Nhưng thực ra trước đó, chị tôi đã phải ra nước ngoài, rồi đến thăm những xưởng dùng máy móc đó, mãi sau công ty mới quyết định mua. Lắp xong máy móc, chạy thử xong rồi, chị tôi vẫn còn vất vả một thời gian. Lúc này, quan sát thêm công việc của cậu em rể - là một người làm kĩ thuật cũng trong công ty nơi chị tôi được thuê làm quản lí. Lúc máy móc bắt đầu chạy, cậu em luôn bị chị tôi nhắc nhở, phải sát sao, tranh thủ chuyên gia ở đây để mà học, học cách dùng, rồi học cả cách sửa lỗi.
Tiếp nhận để đưa vào thực tế
Bố chồng tôi cũng là một công nhân. Ông rất lành nghề. Lúc tôi về làm dâu thì ông đã nghỉ mất sức rồi. Nhưng thỉnh thoảng, ông vẫn được mời đi lắp máy. Tôi cũng thi thoảng được nghe ông kể những tháng ngày biền biệt đi lắp máy ở trong Nam, ngoài Bắc.
Ông nói rằng, nhà máy mà mua một dây chuyền mới, thì phải thay đổi, từ người công nhân sử dụng máy đến thợ bảo dưỡng, bảo trì. Học lại hết. Rồi muốn tiết kiệm được thì phải thành thạo, phải lựa để ráp cái cũ với lại cái mới. Cái đó là thợ phải làm. Đôi khi máy móc trục trặc, thợ nhà cung cấp chưa chắc đã sửa được, mà phải thợ lành nghề, thợ sử dụng dây chuyền lại sửa được.
Trong công việc của tôi, được tiếp xúc với chuyển giao công nghệ. Từ một bộ công cụ khảo sát, đến một phần mềm, rồi cả quy trình… có những thứ tôi nghĩ nó không phải máy móc, dây chuyền sản xuất gì cả, nhưng họ chuyển giao cho chúng tôi rất công phu.
Vì sao công phu? Vì chúng tôi tiếp nhận nó không hề dễ dàng. Chuyện này tôi chứng kiến khi hỗ trợ một đơn vị thực hiện chuyển giao một chương trình giáo dục. Nhìn bề ngoài, cứ tưởng chương trình là một cuốn sách, và một hướng dẫn, kế hoạch thực hiện. Nhưng hóa ra không phải, đội ngũ chuyên gia của họ phải tập huấn, rồi đồng hành cùng giáo viên của trường. Năm này qua năm khác, chứ có đơn giản gì đâu.
Nhắc lại, để hình thành một nghề, cần đến 10.000 giờ luyện tập. Nếu để thay đổi, cải tiến một kĩ năng đã có thì sao? Chẳng hề dễ dàng. Nếu người thực hiện sẵn sàng thay đổi, thì chắc tập dượt đôi lần thì rồi cũng làm được, nhưng để thành thạo, thành thói quen thì cũng phải lâu lâu. Thế nên, nếu không được chuyển giao “một dây chuyền sản xuất” đầy đủ, chấp nhận sự thích nghi, luyện tập… thì làm sao mà làm tốt một chương trình mới. Hay đúng hơn, cần phải nghiêm túc làm mới khâu “chuyển giao công nghệ, dây chuyền, máy móc sản xuất” khi bắt tay sản xuất sản phẩm mới?!
Trường THPT có thể tự kiểm soát chất lượng
Tháng 7 vừa rồi, tôi và các cộng sự đã kết thúc giai đoạn đầu tiên Nghiên cứu về Năng lực tự chủ của nhà trường sau gần 3 năm thực hiện.
Trong thời gian này, ngoài việc thu thập dữ liệu để phân tích, chúng tôi có thực hiện một việc đó là thử nghiệm hướng dẫn các trường nâng cao năng lực tự chủ, trong đó có việc tự chủ kiểm soát chất lượng.
