Từ 20/5, công an xã phường có thể xử phạt vi phạm giao thông

Từ 20/5, công an xã phường có thể xử phạt vi phạm giao thông

Đây là thông tin được ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội đưa ra trong cuộc họp liên ngành về triển khai nghị định 34 của Chính phủ ngày hôm nay.

Theo đó, từ ngày 20/5 tới, lực lượng liên ngành gồm thanh tra Sở GT-VT và công an Hà Nội sẽ bố trí lực lượng tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự giao thông trên các tuyến đường theo nghị định 34 của Chính phủ.

Ngoài tăng mức xử phạt gấp đôi và thay vì chỉ được phép dừng, duy lý phương tiện về trụ sở, công an các xã, phường có thể xử phạt trực tiếp người vi phạm trật tự giao thông trên đường.

Từ 20/5, công an xã, phường có thể dễ dàng xử phạt những hành vi như thế này (ảnh minh họa).
Từ 20/5, công an xã, phường có thể dễ dàng xử phạt những hành vi như thế này (ảnh minh họa).

Theo dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện nghị định 34 của Sở GT-VT Hà Nội, từ ngày 20/5, các tổ, chốt làm nhiệm vụ liên ngành sẽ thực hiện việc kiểm tra, xử lý theo ba nhóm hành vi cụ thể. nhóm một: Xử lý vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình giao thông; nhóm hai: xử lý vi phạm về vận tải hành khách, hàng hóa và các dịch vụ vận tải, đặc biệt là các hành vi vi phạm chỉ thị 01 của Chính phủ và các xe quá khổ, quá tải, các bến bãi trái phép, dừng đỗ không đúng quy định; nhóm 3: vi phạm về kỹ thuật phương tiện và môi trường giao thông.

Ngoài ra, các đội, chốt tuần tra cũng sẽ tiến hành giải tỏa, cưỡng chế các vi phạm lấn chiếm lòng đường, hè phố và công trình giao thông cũng như bố trí, mở rộng thêm các bãi trông giữ phương tiện vi phạm.

Ông Hùng cho biết, toàn bộ kế hoạch này sẽ được báo cáo UBND thành phố Hà Nội, sau đó sẽ được áp dụng trên toàn thành phố theo ba giai đoạn. Gia đoạn từ 1/5 - 19/5 sẽ tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ và chấn chỉnh hoạt động của các điểm đỗ, các biển báo, vạch kẻ đường và duy tu các trục đường giao thông. Từ 20/5 đến 20/6 sẽ triển khai thí điểm trên các tuyến đường, các nút giao thông trọng điểm, các khu vực ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, các tuyến dường vành đai, xuyên tâm để rút kinh nghiệm. Từ 20/6 đến hết năm 2010, tổ chức kế hoạch trên toàn thành phố.

Do phạm vi áp dụng của kế hoạch được Sở GT-VT đưa ra là trên toàn địa bàn thành phố trong khi theo nhiều đại diện ở các quận huyện trong cuộc họp sáng nay, các vùng nông thôn đường xá, cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu kém, nếu áp dụng mức phạt như vậy sẽ chưa hợp lý. Về vấn đề này, ông Hùng cho biết, Sở GT-VT sẽ có những bàn thảo, điều chỉnh lại nội dung này cho hợp lý trước khi kế hoạch được trình thành phố.

Theo nghị định 34 của Chính phủ, từ ngày 20/5, người điều khiển ô tô ở hai thành phố là Hà Nội và TP. HCM không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ…) sẽ bị phạt từ 600 đến 800.000 đồng, với mức phạt trước đây là từ 200 đến 400.000 đồng.

Với người điều khiển mô tô, xe máy nếu không mang theo giấy đăng ký xe hoặc giấy phép lái xe và không có giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ bị phạt từ 60 đến 80.000 đồng. Trước đó, với hành vi này là 40 đến 60.000 đồng. Người tham gia giao thông bằng xe máy đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy định cũng bị phạt từ 100 đến 200.000 đồng.

Với xe khách chở vượt số người quy định sẽ phạt từ 200 đến 300.000 đồng trên mỗi hành khách chở thừa, trước đây là 100.000 đến 300.000 đồng. Riêng hành vi sang nhượng khách dọc đường nhưng không được hành khách đồng ý sẽ bị phạt tới hai triệu đồng, gấp bốn lần so với mức phạt 500.000 đồng trước đây.

Người đi bộ vi phạm (sang, trèo, không đi đúng phần đường quy định...) cũng bị tăng mức tiền xử phạt 1,5 lần, từ 40 lên đến 60.000 đồng. Với người chiếm dụng đường bộ để họp chợ, mua, bán hàng sẽ bị phạt 500.000 đồng tăng gấn 10 lần so với mức phạt 50.000 đồng trước đây.

Đất Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