Bản Tả Phìn xa quá, nghèo quá. Nhà Mẩy càng nghèo, càng xa vì ở tận lưng núi cuối bản cơ. Tả Phìn nghĩa là bãi bằng giữa trập trùng rừng núi. Nhà Mẩy từng ở khu bãi bằng nhưng giờ thì khác. Đường lên nhà Mẩy quanh quanh co co như con suối trước mặt. Đôi chân Mẩy thuộc đường tới mức dù nhắm mắt vẫn biết bước tiếp theo sẽ giẫm phải hòn đá nào.
Năm trước, lần đầu tiên Mẩy được theo mẹ xuống chợ Sapa bán táo mèo. Mẩy tròn mắt nhìn những đứa ngang tuổi nói chuyện với người nước ngoài. Bọn nó nói tiếng Anh thạo như tiếng Kinh, tiếng Dao. Ồ, sao bọn nó giỏi thế nhỉ? Chốc chốc bọn nó lại bán món đồ được giá. Tiền bán táo mèo của mẹ con Mẩy chắc gì bằng tiền chúng nó đang cầm. Hái táo mèo xước cả tay, gùi táo mèo gù cả lưng. Mẩy nhìn mẹ, nhìn những vị khách phương xa, nhìn mấy đứa bán vòng, bán túi… Mẩy cúi xuống, vân vê vạt áo Dao cũ màu. Tiếng bán hàng không vẳng vào đầu. Mẩy còn đang bận nghĩ.
Mười bốn tuổi, Mẩy đang học lớp Tám. Vài tháng nữa là lên lớp Chín. Bố Mẩy bảo con gái học thế là đủ. Đi lấy chồng thì cũng về nhà người ta. Có mấy đám đánh tiếng xin Mẩy làm dâu rồi đó. Nhưng Mẩy chưa muốn lấy chồng. Mẩy còn muốn đi học, muốn làm cô giáo dạy tiếng Anh cơ. Thỉnh thoảng, Mẩy xin theo mẹ xuống Sapa. Cũng có khi Mẩy tự sang động Tả Phìn hoặc tu viện cổ. Đây là hai điểm du lịch của Tả Phìn bên cạnh dịch vụ tắm lá thuốc, ngắm ruộng bậc thang...
Tu viện cổ giống như miền cổ tích, rêu phong, huyền bí. Người thích gu xưa cũ thường đến đây tham quan, chụp thật nhiều ảnh. Đi qua tu viện cổ quãng nữa là đến động Tả Phìn. Cửa cao, lòng sâu, vòm rộng, động Tả Phìn xa xưa là nơi trú ngụ của loài dơi. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, động là nơi tập kết lương thực, vũ khí của bọn phỉ. Bộ đội ta và người Dao đã anh dũng giành lại. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, động trở thành nơi trú ẩn của người Dao và nuôi giấu bộ đội, cất giữ vũ khí của ta trước sự càn quét của đội quân Trung Quốc.
Giờ đây, động là khu du lịch trọng điểm của Tả Phìn. Trong động có những khối thạch nhũ nhiều màu sắc, hình thù độc đáo giúp du khách thỏa sức tưởng tượng. Có khối đá mang hình mẹ bế con, có khối đá mang hình các nàng tiên đang quần tụ cười đùa, hình dải băng tan, dải san hô, hay mâm xôi khổng lồ… Đôi chỗ, nước thấm qua chóp nhũ đá rơi xuống từng giọt tí tách… tí tách... tí tách… Trong không gian yên lặng, âm thanh ấy có thể khiến người yếu vía thót tim. Ma mị, kì thú. Động Tả Phìn được xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh. Vẻ đẹp của động thật khiến người ta sửng sốt, bất ngờ. Cuối tuần và dịp Hè, động Tả Phìn đông khách đến thăm. Từ nhà Mẩy sang đây gần một giờ đi bộ. Ngồi một lúc, thể nào Mẩy cũng sẽ gặp đoàn khách Tây, nghe họ trò chuyện với người hướng dẫn, bọn trẻ bán hàng bằng tiếng Anh. Mẩy cố nhớ nhưng khó quá. Phải làm sao bây giờ?
