Truyền thuyết về kết cục của nàng Tây Thi và Phạm Lãi

GD&TĐ - Chuyện về nàng Tây Thi, đại phu Phạm Lãi không những được ghi vào Sử mà còn được thêm thắt lưu truyền trong dân gian.

Tây Thi là một trong Tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc.
Tây Thi là một trong Tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc.

(Tiếp theo và hết)

Câu Tiễn cất tiếng nói đầu tiên phá tan bầu không khí lạ lùng đó. Vua nói: Nàng khóc là phải thôi nếu không phải cống nạp cho vua Ngô có lẽ ta đã phong cả Tây Thi và Trịnh Đán làm phi.

Văn Chủng cũng nói: Đáng tiếc! Đáng tiếc.

Phạm Lãi như muốn kêu lên: “Thần và Tây Thi có duyên phận với nhau”, nhưng chỉ dám cắn chặt môi buông một câu: “Trời già hỡi, thật bất công” rồi nín lặng.

Cuối cùng Câu Tiễn phán: “Hai đại phu hãy mời những nhạc sư giỏi về dạy múa hát cho các mỹ nữ, khi nào thành thục thì dâng vua Ngô”. Phạm Lãi, Văn Chủng đều xin vâng, sau đó Phạm Lãi đến kiểm tra việc luyện kiếm cho binh lính ở chỗ xử nữ A Thanh.

Nàng A Thanh năm đó 25 tuổi, đẹp như một bông hoa rừng, da rám nắng, má luôn hồng, dáng điệu phóng khoáng tự nhiên đến mức hơi hoang dại. Thấm thoắt đã hết thời hạn dạy kiếm, các kiếm sĩ đã tài nghệ, A Thanh đã hoàn thành sứ mệnh. Tự nhiên A Thanh thấy lúng túng mỗi khi gặp vị tướng văn võ toàn tài Phạm Lãi, không kìm nổi lòng mình nàng thú nhận tình yêu với Phạm Lãi.

Nàng Tây Thi sở hữu sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

Nàng Tây Thi sở hữu sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

Nhưng Phạm Lãi đã trả lời rất thành thật: “Cảm ơn nàng! Lúc này lòng dạ ta như lửa đốt, bởi vì người yêu của ta vì nước phải nạp cung cho vua xứ người”! A Thanh lạc giọng hỏi: “Người trong mộng của Tướng quân là Tây Thi à”?, nói rồi bỏ đi. A Thanh thầm suy nghĩ: “Muốn chiếm được trái tim Phạm Lãi cách tốt nhất là giết Tây Thi để chia lìa hai người”.

Nghĩ là làm, tối đó A Thanh bịt mặt khinh công nhẹ nhàng đến phòng ở Tây Thi, rồi nấp cạnh cửa sổ quan sát. Nàng thấy Tây Thi nước mắt đầm đìa đang hí hoáy viết. Rồi Tây Thi đọc thành tiếng bài thơ nàng mới viết:

Đôi chim xanh gặp nhau

Tưởng nên vợ nên chồng

Giận kẻ bắt chim mái

Nhốt vào chiếc lồng son

Từ nay xa cách mãi

Tiếng hót nghẹn nửa chừng

Đau xót cảnh biệt li.

Tuy không được học hành nhiều, nhưng bản tính khẳng khái, lại giàu lòng trắc ẩn, tự nhiên A Thanh cũng mủi lòng, tay run lên, họng khô khốc, bất chợt nàng hét lên một tiếng dài thê thảm, như tiếng kêu của loài vượn vùng núi Nam Lâm quê nàng rồi khinh công đi mất. Tây Thi và người thị nữ của nàng đều giật mình, kinh hoàng một lúc, từ lúc đấy đến sáng Tây Thi với nỗi niềm riêng cứ trăn trở không ngủ được.

Sau mấy năm Tây Thi, Trịnh Đán tập luyện múa hát, cư xử trong cung đình đã đến độ tinh xảo có sức hút mê hồn. Câu Tiễn quyết định cử Phạm Lãi mang Tây Thi, Trịnh Đán sang nước Ngô.

Những ngày đi đường là những thử thách lớn lao đối với hai tâm hồn yêu nhau bị giằng xé bởi nghĩa vụ đối với quốc gia và tình riêng của họ.

