Từ ca tử vong sau tiêm vắc-xin Covid-19: Sốc phản vệ quá mẫn với non steroid rất hiếm gặp

GD&TĐ - Nhiều vắc-xin ngừa Covid-19, bao gồm Pfizer, Moderna và AstraZeneca đều có thể gây dị ứng.

Các thành phần vắc-xin hầu hết đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Ảnh minh họa.
Các thành phần vắc-xin hầu hết đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Ảnh minh họa.

Tỷ lệ gây dị ứng giữa các vắc-xin là khác nhau. Người có biểu hiện phản vệ sau khi tiêm mũi 1 vắc-xin ngừa Covid-19 không nên tiêm lần 2.

Tỷ lệ rất nhỏ

Ngày 7/5, tỉnh An Giang ghi nhận một trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Người tử vong là nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu.

Trước khi tiêm vắc-xin tại điểm tiêm ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu sáng ngày 6/5, nữ nhân viên y tế này đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm.

Sau khi tiêm, bệnh nhân có phản ứng sốc và đã được Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu đã kết nối hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang. Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang để hỗ trợ cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân không qua khỏi vào ngày 7/5.

Theo kết luận của hội đồng chuyên môn Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên cơ sở quá mẫn với non steroid (NSAIDs). Đây được cho là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) dẫn chứng, dữ liệu từ ngày 9/12/2020 - 28/4/2021 tại Anh cho thấy, có 22,6 triệu người được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca mũi đầu.

Trong khi đó, có 5,9 triệu người được tiêm liều thứ 2. Nước này ghi nhận 590 trường hợp sốc phản vệ. Tỷ lệ này là khoảng 26 trên 1 triệu người, nếu tính trên số lượng trường hợp tiêm mũi thứ nhất.

Chuyên gia này lý giải, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Tình trạng này thường khiến hệ thống miễn dịch giải phóng lượng lớn các chất hóa học trong thời gian ngắn. Từ đó, gây sốc như huyết áp giảm đột ngột, đường thở thu hẹp, gây khó thở, chóng mặt, ói, ngất, có thể đe dọa tính mạng. Sốc phản vệ có thể xảy ra trong vài giây hoặc vài phút, sau khi tiếp xúc với thứ gây dị ứng.

“Các thành phần được sử dụng trong vắc-xin hầu như được kiểm tra ở giai đoạn nghiên cứu lâm sàng rất kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn cho người dùng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một tỷ lệ rất nhỏ người bị dị ứng với các thành phần này và một tỷ lệ hiếm sẽ bị nặng hơn, là sốc phản vệ.

Thành phần trong vắc-xin có thể gây dị ứng bao gồm các kháng nguyên, protein động vật còn sót lại, chất kháng khuẩn, chất bảo quản, chất ổn định hoặc các thành phần khác”, TS Vũ cho biết.

Trong khi đó, theo TS.DS Phạm Đức Hùng - Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ), nhiều vắc-xin ngừa Covid-19, bao gồm Pfizer, Moderna và AstraZeneca đều có thể gây dị ứng. Tỷ lệ gây dị ứng giữa các vắc-xin là khác nhau. Pfizer và Moderna có ít tác dụng phụ hơn.

“Thành phần có khả năng gây dị ứng nhiều nhất là PEG (polyethylene glycol) trong vắc-xin Pfizer và Moderna; polysorbate trong vắc-xin của AstraZeneca, Johnson và Johnson.

Các chất này được sử dụng rộng rãi làm thành phần của mỹ phẩm, chất chăm sóc da, chất căng bề mặt ... Polysorbate thường được thêm vào thức ăn, vitamin, vắc-xin và thuốc dùng làm chất tạo khối cho thức ăn và chất kết dính cho bánh pudding, kem...”, TS Hùng lý giải.

Sàng lọc kỹ lưỡng

Để hạn chế tối đa sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin, TS Nguyễn Hồng Vũ nhận định, việc bố trí phòng chờ cạnh nơi chủng ngừa là cần thiết. Bởi, sốc phản vệ thường xảy ra nhanh, sau khi người đó tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Sau khi tiêm, mọi người sẽ được ngồi nghỉ ở phòng này trong 15 - 30 phút và có nhân viên y tế kiểm tra. Nếu có hiện tượng sốc phản vệ sẽ được xử lý kịp thời. Ngoài ra, người có biểu hiện phản vệ sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 không nên tiêm mũi 2.

“Sốc phản vệ là trường hợp nguy hiểm, hiếm gặp, có thể xảy ra trong tiêm vắc-xin nói chung và vắc-xin Covid-19 nói riêng. Trong trường hợp vắc-xin của AstraZeneca, dựa trên các số liệu khoa học cho đến nay, ngoài nguy cơ đông máu hiếm gặp, nguy cơ sốc phản vệ cần được quan tâm”, TS Nguyễn Hồng Vũ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, tỷ lệ sốc phản vệ là rất thấp. Lợi ích của việc tiêm vắc-xin vẫn nhiều hơn. TS Vũ nhận định, các cơ quan tiêm phòng nên có kế hoạch sàng lọc người dễ bị dị ứng.

Cụ thể, loại ra những người dị ứng nặng, đặc biệt dị ứng những thành phần trong vắc-xin. Đồng thời, cần kéo dài thời gian quan sát y tế cho những người có tiền sử dị ứng nhẹ sau khi tiêm. Có kế hoạch cấp cứu kịp thời cho những trường hợp sốc phản vệ hoặc đông máu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