1. Tuổi mười lăm như bây giờ còn là tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà lại biết viết báo; tưởng là chuyện không có thật. Nhưng ai đã từng phải đội mũ rơm, đeo gùi rơm đi học ở trường làng, đã từng phải thức giấc nửa đêm, mắt nhắm, mắt mở xuống hầm trú ẩn tránh máy bay Mỹ như tôi mới thấu hiểu cái cảm giác mừng vui tột độ như thế nào khi nghe tin đất nước từ nay được hòa bình độc lập.
Trở lại “sự kiện” tác phẩm đầu tay được đăng báo. Sau khi trút một mạch nỗi niềm trên trang giấy với tiêu đề “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, tôi với tay lấy tập báo Người giáo viên nhân dân trên kệ xem địa chỉ để gửi đi.
Báo chí thời bao cấp không ồ ạt như bây giờ, chỉ có mấy tờ phổ biến như Nhân dân, Quân đội, Tiền phong, Phụ nữ, Người giáo viên nhân dân, nên có được tờ nào quý tờ ấy, tờ nào cũng đọc say mê. Không chỉ riêng nhà tôi có người làm nghề dạy học mà rất nhiều gia đình cũng coi tờ Người giáo viên nhân dân như bạn đường vì tính chất vừa chuẩn mực, vừa gần gũi của nó.
Bài báo của tôi gửi đi được đăng ngay cũng làm “nóng” cả khu phố Trần Đăng Ninh (Nam Định) ngày ấy! Tôi đã cầm tờ báo với tờ giấy báo nhuận bút (chỉ 15 đồng) chạy khoe khắp xóm.
Tôi bắt đầu tập viết báo từ đấy, nhưng trong thâm tâm, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nhà báo mà đã chọn lựa cho mình nghề dạy học.
Suốt trong quãng đời đi dạy, tôi vẫn thường xuyên đọc báo của ngành và trải nỗi niềm nghề nghiệp ở đó. Nhớ nhất thời kỳ nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi phụ trách mục Văn nghệ nhà trường. Vốn là thầy giáo làm thơ, dạy giỏi có tiếng, được nhiều lớp học trò mến mộ, ông đã tạo được một sân chơi tinh thần bổ ích thật sự thu hút bạn đọc nhà giáo cả nước ở chuyên mục văn hóa nghệ thuật.
Tôi yêu tha thiết tờ báo của ngành, lúc này đã là Giáo dục và Thời đại từ đó, tham gia viết ở nhiều mảng: Thơ, truyện ngắn, tình huống ứng xử sư phạm, gia đình, trao đổi.
2. Ngày ấy, đội ngũ BTV của báo ngành rất năng trao đổi với các cộng tác viên. Có lần tôi đọc được thông báo ngay trên tờ Chủ nhật đề nghị tôi cung cấp địa chỉ để gửi nhuận bút; lại có lần chị Đào Khương (lúc bấy giờ làm Phó Tổng biên tập kiêm phụ trách tờ Chủ nhật) gửi cho tôi một phiếu chuyển nhuận bút 300 nghìn đồng cho truyện ngắn “Cây sáo trúc”. Tôi giữ tờ phiếu chuyển ấy tới bây giờ là vì 300 nghìn lúc bấy giờ rất lớn, nét chữ chị Khương lại rất phóng khoáng.
Tháng 6/1997, tôi có viết một bài báo trao đổi về một đề thi môn Văn trung học cơ sở ở Quảng Nam vì năm ấy chỉ có 28% học sinh đủ điểm từ trung bình trở lên, do đề thi có nhiều điểm không phù hợp.
Tôi rất tự tin về bài viết của mình, nên lần đầu tiên, sau khi gửi bài đi không thấy đăng, tôi đã gọi tới tòa soạn để hỏi. Người cầm máy trả lời tôi hôm ấy là chị Nguyễn Thị Trâm. Chị bảo tôi chờ để chị lục tìm sau đó sẽ gọi lại.
Chỉ 15 phút sau, chị đã gọi lại, vui vẻ báo cho tôi biết bài viết rất đạt và rất trân trọng bởi tính thẳng thắn của tác giả. Cái cách trả lời cùng với chất giọng nhỏ nhẹ, truyền cảm của chị Nguyễn Thị Trâm càng làm tôi yêu quý thêm, gắn bó thêm với báo ngành và cộng tác thường xuyên hơn.
Cho tới một hôm, tôi nhận được thư trao đổi của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi về truyện ngắn “Bản thảo xuân năm ấy” của tôi. Ông không hề ngần ngại khi bày tỏ rất thích truyện ngắn này và xin ý kiến bỏ đi câu này, chữ nọ (ngày bấy giờ chưa có vi tính).
Rồi ở đoạn kết bức thư ông viết: “Em thông minh, nhạy cảm, viết được nhiều; Làm cô giáo thì tốt rồi; Nhưng nếu làm báo thì sẽ có cơ hội giúp được nhiều người”. Những lời nhận xét này thật sự làm tôi sung sướng hơn cả có ai cho vàng, và đã chắp cánh thêm cho những trang viết…
Tháng 6/2004, tôi chính thức chuyển biên chế sang báo của ngành. Cũng là sự tình cờ, tôi không hề nghĩ tới, bởi trước đó một tuần lễ, tờ Thế giới trong ta còn đăng bài viết của tôi với tựa đề “Nếu chọn những người yêu nghề nhất thế gian này thì trong đó có tôi”.
Trong thâm tâm, phải mất tới cả năm sau về phụ trách Văn phòng thường trú của báo tại Đà Nẵng, tôi mới nguôi được nỗi nhớ trường, nhớ học trò, đồng nghiệp.
3.Được làm biên tập viên, phóng viên của Báo Giáo dục và Thời đại mà đối tượng bạn đọc là nhà giáo thật là niềm vinh dự, tự hào lớn. Họ là những người đọc có tầm văn hóa nên cũng rất khắt khe về câu chữ, ý tứ. Bởi vậy tôi luôn tự nhủ mình phải cần mẫn, phải chăm chút như con ong làm mật.
Tôi luôn đặt mình vào vị trí của họ để thẩm định những trang viết. Những kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi với đội ngũ nhà giáo là những lần đi vùng sâu, vùng xa, lên Tây Nguyên, thấy các thầy cô giáo ở đó đời sống khó khăn, chật vật mà tâm hồn họ trong sáng quá, tận tụy và hết lòng với học sinh.
Những người thầy có chuyên môn cao như GS, PGS, TS, tôi cũng thấy ở họ cái tâm đầy nhiệt huyết với nghề, với sự nghiệp trồng người.
Trong quá trình tiếp xúc, tôi học được học ở họ rất nhiều đức tính quý giá: sự tỉ mỉ, bài bản, khoa học trong công việc; sự giản dị, khiêm nhường trong cuộc sống, điển hình như GS.NGND Cao Ngọc Thành, GS.TS Trần Hữu Dàng (Trường Đại học Y Dược Huế); GS.TSKH Bùi Văn Ga, PGS.TS Trần Văn Nam (Đại học Đà Nẵng); PGS.TS Phan Văn Hòa, PGS.TS Trần Quang Hải (Trường ĐH Ngoại ngữ- ĐH Đà Nẵng), PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh (Trường ĐHSP Đà Nẵng); PGS.TS Nguyễn Hồng Anh (Trường ĐH Quy Nhơn); NGƯT Lê Công Cơ (Trường Đại học Duy Tân); và còn bao thầy cô giáo khác nữa không thể kể hết…
Tôi đã luôn tự nhủ luôn phải làm việc hết mình để không phụ lòng tin của họ đối với báo ngành. Nhưng cứ nghĩ tới một ngày, không còn được làm việc bên những con người đáng kính ấy mà lòng thấy rưng rưng!
Trong ký ức của tôi, sẽ nguyên vẹn những xúc cảm tươi mới của ngày đầu làm báo và khó có thể mờ đi hình ảnh của những ngày rong ruổi đường trường, trèo đèo, lội suối để đến với những ngôi trường mà ở đó, chỉ có “người với người sống để yêu nhau”...