Mẩy đến gặp cô Minh Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm đồng thời dạy tiếng Anh lớp Mẩy. Mẩy rụt rè nói những điều Mẩy muốn. Ánh mắt cô lấp lánh vui. Từ đó, cô trò càng thân thiết hơn. Giờ ra chơi, Mẩy thích xuống phòng tập thể của cô để hỏi bài, mượn sách. Quên hoặc không hiểu chỗ nào, Mẩy hỏi lại cô. Cô cần mẫn giải thích, chỉnh phát âm, chỉnh chữ viết cho Mẩy. Mẩy dần thấy tiếng Anh bớt khó. Rồi Mẩy thích học tiếng Anh lúc nào chẳng biết. Bản thân có chút tự tin, Mẩy xin bố mẹ cho đi bán hàng.
- Mày bán hàng mà không đủ tiền mua rượu San Lùng thì về lấy chồng ngay. Rõ chưa? – Bố Mẩy nói hay rượu nói không biết.
Mẹ Mẩy xuống chợ mua thêm chỉ màu. Đàn bà ở Tả Phìn có tiếng thêu đẹp. Mẹ Mẩy cũng vậy. Bàn tay khéo léo đưa kim. Hoa văn sặc sỡ dần hiện hình trên tấm vải nhuộm chàm. Hàng tuần liền, mẹ Mẩy cặm cụi thêu. Cuối cùng, Mẩy đã có một giỏ hàng nho nhỏ. Túi, ví, khăn, móc khóa, vỏ gối… món hàng nào cũng hài hòa, bắt mắt. Ngày đầu tiên mang hàng đi bán, Mẩy hồi hộp lắm. Đến động Tả Phìn rồi, sao Mẩy thấy việc mở lời khó thế. Rõ là Mẩy đã tập bán hàng với mẹ ở nhà rồi mà. Mẩy đứng nép sau một gốc cây, nhìn ra. Những đứa bạn không đợi khách đến hỏi mà chủ động chào khách, giới thiệu các sản phẩm. Chúng nó thật bạo dạn. Mẩy nhìn mà thán phục. Chẳng lẽ đứng mãi ở đây? Phải nhúc nhích đi chứ. Mẹ dành hàng tuần thêu hàng cho Mẩy đấy. Nhắm mắt, hít một hơi thật sâu, Mẩy lấy can đảm, bước khỏi chỗ đứng. Mẩy bắt đầu mời những khách hàng người Việt. Người đầu tiên, không mua. Người thứ hai, không mua. Người thứ ba, cũng không. Mẩy nén chán chường, tiếp tục mời khách mua hàng. Hình ảnh mẹ ngồi thêu quá giấc mỗi đêm thôi thúc Mẩy. Mẩy không thể đứng câm lặng một chỗ. Cuối cùng, sau mười một lần mời, Mẩy cũng bán được món hàng đầu tiên. Mẩy muốn òa khóc vì mừng, vì mệt, vì tủi… Mẩy cầm những đồng tiền vừa có, soi ngang mặt, ngắm nghía thật lâu như thể đó là những bức tranh kiệt tác. Thành quả đầu tiên giúp Mẩy thêm động lực. Mẩy vuốt phẳng phiu rồi cẩn thận đặt tiền vào túi. Sang chiều, Mẩy bán được haimón hàng nữa cho người Việt. Rồi Mẩy đánh bạo mời một phụ nữ trung tuổi nước ngoài:
- Hello madam! You are so beautiful. Buy some things for me. Please!
- Hi. You're so cute. What are these?
- There are brocade bags, brocade wallets, brocade scarfs, brocade keychains, brocade pillowcases. These patterns show the culture of the Dao people. My mother embroidered them. And I sell them. Buy this scarf, it suits your charm. Please!
Đường vào bản Tả Phìn. Ảnh: ITN |
Cuộc chào hỏi và giới thiệu về các mặt hàng thổ cẩm do mẹ thêu giúp Mẩy bán được chiếc khăn thêu họa tiết Mặt trăng. Mẩy vui khôn tả. Mẩy có thể giao tiếp với người nước ngoài dẫu đôi lúc còn ấp úng. Giấc mơ làm cô gáo tiếng Anh càng trở nên mãnh liệt trong tâm trí Mẩy.
