Tự do, món quà vô giá

GD&TĐ - Hơi ấm phả lên đôi gò má lấm tấm những nốt tàn nhang nhỏ xíu khiến Hà tỉnh giấc. Nắng đầu mùa thường rất nhẹ và dịu, Hà vẫn nằm trên giường, đưa tay ra hứng những giọt nắng đang nhảy nhót trên tấm chăn mềm.

Tự do, món quà vô giá

Chồng Hà đi làm từ sáng sớm mà cô không hề biết, điều đó chứng tỏ cô đã ngủ rất ngon. Chợt nhớ hôm nay mình không phải đi làm nữa, Hà phấn khích hẳn lên, cô bật dậy, xỏ dép rồi chạy vào nhà tắm.

Hà say sưa ngắm mình trong gương. Mới chỉ cách đây một tuần, cô gái kia còn đầu bù tóc rối, mặt nhợt, môi tái, mắt thâm như đang bị bệnh nặng.

Áp lực công việc đã biến Hà trở thành một phụ nữ thảm hại như thế. Chồng cô ra sức khuyên nhủ, cam đoan đủ thứ, nào là: “Em yên tâm, mình anh cũng gánh vác được cả gia đình, em ở nhà cho đỡ mệt”, rồi thì: “Anh chỉ cần em là chính em thôi, xinh đẹp, dịu dàng và mãi là của anh, em không cần đánh đổi bất cứ điều gì và cũng không nhất thiết phải trở thành một ai đó trong xã hội…”.

Cuối cùng Hà cũng chấp nhận nghỉ việc, an phận ở nhà làm vợ và làm mẹ. Đồng nghiệp từng lo lắng cô sẽ không vượt qua được cú sốc nhàn rỗi, nhưng Hà vẫn ngồi đây, bình thản đến mức khó tin.

Chỉ sau một đêm ngon giấc, thần thái cô đã khác hẳn. Làn da mịn màng, tươi tắn và săn chắc, mái tóc cô cũng mềm và bóng hẳn lên. Hà nở một nụ cười dành tặng bản thân rồi phủ lên môi màu son hồng đào sành điệu. Đã đến lúc cô bước qua cánh cửa kia, hòa mình vào cuộc sống tự do của chính cô chứ không phải cắm mặt đến cơ quan như trước nữa.

Đường phố trong lành và bình yên chứ không đặc quánh khói bụi như trước đây cô thấy. Khi cơ thể được nghỉ ngơi, thoát khỏi những trói buộc của cuộc sống hàng ngày, đôi mắt cô sẽ chỉ gom lại những điều xinh đẹp mà thôi.

Hà không hề biết đôi chân mình đang nhảy chân sáo trên đường như một đứa trẻ, điều đó làm người đứng cách cô chừng 5 mét phải bật cười: “Hà ơi Hà, có phải Hà đấy không?”.

Tiếng gọi ấy lặp lại vài lần mới đủ khiến đôi chân Hà ngừng nhảy nhót, cô ngoái lại. Hà chưa thể nhận ra người đứng trước cửa quán cà phê xanh biếc là ai nhưng trống ngực cô đập thình thịch, cảm giác hồi hộp xốn xang khó tả: “Tại sao mình lại thế nhỉ, anh ta là ai vậy?”.

Người đó chủ động tiến đến gần Hà hơn: “Không nhận ra tớ nữa chứ gì? Tớ thấy cậu đi qua đây mấy lần rồi nhưng không dám gọi, sợ cậu không nhận ra tớ nữa, mà sự thật… đúng là như vậy, ngại quá!”.

Biểu cảm ngại ngùng ấy khi quan sát ở khoảng cách gần càng khiến tim Hà đập mạnh. Hà đã biết anh ấy là ai rồi. Thời gian và cuộc sống thường ngày có thể đã xóa mất một vài ký ức thuở xưa trong tâm trí nhưng trái tim thì không biết nói dối, nó đã giúp cô nhận ra người bạn cùng lớp của mình.

Nhìn anh bây giờ Hà mới ý thức được rằng chính cô cũng đã già đi rất nhiều. Mối tình đầu của cô ngày ấy và bây giờ khác nhau nhiều quá. Không biết những năm qua anh sống thế nào, anh có ổn không, anh đã kết hôn chưa…

Rất nhiều câu hỏi khiến Hà cảm thấy đôi chân mình nặng trĩu, không thể nhấc lên được nữa. Chính cô cũng không ngờ những kỷ niệm mà cô ngỡ đã ngủ yên bỗng có ngày trỗi dậy dữ dội đến thế.

