Tự chủ và linh hoạt

GD&TĐ - Thông tin mới đây về việc Hải Phòng quyết định dừng dạy học trực tuyến với HS lớp 1, 2 được dư luận hết sức quan tâm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, trong văn bản chính thức, Sở GD&ĐT Hải Phòng không khẳng định “dừng dạy học trực tuyến với HS lớp 1, lớp 2” mà là không tổ chức cho HS khối lớp này trực tiếp sử dụng thiết bị công nghệ để cài đặt tài khoản tự học trực tuyến. GV có thể sử dụng nhiều hình thức giao tiếp trực tuyến khác để giao bài tập cho HS (Zalo, Facebook, email…). GV chủ động phối hợp với phụ huynh để gửi bài tập, hướng dẫn HS tự học tại nhà… 

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, với từng độ tuổi và điều kiện thực tế, nhà trường, địa phương sẽ áp dụng hình thức, mức độ dạy học trực tuyến phù hợp. Việc ứng dụng dạy học trực tuyến ở mức độ bổ trợ cho dạy học trực tiếp như trên của Hải Phòng, như vậy là hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Có thể thấy, việc ra các quyết định kịp thời thể hiện năng lực làm chủ tình thế; sự chủ động, ứng phó linh hoạt vốn là điểm cộng cho kết quả giáo dục năm 2020 và chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy trong năm 2021. Tổ chức dạy học trực tuyến với tư cách là phương thức dạy học một lần nữa khẳng định quyết tâm của ngành Giáo dục để tạm dừng đến trường nhưng không dừng học. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh tỉnh: Trong bối cảnh xã hội công nghệ hiện nay, các khả năng và cơ hội tổ chức dạy học rất mở, đa dạng, phổ biến; do đó cần phải thay đổi tư duy về việc dạy học.

Tuy nhiên, dạy học trực tuyến là phương thức học tập mới đối với lực lượng giáo dục. Có những băn khoăn khi một bộ phận GV áp cứng nhắc cách thức dạy học, bài giảng, phương pháp dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Ví dụ thể dục online nhưng vẫn yêu cầu các hoạt động chỉ phù hợp với không gian ngoài trời, trong khi HS ngồi trong phòng chật hẹp… Lúc này, sự linh hoạt, sáng tạo của nhà trường, GV là vô cùng quan trọng. Và các thầy cô hoàn toàn có quyền thực hiện điều này. Bộ GD&ĐT đã cho phép GV được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá HS với điều kiện các hoạt động này bảo đảm quy định của chương trình giáo dục, phù hợp với HS và điều kiện cụ thể của nhà trường.

Nên chăng, trên cơ sở bám sát và tuân thủ chương trình giáo dục chung (về mục tiêu, nội dung và lịch trình), mỗi nhà trường có thể chủ động đưa ra lộ trình thực hiện riêng, cách thức riêng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đầu ra chung. Mỗi nhà trường có thể nghiên cứu áp dụng những tỉ lệ phù hợp (với điều kiện cụ thể về nhân lực, hạ tầng, tiềm lực, đặc thù dạy học môn học cụ thể...) cho việc dạy trực tiếp và trực tuyến trong kế hoạch giáo dục và cho từng môn học cụ thể.

Theo các chuyên gia, để giảng dạy trực tuyến hiệu quả cần nhiều yếu tố: Hệ thống hạ tầng phần mềm chuyên nghiệp cho dạy - học. Hệ thống học liệu đa dạng, đủ lớn và được số hóa để người học dễ dàng tiếp cận, sử dụng. Bài giảng/giáo án/kịch bản giảng dạy của GV phải chuyển đổi phù hợp cho giảng dạy trực tuyến, không thể bê nguyên những gì đã giảng trên lớp trực tiếp lên lớp trực tuyến. Ngoài ra, nhà trường cần có hoạt động hỗ trợ người học trong quá trình học tập. Sự khích lệ của nhà trường với GV, GV với người học cũng vô cùng cần thiết khi triển khai dạy học trực tuyến thời điểm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