Đầu tiên Phạm Lãi tìm mọi cách để tránh mặt người yêu, nhưng sau đó, ông thấy sự buồn khổ của Tây Thi lên đến tột bậc nên những lần gặp Tây Thi, ông đều có những hành động hay lời nói xuất phát từ đáy lòng để chia sẻ nỗi đớn đau với Tây Thi.

Có lần Tây Thi nói với Phạm Lãi ý định tự tử, Phạm Lãi bật khóc, nói rằng: “Nếu chúng ta bỏ trốn hay tự giải thoát bằng cách cùng chết thì nước Việt sẽ bị quân Ngô giày xéo lúc đó dù còn trăm họ sống hay chết, chúng ta liệu còn thanh thản không nàng hãy cắn răng chịu đựng, biết đâu thời vận đến, ta lại có ngày sum họp”... Tây Thi không nói gì nữa nhưng tự bấy giờ mắt nàng bao giờ cũng buồn như chực ứa lệ ra.

Đến triều đình Ngô, vua Phù Sai vừa nhìn thấy hai nàng đã mê mẩn phong cho làm Quý phi và trọng thưởng cho Phạm Lãi. Trước khi chia tay, Tây Thi kịp dặn Phạm Lãi: “Mai sau nếu có biến loạn đến nơi ở của thiếp, chàng cứ tìm phòng nào treo nhiều tranh phong cảnh rồi gọi tên thiếp may ra sẽ gặp nhau”. Phạm Lãi gật đầu rồi bái biệt.

Một phần vì nhớ lời dặn Câu Tiễn nhiệm vụ của hai nàng là làm sao cho Phù Sai ngày càng yêu quí quấn quýt bên mình để sao nhãng việc triều chính, mặt khác do Phù Sai rất yêu Tây Thi, rồi cảnh xa nhà, xa nước... có những lúc ốm Tây Thi được Phù Sai đến tận nơi chăm sóc, bón thức ăn thuốc uống và dần như thói quen Tây Thi cũng đáp lại phần nào tấm lòng của Phù Sai. Riêng Trịnh Đán, vì không được sủng ái, cô đơn buồn bực được một năm thì ốm chết.

Phù Sai xây đài Cô Tô để cùng Tây Thi ở, lại còn sai dựng cung Quán Khê ở núi Linh Nham để Tây Thi ra chơi bời. Cung có trang sức toàn châu ngọc có hành lang dài trên lát gỗ quí, dưới đặt các chum liền nhau để Tây Thi và các cung nữ đi guốc nện vào sẽ phát những tiếng leng keng vui tai (hành lang đó gọi là hưởng điệp lang).

Tẩm cung nơi Phù Sai xây cho Tây Thi ở trên gác có một phòng đặc biệt được làm theo ý Tây Thi. Trước khi vào phòng đó phải qua một phòng tranh to trang trí toàn bằng tranh phong cảnh. Đằng sau có một bức tranh có bố trí các chốt cửa để vào phòng bí mật của Tây Thi.

Phòng bí mật rất thoáng gọn chỉ kê một bộ bàn ghế thấp, sàn được trải thảm có kê tủ đựng nhiều rượu quý. Thỉnh thoảng Tây Thi và Phù Sai đến đó tâm sự mà không ai biết. Do tin dùng kẻ xu nịnh là Bá Hi, nên Phù Sai giết mất tướng quốc Ngũ Tử Tư làm cho cục diện càng yếu.

Đầu năm 483 TrCN, Phù Sai họp chư hầu ở Hoằng Trì, muốn tranh ngôi bá chủ với nước Tấn. Trong khi hội chư hầu chưa xong thì tháng 6 năm đó, Việt Vương Câu Tiễn cùng Phạm Lãi thống lĩnh thủy bộ khoảng 12.000 quân sang đánh úp Ngô, nước Ngô thua, thế tử Hữu bị bắt rồi tự sát.

Phù Sai rút quân về chống cự bị thất bại phải xin giảng hòa. Phù Sai vẫn không tỉnh ngộ tiếp tục ăn chơi không ngó ngàng triều chính nên nước Ngô càng suy kiệt, mùa màng thất bát, dân ly tán, lại thua Việt thêm 2 trận nữa...

Tưởng Cần Cần, nàng 'Tây Thi đẹp nhất trên màn ảnh'.

