Bệnh nhân ở Tiền Giang vào viện ngày 25/9, được bác sĩ chẩn đoán gãy hở 1/3 dưới hai xương cẳng chân trái, xương chày gãy chéo, xương mác gãy ngang, các cơ, mô dập nát nhiều. Gia đình theo giáo phái "không cho truyền máu người khác" kể cả máu thân nhân. Bệnh nhân đã đến một số bệnh viện điều trị nhưng từ chối phẫu thuật vì không muốn truyền máu.
Bác sĩ Trần Văn Bé Bảy, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quốc tế City cho biết nếu không phẫu thuật can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể diễn biến xấu, biến chứng nguy hiểm như tổn thương mạch - thần kinh, hội chứng chèn ép khoang, nhiễm khuẩn, cẳng chân sưng nề, đoạn chi...
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho nữ bệnh nhân. |
Bác sĩ Đào Thị Mỹ Vân, Phó Giám đốc Y khoa, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Quốc tế City cho biết phẫu thuật kết hợp xương cẳng chân ít mất máu vì được thực hiện với garô. Bệnh nhân chỉ bị mất máu qua ổ gãy xương hở trong quá trình di chuyển từ Tiền Giang đến viện ở TP HCM. Do vậy yêu cầu "không được truyền máu" của bệnh nhân không gây cản trở quá trình phẫu thuật. Bác sĩ cũng phải dự phòng phương án truyền máu hoàn hồi trong lúc mổ, tức dùng chính máu của người bệnh truyền qua một hệ thống máy rồi truyền trả lại cơ thể bệnh nhân.
Được các bác sĩ thuyết phục, bệnh nhân cuối cùng đồng ý mổ theo phương án "không truyền máu người khác". Các bác sĩ kiểm soát tốt quá trình mất máu khi phẫu thuật nên ca mổ kết hợp hai xương cẳng chân bệnh nhân diễn ra thành công.
"Nếu bệnh nhân gãy những xương lớn như xương đùi hoặc đa chấn thương gây mất nhiều máu thì yêu cầu không truyền máu sẽ trở nên thách thức cho các bác sĩ", bác sĩ Vân chia sẻ.