Ba tháng Hè trôi qua, khả năng nói tiếng Anh của Mẩy đã bắt kịp những đứa bạn mà Mẩy từng thán phục. Càng ngày, Mẩy càng bán được nhiều hàng hơn nhưng cũng chỉ đủ để mẹ mua vải, mua chỉ, mua gạo và mua rượu San Lùng cho bố. Nhà ít tiền nhưng bố lại thích uống rượu ngon nhất của người Dao. Mẹ Mẩy ngoài ba mươi mà lưng đã hơi còng. Có lẽ vì mẹ phải cõng mọi việc trong nhà. Bố Mẩy không ốm đau nhưng chẳng có bụng làm ăn, chỉ có bụng đánh bạc và uống rượu. Bố Mẩy thua bạc nhiều lắm. Phải bán nhà dưới thấp để trả nợ. Bán nhà dưới thấp, rồi dựng nhà tạm trên lưng núi này. Đã mấy năm rồi. Mẩy phải dần quen với màn đêm vắng lặng, mịt mùng. Mẩy thích những đêm có trăng. Ánh sáng chan hòa tít tắp qua những sườn núi, những ruộng bậc thang, những bản làng đông đúc… Mẩy cứ thế ngồi tựa lưng vào vách, thả trôi nỗi buồn hòa cùng ước mơ theo ánh trăng giăng giăng…
Năm học mới đến rồi, cô Minh Nguyệt đợi mãi chưa thấy Mẩy. Chiều ấy, không đợi được nữa, cô đến nhà Mẩy. Con đường vừa nhỏ, vừa xóc, vừa khúc khuỷu, chênh vênh, chốc chốc lại như muốn hất văng cô ra khỏi xe. Không hiểu sao cô Minh Nguyệt lại lo lắng cho Mẩy đến vậy. Mẩy chăm chỉ và thích học. Nhà xa và nhiều khó khăn nhưng Mẩy chưa nghỉ buổi học nào. Cô Minh Nguyệt thường xin sách cũ cho Mẩy, hỏi han Mẩy chuyện học hành. Mẩy cũng quý cô lắm. Nhà có cải mới, đào mới, mận mới… Mẩy đều mang phần cho cô.
Nhà Mẩy đây rồi, cô Minh Nguyệt cất tiếng chào từ ngoài cổng. Mẹ Mẩy dừng thêu, mời cô vào nhà. Bố Mẩy thôi ngắm ngắm nghía nghía mấy bình rượu San Lùng để cùng ngồi tiếp khách. Câu chuyện xã giao giữa ba người không kéo dài vì cô sốt ruột quá. Cô vào thẳng việc:
- Năm học mới bắt đầu rồi mà em không thấy Mẩy đến lớp.
- Cho nghỉ học thôi, cô giáo ạ. Ở nhà bán hàng, sang năm lấy chồng. – Bố Mẩy nói trong hơi men.
Mẹ Mẩy cúi xuống im lặng. Thế là đồng tình hay ngầm phản đối? Cô Minh Nguyệt đã dự cảm đến tình huống này. Không ngờ là thật sao? Căn nhà tự dưng bức bối quá. Cô Minh Nguyệt nhìn xoáy vào tờ giấy khen của Mẩy treo xộc xệch trên vách nứa. Năm ngoái, Mẩy đạt danh hiệu học sinh giỏi. Như vậy là quá xuất sắc trong hoàn cảnh của Mẩy rồi.
Dừng lại hay học tiếp dẫn đến hai ngả đường, hai tương lai hoàn toàn khác. Có cái chữ, Mẩy sẽ không phải sống cuộc đời đầu nương cuối ruộng. Như chị Chảo Yến bên Bát Xát ấy, cũng nhà nghèo, cũng người Dao, lại ở ngay Lào Cai. Chị nỗ lực đạt học bổng toàn phần châu Âu. Giờ chị có công việc mà bao người mơ ước. Nhà chị giờ khang trang, vững chãi, không phải lo cái ăn cái mặc. Ai ở Lào Cai cũng biết tấm gương vượt khó thành tài của chị.
Mẩy có chí, hiếu học, có thể thay đổi được nhiều thứ nếu tiếp tục đến trường. Còn dừng lại thì cuộc đời Mẩy sẽ lại giống mẹ, giống nhiều chị dưới bản. Lấy chồng sớm và rồi quẩn quanh bên ruộng nương đến già nua. Từng lời cô nói như khai mở vùng sáng khiến căn nhà chật chội như thoáng đãng hơn. Khuôn mặt bố Mẩy từ từ trùng những nếp nhăn, màu đỏ cũng dần dần dịu xuống. Trời gần tối mà bố Mẩy vẫn chưa nghĩ xong. Cô chào ra về vì đã nói đủ những suy nghĩ trong lòng.
