. Đối với thức ăn, ông thường cho đàn bò ăn cỏ voi, ngô sinh khối, có thời điểm bổ sung thức ăn tinh là cám gạo, sắn.

"Đàn bò của tôi lúc nào cũng duy trì hơn 100 con. Năm nào, tôi cũng bán vài chục con bò. Thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng mỗi năm. Mọi người còn đặt cho tôi biệt danh là triệu phú Đồng Chum"- ông Sương cười nói.

Được ông Sương tạo điều kiện cho về làm thuê tại trang trại, anh Sa Văn Lương đã có nguồn thu nhập ổn định.
Được ông Sương tạo điều kiện cho về làm thuê tại trang trại, anh Sa Văn Lương đã có nguồn thu nhập ổn định.

Ngoài tạo thu nhập cho mình, ông Sương còn tạo thu nhập cho 3 lao động thường xuyên với mức lương từ 5 – 6 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động ở địa phương.

Anh Sa Văn Lương, xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum nói: "Tôi làm ở đây đã được 2 năm. Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm. Hai vợ chồng quanh năm làm nương, trồng ngô, trồng sắn không đủ ăn. Được ông Sương tạo công ăn việc làm nên hiện nay cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn trước nhiều. Gia đình tôi có thêm điều kiện để lo cho con ăn học”.

"Suy tôn" là triệu phú

Là một triệu phú đi lên từ nghèo khó, ông Sương thấu hiểu hơn ai hết về những khó khăn trong việc phát triển kinh tế của người dân ở vùng đất Đồng Chum. Nếu chỉ trông chờ thu nhập từ cây ngô, cây lúa thì bà con chỉ đủ ăn, kinh tế không thể khá lên được. Cái nghèo cứ mãi bủa vây lấy bà con.

Sau nhiều lần trăn trở, ông Sương cuối cùng cũng tìm ra giải pháp đó là triển khai mô hình bò nuôi rẽ. Những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn sẽ được ông Sương cho nhận nuôi 2 con bò mẹ. Sau khi bò mẹ sinh sản, lợi nhuận thu được chia đều cho 2 bên là 50/50. Ông Sương lấy một nửa, các hộ gia đình được nhận nuôi bò sẽ lấy một nửa. Hai con bò mẹ thì các hộ dân sẽ tiếp tục nuôi. Đến khi, các hộ gia đình có đủ điều kiện phát triển kinh tế sẽ trả lại hai con bò mẹ đã nhận nuôi lúc đầu cho ông Sương.

Ông Sương cho biết: "Tôi hỗ trợ bò cho 10 hộ trên địa bàn xã. Hiện nay, một số gia đình đã có hơn chục con bò. Thậm chí, có những hộ còn xây được nhà kiên cố và thu nhập ổn định".

Nhờ được ông Sương giúp đỡ, ông Mùi Văn Dưng, xóm Hà đã xây được nhà cấp 4 khang trang rộng khoảng 100m2.
Nhờ được ông Sương giúp đỡ, ông Mùi Văn Dưng, xóm Hà đã xây được nhà cấp 4 khang trang rộng khoảng 100m2.

“Trước đây, tôi là hộ nghèo của xã. Cuộc sống chỉ gắn với mảnh ruộng vài trăm m2 và nương ngô. Nhà thì có 6 nhân khẩu, nhiều khi làm chỉ đủ ăn, mãi không thể thoát khỏi cái đói, cái nghèo. May mắn được ông Sương thương tình hỗ trợ nuôi bò. Lúc đó, số lượng đàn bò của tôi đã phát triển lên đến 27 con. Năm 2022, tôi quyết định bán 20 con bò để xây nhà mới rộng 100m2, chi phí xây dựng lúc đó hết gần 300 triệu đồng”, ông Mùi Văn Dưng, xóm Hà cho biết.

Cũng tương tự với ông Dưng, gia đình ông Xa Văn Kính, xóm Ca Lông, xã Đồng Chum được nhận 2 con bò của ông Sương để nuôi rẽ. Từ 2 con bò cái nhận nuôi, ông đã phát triển số lượng đàn bò lên đến 6 con. Năm 2020, được ông Sương hỗ trợ vật liệu xây nhà, ông Kính quyết định bán đi 4 con bò để xây một ngôi nhà mới khang trang gần 100m2 để thay thế cho ngôi nhà cũ đã xuống cấp theo thời gian.

"Tôi là hộ nghèo. Từ khi được anh Sương giúp đỡ, tôi đã có vốn liếng phát triển kinh tế, xây dựng cho mình được một ngôi nhà mới, có điều kiện để lo cho con được tốt hơn. Gia đình tôi biết ơn anh Sương lắm" – ông Kính thổ lộ.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Sương – người được người dân đặt với biệt danh là triệu phú Đồng Chum, đã giúp nhiều gia đình nghèo trên địa bàn vươn thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Ông Sương đã góp một phần đáng kể vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.