Kết hợp giữa vũ đạo, âm nhạc đương đại với các chất liệu nghệ thuật Tuồng, vở diễn đầy kỳ vọng “Đối diện với vô cùng” sẽ chính thức ra mắt công chúng vào đầu tháng 8/2024 tại Hà Nội.
Tái hiện vòng đời và sự tái sinh
“Đối diện với vô cùng” sẽ có ba đêm diễn vào ngày 2, 3 và 4/8 tại rạp Hồng Hà (Hà Nội). Tác phẩm là kết quả của dự án nghệ thuật được khởi xướng giữa Lên Ngàn và Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng biên đạo múa Tú Hoàng.
Chuỗi sự kiện hướng công chúng vượt khỏi giới hạn nghệ thuật quen thuộc và tiếp cận với di sản sân khấu truyền thống theo cách thức sáng tạo mới.
Ngày 31/7, trao đổi với Báo GD&TĐ, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh - Giám đốc dự án cho biết, “Đối diện với vô cùng” với mục tiêu kết nối thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam và quốc tế cùng công chúng đến với nghệ thuật sân khấu truyền thống thông qua vũ đạo đương đại.
Tác phẩm được lấy cảm hứng từ quan niệm về thế giới quan mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc của người Việt xưa. Đặc biệt, vở diễn còn là sự đan xen cùng các chất liệu từ văn hóa đại chúng và tinh thần soi chiếu lại quang cảnh xã hội Việt Nam đương đại.
“Đối diện với vô cùng” hình dung lại khái niệm sinh tồn thông qua các triết lý, biểu tượng và thẩm mỹ tâm linh của phương Đông. Tác phẩm cũng phản ánh tham vọng nghệ thuật của nhóm sáng tạo trong việc trau chuốt hơn nữa “tiếng nói” nghệ thuật của các nghệ sĩ trong bối cảnh đa văn hóa, bằng cách đưa ra cách diễn giải của chính họ về cảm giác với sân khấu Tuồng - thể loại sân khấu mang tính hàn lâm nhất trong nền nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
“Đối diện với vô cùng” thể hiện một cách mạnh mẽ cách các nghệ sĩ Việt Nam có thể dung hoà những kỹ thuật và ngôn ngữ chuyển động mang tính biểu tượng của phương Tây và mang đến một nét văn hóa mới. Đó là một sự tái hiện thú vị dựa trên các khái niệm của con người đương đại về vòng đời và sự tái sinh cũng như sự thống nhất không thể chia cắt giữa con người và quê hương.
“Tôi đã làm việc với nhóm sáng tạo và các nghệ sĩ với nỗ lực diễn giải lại “trạng huống sinh tồn” bằng minh triết Việt. Cái chết, dù chủ động hay thụ động, là điều không thể tránh khỏi đối với mỗi người. Tuy nhiên, ngay cả trong những hoàn cảnh khiêm tốn và bất lực, một người vẫn có thể suy ngẫm làm thế nào để làm cho cái chết của mình có giá trị và ý nghĩa hơn, đó là phẩm giá cao quý nhất của cuộc sống.
Trong “Đối diện với vô cùng”, nhân vật chính là “cái tôi” trải qua sự do dự, bất lực, đau đớn và sợ hãi trước cái chết, cuối cùng chọn đối diện, tìm ra giá trị mới cho sự tồn tại. Truyền tải những ý tưởng trừu tượng dưới hình thức biểu diễn trên sân khấu múa đương đại là một thách thức.
Tôi đã hợp tác với biên đạo múa Tú Hoàng để cố gắng kết hợp một số yếu tố từ nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt, các động tác nhân vật điển hình từ nghệ thuật Tuồng và một số biểu tượng nhất định từ triết học phương Đông vào các điệu múa và hình ảnh của tác phẩm”, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh chia sẻ.
Lựa chọn hình thức sân khấu đương đại thể nghiệm, một chất liệu “đo ni đóng giày” cho quá trình thực hành của các nghệ sĩ. Tác phẩm với chất liệu cổ truyền đan xen với các yếu tố đại chúng, đóng vai trò như một khung hình - một phép ẩn dụ ý nhị về lề thói và xung đột, bóc tách những cảnh tượng, lễ nghi, thói quen và quy tắc không chỉ về lịch sử và di sản, mà còn về chính bản thân mỗi người.
Di sản chuyển động trên sân khấu
Với sự kết hợp của ba tài năng trẻ: Biên đạo múa Tú Hoàng đang hoạt động ở nước ngoài, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh và đạo diễn sân khấu Hà Nguyên Long, “Đối diện với vô cùng” dẫn dắt câu chuyện dọc theo cuộc đời nhân vật chính.
Khai thác những giá trị gần gũi với văn hóa đại chúng, tác phẩm kể câu chuyện về thời điểm hậu “Mở cửa 1986” tới những năm 2000, nơi mà tính cá nhân được giải phóng nhưng mở ra sự cô đơn trong xã hội hiện đại.
Cuộc gặp gỡ của ba anh tài Hoàng Anh - Hà Nguyên Long - Tú Hoàng đã tạo nên tác phẩm mới chủ đề về hành trình khủng hoảng danh tính, niềm tin và sự cô đơn. Không chỉ kết hợp những bản nhạc gốc của âm nhạc truyền thống Việt với các sáng tác mới lấy cảm hứng từ âm nhạc nghệ thuật Tuồng, mà các yếu tố âm thanh của nhạc tôn giáo, nhạc thể nghiệm và đặc biệt là chất liệu từ văn hóa đại chúng vinahouse.
Với biên đạo múa Tú Hoàng, anh thực sự chú ý về chuyển động vũ đạo. Với cách tiếp cận “tối giản và tối đa” từ chất liệu vũ đạo Tuồng, nghệ sĩ có rất nhiều phương pháp để làm cho mọi chi tiết tạo ra ý nghĩa biểu tượng từ những chuyển động mang tính đặc thù của di sản.
Đạo diễn sân khấu Hà Nguyên Long cho rằng, tính tối giản trong thiết kế bối cảnh của tác phẩm hi vọng mở ra không gian rộng lớn hơn cho trí tưởng tượng và chuyển động vật lý, cũng như các ẩn dụ.
Trong khuôn khổ dự án, các nghệ sĩ cũng từng điền dã, lưu trú tìm hiểu cuộc sống bản địa và trao đổi về nghệ thuật truyền thống cùng các nghệ nhân tại làng Phú Mẫn, thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh) - nơi “Đào Chờ, kép Trịnh, nịnh Phù Lưu” nức tiếng nghệ thuật Tuồng của cả nước.
“Đối diện với vô cùng” là một hành trình tri thức đầy hấp dẫn, không chỉ từ những phát hiện độc đáo - kết quả của sự tìm kiếm miệt mài trong khối tư liệu xã hội, mà còn từ cách dẫn dắt mạch nội dung với những “twist” từ truyền thống đến đương đại, từ dân gian đến múa quạt vinhouse bất ngờ.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh, dự án bao gồm các hoạt động giao lưu học hỏi giữa các vũ công múa đương đại và nghệ sĩ của sân khấu Tuồng truyền thống, tọa đàm về tiềm năng phát triển của vũ đạo Tuồng và 3 đêm công diễn - kết quả của quá trình các nghệ sĩ phát triển các chất liệu sân khấu với ngôn ngữ múa đương đại. Dự án sẽ được kéo dài tới năm 2025 với chuỗi sự kiện tiếp nối tại Hà Nội, TPHCM, Amsterdam (Hà Lan) và London (Vương quốc Anh).