Hôm sau. Rồi hôm sau nữa. Mẩy vẫn không đến trường. Cô Minh Nguyệt vẫn đợi. Trong hi vọng. Trong lo âu. Trong thắc thỏm. Cô muốn gặp Mẩy. Thế là cô xuống động Tả Phìn. Mẩy ngồi kia. Ủ rũ bên giỏ hàng. Thấy cô, Mẩy bưng mặt khóc. Cô hiểu tất cả dù Mẩy chưa nói điều gì. Tối ấy, cô lại đến nhà Mẩy. Đúng Rằm tháng Tám. Trăng vằng vặc sáng. Bốn người ngồi trên mành nứa giữa sân. Mười lăm tuổi, lần đầu tiên Mẩy được ăn bánh Trung thu. Có lẽ bố mẹ Mẩy cũng vậy. Cô mang đến một hộp có bốn chiếc bánh rất ngon, rất ngọt, rất thơm. Mẩy chưa từng ăn loại bánh nào ngon như thế. Vì lạ miệng hay vì bố mẹ vừa đồng ý cho Mẩy học tiếp? Mẩy không rõ, cũng có thể là cả hai. Mẩy vui quá. Mẩy muốn hét lên cho vang núi vang rừng, cho trăng sao cùng nghe thấy. Cô Minh Nguyệt ngước nhìn bầu trời đêm trong vắt. Trăng hôm nay thật tròn, thật đẹp.
Kể từ ấy, Mẩy chỉ bán hàng vào Chủ nhật hàng tuần. Vừa bán hàng, Mẩy vừa để quyển sổ trong túi. Khi không có khách, Mẩy mang sổ ra học, tranh thủ từng khoảng rảnh. Cô Minh Nguyệt dạy thích lắm. Cô vừa dạy vừa pha trò khiến học sinh cười nghiêng ngả mà vẫn hiểu bài, nhớ bài. Cô không dạy quá nhiều mà chủ yếu hun đúc cho học sinh tinh thần tự học, thích học. Sau này, Mẩy cũng muốn làm cô giáo dạy tiếng Anh như cô Minh Nguyệt. Bước chân vào lớp là được học sinh hào hứng đứng dậy chào:
- Good morning, teacher!
Mẩy cứ tưởng tượng mình được chào như thế là khuôn mặt tự nhiên sáng bừng với nụ cười chúm chím. Mẩy cũng sẽ lại cúi chào học sinh trước khi nói:
- Good morning, class. Sit down. Please!
Và rồi những tiết học vui vẻ, thú vị diễn ra, lúc chú ý nghe, khi đồng thanh đọc. Mẩy sẽ viết một hàng dọc từ mới lên bảng. Đọc mẫu đến từ nào, Mẩy sẽ gõ thước cho học sinh đọc theo từ ấy ba lần. Mẩy sẽ quan sát kĩ, khen ngợi những học sinh đọc to, đọc đúng. Học sinh nào đọc bé hoặc đọc sai hoặc không đọc thì Mẩy sẽ yêu cầu đọc riêng ở lượt sau. Mẩy cũng sẽ áp dụng những mẹo nhớ tiếng Anh của cô Minh Nguyệt. Chẳng hạn, những động từ hoặc danh từ có chữ tận cùng là: x, s, o, ch, sh, z (Xuống suối ông chẳng shợ zì), khi chia động từ ở thì hiện tại đơn, ngôi ba, số ít hoặc chuyển sang danh từ số nhiều, đếm được, cần thêm đuôi “es”. Cô Minh Nguyệt có nhiều mẹo dạy hay lắm. Mẩy ghi hết vào cuốn sổ học tiếng Anh và luôn mang bên mình như bảo bối.
Đối với học sinh vùng cao, học sinh dân tộc thiểu số, việc học tiếng Anh là thử thách không dễ vượt qua. Một số học sinh nói tiếng Kinh chưa sõi thì tiếng Anh như tảng đá chặn dòng. Nhưng Mẩy vẫn ấp ủ một ngày kia có thể dạy cho người Tả Phìn, để thật nhiều người có thể nói tiếng Anh, có thể làm du lịch, vừa thay đổi cuộc sống vừa đưa hình ảnh quê hương vươn cao, vươn xa cùng Sapa. Nghĩ đến viễn cảnh tươi đẹp đó, Mẩy càng hăng say học. Gương mặt trăng tròn của Mẩy sáng hơn ngọn đèn leo lắt giữa đêm khuya. Mẩy muốn thay đổi. Mẩy quyết thay đổi.
Sáng mai, Mẩy xa bản rồi. Mẩy thi đỗ và nhập học ở trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai. Mẩy tin rằng, ngôi trường mới, thầy cô mới sẽ tiếp tục giúp Mẩy chắp cánh ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh trên quê hương Tả Phìn.