Tưởng Cần Cần, nàng 'Tây Thi đẹp nhất trên màn ảnh'.

Năm 473 TrCN, quân Việt đại phá quân Ngô. Ngô Phù Sai sau nhiều lần bại trận không còn khả năng kháng cự, bị quân Việt vây chặt trên núi Cô Tô, vua Ngô cố xin hòa nhưng vua tôi nước Việt không cho. Phù Sai thế cùng buộc phải tự tử, trước khi chết ông hối hận đã giết Ngũ Tử Tư và tha cho Câu Tiễn khi xưa.

Phạm Lãi mang theo mấy tùy tướng tâm phúc và một bộ quần áo lính xông vào tẩm cung nước Ngô lên đến phòng tranh một mình đứng trước bức tranh to nhất khẽ gọi “Tây Thi, Tây Thi, Tây Thi”, đang hồi hộp trông ngóng thì bức tranh chợt dịch ra và nàng Tây Thi xuất hiện.

Phạm Lãi chỉ kịp đỡ Tây Thi dậy rồi đưa bộ quần áo lính nói nàng mặc ngay bộ quần áo này theo ta may ra thoát nạn để có ngày gặp nhau. Giây lát Tây Thi đã trở thành “người lính”, Phạm Lãi đội mũ hóa trang thêm cho Tây Thi rồi lập tức đem ra bảo với 3 viên gia tướng: “Đây là người họ hàng cùng quê của ta thất lạc đang bị thương, các người mau mang về quân doanh bảo vệ, săn sóc cẩn thận chờ lệnh ta”.

Sau khi chiếm nước Ngô, Câu Tiễn vào ngự ở hành cung vua Ngô nhận lời chúc mừng của tướng sĩ rồi ra lệnh bắt giết cả nhà Bá Hi - kẻ đã phản Ngô nội ứng cho nước Việt rồi rút về nước Việt.

Tại lễ mừng thắng lợi, khi nhạc công tấu đàn và hát khúc “Phạt Ngô” có nhắc đến công lao tướng sĩ thì sắc mặt Câu Tiễn chợt đăm chiêu, không vui. Phạm Lãi hiểu ngay bụng dạ hẹp hòi nghi kỵ không muốn kể về công lao của bề tôi. Thế rồi ngày hôm sau Phạm Lãi xin cáo quan về quê, lấy lý do đã hoàn thành tâm nguyện giúp Việt Vương diệt Ngô.

Câu Tiễn không cho nhưng ngay đêm ấy Phạm Lãi bí mật mang Tây Thi lên một chiếc thuyền nhỏ dong thẳng ra Tề nữ môn, qua Tam Giang vào Ngũ Hồ rộng lớn để thỏa chí mình.

Sáng ra Câu Tiễn tuyên triệu Phạm Lãi thì mới biết đã biền biệt chim trời tăm cá không biết đâu mà tìm. Ít lâu sau, Câu Tiễn giết Văn Chủng, người công thần xấp xỉ công lao với Phạm Lãi. Còn Phạm Lãi sai người về đem hai vợ và ba con cùng đi sang nước Tề với cái tên mới là Chu Di Tử Bì, được nước Tề trọng dụng làm quan.

Chỉ một thời gian làm quan ngắn ông lại chán quan trường, đem cả nhà về ẩn ở xứ Đào Sơn làm kinh doanh, chăn nuôi, buôn bán.

Dã sử và dân gian cho rằng, cuối đời Phạm Lãi vẫn hạnh phúc với gia đình và người thiếp yêu xinh đẹp hơi u uẩn bầu bạn tri kỷ với ông chính là Tây Thi.

Ngoài thời gian tâm sự chăm sóc Phạm Lãi, Tây Thi còn là trợ thủ đắc lực trong kinh doanh nàng coi việc sổ sách, tham gia công việc đồng áng, chăn nuôi và các việc nội trợ khác.

Làm kinh doanh thành đạt, Phạm Lãi lấy tên mới là Đào Chu Công, ông tích luỹ vàng bạc nhưng không cất trữ mà lãi đem phân phát làm việc thiện... ông để lại cuốn sách “Trí phú Kỳ Thư” rất nổi tiếng trong đó có 16 nguyên tắc kinh doanh được nhiều thế hệ doanh nghiệp tham khảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