Một số công việc được chúng tôi đề nghị như sau:
+ Theo dõi biến chuyển của học sinh hàng năm:
(1) Số lượng học sinh tuyển mới hàng năm, đầu vào của số học sinh này (điểm chuẩn, phổ điểm, độ lệch chuẩn...); (2) Kết quả học tập của số học sinh này trong các kì đánh giá diện rộng (quy mô toàn trường hoặc sở), theo từng môn học, và các hoạt động giáo dục chung; (3) Kết quả của các kì thi chẳng hạn như tốt nghiệp THPT của các năm liền kề, và cũng phân tích các con số thống kê như đã nói ở trên.
+ Đánh giá các đề thi mà trường thực hiện: Để đối chiếu với mục tiêu mà trường đặt ra, bao gồm xem ý nghĩa của từng câu hỏi, và tác động của chúng đến việc học.
Nhà trường cần: Bảo đảm rằng giáo viên sử dụng một loạt phương pháp kiểm tra đánh giá chính thức và không chính thức để đo lường việc học và sự phát triển của học sinh, tạo ra những điều chỉnh cần thiết.
+ Sử dụng đa dạng các phương pháp kiểm tra đánh giá.
+ Điều chỉnh hoạt động giảng dạy.
+ Yêu cầu và theo dõi để giáo viên theo đuổi các mục tiêu phát triển chuyên môn và các mục tiêu học tập của học sinh có ý nghĩa, khả thi, có thể đo lường được.
+ Dự giờ không báo trước thường xuyên và đưa ra phản hồi hướng tới mục tiêu và có tính xây dựng đến giáo viên.
+ Đưa ra các nhận định hợp lí khi xếp loại thành tích của giáo viên.
+ Xem xét sự liên kết giữa nhận định về hoạt động thực hành và dữ liệu học tập của học sinh (đã nói ở trên) khi đánh giá hoặc xếp loại giáo viên...
Công nghệ thông tin với phần mềm quản lí và kết nối đã giúp các trường quản lí dễ dàng, để lấy ra những con số thống kê có ý nghĩa hơn là số trung bình. Người ta không nên so sánh một mẫu số liệu này với một mẫu số liệu khác chỉ dựa vào số trung bình, còn cần dựa vào mode (cách thức), vào độ lệch chuẩn... để hiểu hơn về mẫu số liệu đó, như thế mới có ý nghĩa để đối với chính mẫu đó.
+ Chất lượng không phải là thành tích. Thế nên không thể khoe dựa vào những “điểm cao”. Khoảng cách giữa điểm thấp nhất và cao nhất nói lên điều gì, và so chúng với điểm trung bình? Điểm phổ biến của các học sinh, phân bố chúng trong các lớp...
+ Chất lượng ít nhất là tổng hòa các yếu tố tham gia vào việc học: Giáo viên, chương trình nhà trường, thực học của học sinh, mối quan hệ giữa các bên tham gia vào giáo dục. Chúng ta sẽ nói gì khi trong cuộc phỏng vấn, không ít HS nói: Em đến trường chủ yếu để gặp các bạn, còn học để thi ở một chỗ khác. Hoặc, một kết quả thi lại được lấy làm minh chứng cho vô số lớp học thêm, và cả nhà trường?
Tại một số trường học mà tôi được làm việc trực tiếp, tôi đã cố gắng chỉ ra cho họ thấy, sự chênh lệch trong 1 trường học, 1 lớp học thật đáng lo hơn là “không có giải thưởng nào”. Thay vì đầu tư rất nhiều cho những giải thưởng, ta có thể làm gì để kéo gần sự chênh lệch của những người học. Rồi cả năng lực người thầy. Cứ người giáo viên giỏi hơn là dành cho HS giỏi và ngược lại. Tương tự như vậy là một địa phương. Cần có sự hành động mạnh mẽ, thay đổi chính sách, phương thức khi mà khoảng cách giữa các nhà trường còn rất xa (mà điều đó cứ diễn ra trong nhiều năm, chưa hề thay đổi).
Đó, chỉ một ý mà tôi muốn chia sẻ. Cũng là một lần nữa nói về những gì chúng ta có thể tự làm cho giáo dục ở chính trường của chúng ta tốt hơn.