Tự chủ đại học: Làm rõ vai trò, trách nhiệm của hội đồng trường

GV.SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng học thực hành. Đây là ngôi trường được nhiều chuyên gia đánh giá thành công trong việc hoạt động theo mô hình tự chủ ĐH.
GV.SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng học thực hành. Đây là ngôi trường được nhiều chuyên gia đánh giá thành công trong việc hoạt động theo mô hình tự chủ ĐH.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về vai trò của HĐT trong các trường ĐH công lập, cũng như trách nhiệm của tổ chức này.

Khẳng định vị thế của HĐT

Theo PGS.TS Ngô Văn Thuyên - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), trước đây, hiệu trưởng thành lập HĐT, nhưng từ khi có Luật số 34 và Nghị định 99, quy trình này đổi lại HĐT bổ nhiệm hiệu trưởng. Tuy nhiên, hiện vai trò các thành viên của HĐT vẫn chưa được hiểu một cách thấu đáo.

"Tôi đang làm Phó Hiệu trưởng nhà trường được bầu giữ chức Chủ tịch HĐT, nhiều người hỏi sao đang làm Phó hiệu trưởng sang làm Chủ tịch HĐT chi vậy" , PGS.TS Ngô Văn Thuyên nói.

Một điểm đáng chú ý, với các trường ĐH tự chủ, vai trò của HĐT cực kỳ quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng quyền tự chủ đối với cơ sở GDĐH đang thí điểm hoạt động theo mô hình tự chủ ĐH; Đồng thời, nâng cao vai trò, cũng như trách nhiệm của các HĐT.

"Từ khi hoạt động theo mô hình tự chủ ĐH, HCMUTE phát triển đáng kể về nhân sự, nghiên cứu khoa học (NCKH), xây dựng cơ sở vật chất, tuyển sinh… Đồng thời, HĐT ngày càng thể hiện được vai trò cũng như quyền hạn của mình. Hiện, hiệu trưởng phải trình HĐT duyệt các khoản dự trù kinh phí hoạt động hằng năm, trước đây thì không", PGS.TS Ngô Văn Thuyên chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội đồng Trường HCMUTE, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ nên những quyết định của HĐT là sự thống nhất ý kiến tập thể. Do đó, để hoạt động hiệu quả hơn cần tính toán lại thành phần các thành viên tham gia HĐT. Bởi bên cạnh các thành viên theo quy định, phần lớn nhân sự còn lại của HĐT là các trưởng, phó, GV trong trường (dưới quyền của hiệu trưởng) nên sẽ khó có phản biện độc lập lại các đề xuất của hiệu trưởng.

"Luật quy định, HĐT sẽ bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng, thế nhưng với nhiều thành viên của HĐT dưới trướng của BGH như hiện nay, công việc này sẽ khó khách quan. Đồng thời, chủ tịch HĐT, BGH, trưởng/phó khoa đều bị chi phối và phải bảo đảm số phần trăm tiết chuẩn theo quy định", PGS.TS Ngô Văn Thuyên cho biết.

Ở một khía cạnh khác, TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội thông tin: Để trường ĐH tự chủ tốt hơn và tiến tới tự chủ toàn diện cần quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của HĐT. Bởi, khi Nhà nước giao tài sản cũng như vốn cho các trường, HĐT là đơn vị đại diện cho quyền lực của cơ quan chủ quản, Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài sản này.

"Theo quy định, HĐT có quyền lực rất lớn trong các quyết sách của trường ĐH nhưng hiện chưa có quy định nào ràng buộc trách nhiệm của HĐT. Bởi nếu HĐT làm thất thoát, hư hại tài sản, vốn của Nhà nước tại trường ĐH, ai là người chịu trách nhiệm, không lẽ hiệu trưởng?", TS Hoàng Xuân Hiệp nêu quan điểm.

GS Trần Hồng Quân phát biểu về tự chủ ĐH. Ảnh: C.Chương
GS Trần Hồng Quân phát biểu về tự chủ ĐH. Ảnh: C.Chương
Tự chủ đại học: Làm rõ vai trò, trách nhiệm của hội đồng trường ảnh 2
GS Trần Hồng Quân phát biểu về tự chủ ĐH. Ảnh: C.Chương

Mạnh dạn… vượt rào

"Để thúc đẩy sự phát triển của tự chủ ĐH sẽ không thể không đụng đến các quy định trong Luật Lao động, Luật Ngân sách và các quy định về quản lý đào tạo, khoa học hiện hành, đặc biệt là đụng đến quy chế tổ chức hoạt động các loại hình cơ sở đào tạo ĐH. Trước hết phải nghiên cứu để tháo gỡ những điều này và xây dựng mô hình thích hợp với cơ sở GDĐH như ĐH trọng điểm quốc gia, trường do Nhà nước đầu tư toàn bộ, đầu tư một phần, trường sở hữu phức hợp và trường không có sở hữu Nhà nước", GS Trần Hồng Quân chia sẻ.

Theo GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, bên cạnh những thành tựu nổi bật, chúng ta cũng đứng trước nguy cơ, thách thức khác cần có đổi mới trong tư duy để thúc đẩy sự phát triển, trong đó có GDĐH.

Theo GS Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông, tự chủ ĐH chung quy có 3 yếu tố: Tự chủ quản trị ĐH (bao gồm bộ máy con người, quy chế quản lý), tự chủ học thuật đào tạo để có chất lượng cao, tự chủ tài chính. "Với các trường thí điểm tự chủ phải mạnh dạn, sáng tạo bung ra để thực hiện 3 yếu tố này bằng kinh nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm các nước đã thành công", GS Trình Quang Phú phát biểu.

Ông nêu ví dụ: "Trong khi các trường ĐH công lập mỗi năm ngân sách phải cấp từ 500 tỷ - 1.000 tỷ đồng thì Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện tự chủ từ đầu mà không cần ngân sách Nhà nước. Từ nguồn hỗ trợ của cơ quan chủ quản cấp 500 triệu đồng cùng đất đai và vay ưu đãi trị giá khoảng 200 tỷ đồng, đến nay trường đã có cơ ngơi khang trang với trị giá trên 2.500 tỷ (không kể giá trị đất đai) và được xếp hạng trong tốp 1.000 ĐH tốt nhất thế giới cùng nhiều thành tích khác về NCKH, xếp hạng ĐH. Như vậy, có thể thấy Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã gặt hái được nhiều thành công dù chưa có cơ chế tự chủ toàn diện".

Đồng quan điểm trên, TS Lê Văn Út - Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng: Tự chủ là thuộc tính vốn có của các ĐH. Tự chủ ĐH bao gồm tự chủ về học thuật, tổ chức, tài chính và tự chủ trong đầu tư. Nếu hiểu tự chủ ĐH chỉ là tự chủ tài chính thì chưa đầy đủ.

Một ĐH tự chủ sẽ được Chính phủ ra quyết định, trong đó có những nội dung Chính phủ cho phép ĐH đó thực hiện nhưng luật liên quan có thể chưa có quy định. Như vậy, tự chủ ĐH theo quyết định của Chính phủ phải chấp nhận việc ĐH có thể “vượt rào”. Sự vượt rào này không phải là phạm luật mà là thí điểm, trên cơ sở quyết định của Chính phủ. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 23 ĐH được tự chủ theo quyết định của Chính phủ. Sau thời gian thí điểm nên có tổng kết, đánh giá làm cơ sở cho việc bổ sung/thay đổi luật, nếu cần.  - TS Lê Văn Út 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