Lý giải chênh lệch điểm thi tốt nghiệp với học bạ

GD&TĐ - Kết quả đối sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo môn của từng địa phương do Bộ GD&ĐT công bố cho thấy có sự chênh lệch lớn. Một số địa phương thuộc tốp đầu cả nước về điểm học bạ nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT lại xếp phía cuối danh sách 63 tỉnh, thành. Từ đây, một lần nữa, câu hỏi “học để thi hay học để xét tuyển học bạ vào đại học?” lại nóng lên.

Học sinh Đà Nẵng tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Học sinh Đà Nẵng tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Học “thực dụng”

Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT gần 2 tháng, Nguyễn V.K (học sinh Trường THPT FPT Đà Nẵng) nhận được giấy báo trúng tuyển có điều kiện vào Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập và năng lực ngoại ngữ. K và gia đình xác định sẽ không thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Vì vậy, việc tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, với K chỉ để lấy kết quả để xét tốt nghiệp. “Chỉ cần mỗi môn 5 điểm là đủ đỗ tốt nghiệp nên quá trình ôn thi của con không quá áp lực”, chị Tạ Thị Hương, mẹ của K, nhận xét.

Khác với K, em Đỗ D.A (học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả thi tổ hợp môn Toán – Lý – Hóa để xét tuyển sinh. “Các trường đại học em dự định đăng ký xét tuyển đều dành một số lượng chỉ tiêu khá lớn cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT nên sẽ nhiều cơ hội hơn so với sử dụng kết quả học bạ”, D.A cho biết. Xét tuyển đại học theo tổ hợp môn A00 nên D.A tập trung nhiều thời gian hơn cho các môn Toán – Lý – Hóa. Với môn thi còn lại, em xác định chỉ cần đạt điểm ở mức trung bình là được.

Các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn cho rằng, dù cách thi như thế nào thì chương trình, khối lượng kiến thức cung cấp cho học sinh không thay đổi, chỉ là cách vận dụng các đơn vị kiến thức có sự điều chỉnh. Thế nhưng, thực tế ở các trường phổ thông hiện nay cho thấy, gần như thi cử là mục tiêu hướng tới của quá trình dạy – học. Ngay từ đầu năm học lớp 12, học sinh được ôn tập sớm 3 môn thi bắt buộc là Toán – Ngữ văn – Anh văn.

Các lớp ôn tập theo tổ hợp môn tự chọn được trường THPT triển khai từ đầu học kỳ II. Phân chia lớp ôn tập theo đăng ký tổ hợp môn của học sinh, các trường THPT còn phân chia lớp ôn tập theo khả năng tiếp nhận của từng em. Như Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia lớp ôn tập thành 2 nhóm. “Đối với những học sinh khá trở lên, nhà trường dạy theo chương trình nâng cao để có khả năng cạnh tranh trong xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Lớp còn lại sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng trên cơ sở chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT. Với đặc điểm đầu vào thấp, đề cương ôn tập cùng hệ thống câu hỏi đi kèm được tổ bộ môn xây dựng trên cơ sở phân loại khả năng tiếp nhận của học sinh”, cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Ở một góc độ khác, cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) - chia sẻ: “Theo cách đánh giá mới của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2020 - 2021, số cột điểm kiểm tra định kỳ của học sinh ít lại. Thay vào đó, số cột điểm đánh giá thường xuyên nhiều hơn. Học sinh có điều kiện để cải thiện điểm đánh giá thường xuyên nếu nỗ lực trong quá trình học tập. Đây là sự khác biệt đáng kể, tác động đến thay đổi trong đánh giá chất lượng học tập của học sinh”.

Còn PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng - nhận xét: “Cần phải xem thi cử là một khâu tất yếu của quá trình học chứ không phải là mục đích cuối cùng thì người học mới có hứng thú và động cơ học tập đúng. Người thầy nhờ đó cũng tự tin trong giảng dạy”.

Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, cái đích cuối cùng của việc dạy - học, không chỉ ở chỗ học sinh học được cái gì, mà quan trọng hơn cả là có được những kỹ năng, làm được gì sau việc học đó. Để làm được điều này, học sinh nhất thiết phải được trang bị phương pháp học và rèn khả năng tự học.

Học sinh THPT tham dự chương trình trải nghiệm để hướng nghiệp tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng). Ảnh: TG
Học sinh THPT tham dự chương trình trải nghiệm để hướng nghiệp tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng). Ảnh: TG

Phản ứng từ trường đại học

Năm 2021, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tiến hành đối sánh điểm thi THPT và điểm kết quả học bạ đối với những học sinh trúng tuyển vào trường. Kết quả cho thấy có sự chênh lệch nhưng không đáng kể, xấp xỉ 1 điểm.

“Đây là kết quả chấp nhận được. Với xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả học bạ vào Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, thí sinh phải thỏa mãn điều kiện cần: Xếp loại học lực giỏi trong 3 năm học ở THPT, sau đó mới tính điểm tổng kết từ trên xuống. Một yêu cầu khác nữa là thí sinh phải có tổng điểm của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 26 điểm trở lên”, PGS.TS Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, thông tin. Đây là một cách để nhà trường bảo đảm chất lượng đầu vào.

Theo dõi tiến độ học tập của những thí sinh trúng tuyển theo phương thức sử dụng kết quả học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết, gần như không có sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, thông số này cũng không nói lên điều gì vì cách học và cách thi ở phổ thông và đại học là khác nhau.

Tuy nhiên, sự chênh lệch điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm kết quả học bạ năm nay cũng đã khiến một số trường lo ngại về mức độ tin cậy. Nhất là trong điều kiện 2 năm học vừa qua, thời gian học sinh phổ thông học trực tuyến khá dài.

“Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã không tuyển bổ sung đối với phương thức sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển. Nhà trường chỉ dành 30% chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học bạ. Dự kiến, trong kỳ tuyển sinh 2023, đối với những ngành “hot”, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng sẽ không sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh thông tin.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến độ lệch cao giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm tổng kết học bạ chính là quan điểm đánh giá người học theo quá trình, học sinh có nhiều cơ hội để cải thiện điểm số. Mặt khác, với những em thi tốt nghiệp THPT để vừa sử dụng kết quả xét tuyển sinh, vừa xét tốt nghiệp đều đầu tư trọng tâm cho 3 môn theo tổ hợp xét tuyển. Ba bài thi còn lại, thí sinh chỉ làm bài ở mức điểm trung bình là đủ điều kiện để tốt nghiệp”. - PGS.TS Lê Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