Hà không biết Bình đã làm cách nào để đưa cô ngồi vào chiếc ghế gần cửa sổ trong quán cà phê màu xanh biếc. Hương thơm của vài cọng bạc hà nhỏ trên ly soda khiến tâm trí Hà tỉnh táo trở lại.

Bình chống một tay lên cằm, miệng không ngừng cười và đôi mắt thì không thể nhìn vào chỗ nào khác ngoài khuôn mặt tươi tắn rạng ngời của Hà: “Cậu khỏe không? Nhà cậu ở gần khu phố này à? Thú vị thật, tớ chưa bao giờ nghĩ chúng ta được gặp nhau ở đây”.

Hương thơm trên ly nước phai dần khiến mặt Hà ửng đỏ vì ngại, cô không biết mình nên nhìn vào mắt người đối diện bằng cách nào.

Ngày xưa, mỗi buổi tan lớp, Hà lại mở sách ra, lẽo đẽo đi theo Bình để bắt anh học: “Khi nào cậu giải được phương trình này tớ mới cho cậu vẽ”. Không chỉ kèm Bình học toán, Hà còn theo dõi sát sao các môn học khác để anh có thể tốt nghiệp cấp 3 và thi đậu một trường đại học nào đó. Hà tuổi 18 là một cô gái khá chín chắn và già dặn, khác hẳn với Bình, người chỉ thích theo đuổi ước mơ viển vông – trở thành một họa sĩ tự do.

Những nỗ lực của Hà cuối cùng cũng được đền đáp khi Bình thi đậu đại học. Họ quấn quýt bên nhau cho đến năm cuối, Bình bất ngờ thông báo: “Tớ đã làm hết những gì cậu mong muốn rồi, giờ tớ muốn quay lại với niềm đam mê của mình”.

Mọi thứ sụp đổ vào đúng sinh nhật lần thứ 22, Hà không biết trách ai vì cô đã nỗ lực hết sức. Mối tình đầu dù đẹp đến mấy cũng chẳng thể níu giữ mãi vì nó không còn phù hợp với Hà nữa. Cô mạnh mẽ đứng lên, bước tiếp và thành công cho đến ngày hôm nay, khi gặp lại Bình, cô chợt nhận ra anh đã trưởng thành sớm hơn mình, anh biết giá trị của sự tự do và sẵn sàng đánh đổi cả tình yêu, sự nghiệp để có được nó.

Giờ đây Hà cũng chẳng khác gì Bình. Cô vừa vứt bỏ tất cả để đổi lấy sự bình an trong tâm hồn. Dẫu sao Hà cũng không tiếc, những gì cô đã cố gắng đạt được và trải nghiệm sẽ mãi là vốn liếng để cô sống tốt hơn mà thôi.

Uống cạn ly soda, tâm trí Hà tỉnh táo hẳn, tim cô cũng đã tìm lại nhịp đập bình thường. Hà nhìn thẳng vào mắt Bình: “Cậu thấy đấy, tớ rất ổn mà”. Hà đưa mắt một vòng không gian quán rồi hỏi: “Tranh ở đây đều là tác phẩm của cậu phải không?”. Bình cười ngượng: “Ừ, tớ vẽ đấy, nhìn cũng không tệ lắm nhỉ?”.

Cả buổi sáng, Bình nói rất nhiều về tranh, thứ mà Hà từng ghét trước kia, giờ cô đã đủ bình tĩnh để hiểu vì sao anh đam mê hội họa. Tạm biệt Bình, Hà hứa lần tới qua đây cô sẽ dẫn chồng theo vì anh cũng rất thích tranh. Bình “gật gật” đồng tình.

Hà quay lưng đi mất, khi đã đi đủ xa cô mới nhớ 2 người mải nói chuyện mà chưa kịp trao đổi số điện thoại.

Chưa biết có dịp nào gặp lại Bình nữa không, nhưng Hà thấy lòng nhẹ nhõm, những kỷ niệm từng có với Bình giờ đây đã có thể ngủ ngoan trong miền ký ức thời trẻ. Hà ngửa mặt lên, thở hắt ra một tiếng rồi tiếp tục bước về phía cửa hàng bán thực phẩm tươi, hôm nay cô sẽ nấu những món thật ngon cho chồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.