TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc: Điểm thi tốt nghiệp THPT đảm bảo chất lượng tuyển sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học trong cả nước nói chung vẫn ở mức ổn định, đảm bảo được chất lượng tuyển sinh.

TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, phát biểu tại một sự kiện.
TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, phát biểu tại một sự kiện.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 và các trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển, có nhiều ý kiến trái chiều về điểm thi, đề thi năm nay. Xung quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM (HCMUE).

PV: Bà có thể cho biết tình hình tuyển sinh đại học của HCMUE năm nay như thế nào?

- TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc: Trong những năm gần đây, tình hình tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm TPHCM về cơ bản khá ổn định. Các kế hoạch tuyển sinh được triển khai và vận hành tương đối thuận lợi. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào của Trường Đại học Sư phạm TPHCM đáp ứng các quy định về chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.

Thí sinh TPHCM làm thủ tục vào phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Công Chương

Thí sinh TPHCM làm thủ tục vào phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Công Chương

PV: Đánh giá của bà về điểm chuẩn trúng tuyển của các trường đại học năm nay?

- TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc: Điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học trong cả nước nói chung và trên địa bàn TPHCM nói riêng vẫn ở mức ổn định, không chênh lệch quá nhiều so với mọi năm. Tuy nhiên, điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên năm 2022 tăng so với cùng ngành năm 2021. Có thể lí giải bằng một số lí do sau:

Thứ nhất, năm 2022, quy định chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT có giảm ở một số ngành đào tạo giáo viên. Chỉ tiêu giảm dẫn đến điểm chuẩn đầu vào tăng là điều tất yếu.

Thứ hai, khác với quy trình hàng năm, năm 2022 thí sinh được biết điểm thi tốt nghiệp rồi mới đăng kí nguyện vọng đại học. Thêm vào đó, các em được đăng kí đồng thời tất cả các phương thức tuyển sinh, vì vậy thí sinh đạt điểm cao có cơ hội đặt nguyện vọng vào các ngành mình thích.

Sự thay đổi này mở rộng cơ hội và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thí sinh hơn các năm trước. Chẳng hạn, năm 2021, nếu thí sinh trúng tuyển theo phương thức riêng của các trường hoặc các ngành ngoài đào tạo giáo viên thì các em phải xác nhận nhập học trước, điều này khiến lựa chọn của các em bị hạn chế.

Thứ ba, chính sách theo Nghị định 116 cũng tác động phần nào đến việc tăng điểm chuẩn của các ngành đào tạo giáo viên 2022.

PV: Từ thực tế tuyển sinh của HCMUE, bà thấy phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay thế nào?

- TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc: Theo tôi, phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn đảm bảo được chất lượng tuyển sinh, đồng thời, thể hiện nỗ lực trong việc tối ưu hóa phương thức xét tuyển.

Xét theo tình hình tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, có đến hơn 75% thí sinh trúng tuyển theo phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT. Con số trên cho thấy phương thức này vẫn phổ biến và chiếm ưu thế hơn cả.

Xin cám ơn bà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.