Cảm thụ văn học

Truyện ngắn 'Ông ngoại' của Nguyễn Ngọc Tư: Hành trình hòa giải thế hệ

GD&TĐ - Truyện ngắn “Ông ngoại” tuy viết về một đề tài quen thuộc nhưng vẫn hấp dẫn người đọc bởi sức hút đặc biệt riêng của nó.

Câu chuyện của Trần Linh Mai - sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội và ông ngoại từng gây xúc động cho cộng đồng mạng năm 2022. Ảnh minh họa: ITN.
Câu chuyện của Trần Linh Mai - sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội và ông ngoại từng gây xúc động cho cộng đồng mạng năm 2022. Ảnh minh họa: ITN.

Một câu chuyện có giá trị sâu sắc, khiến người đọc phải giật mình nhận ra một chân lí giản dị. Tình thân chính là chất keo gắn kết mọi người với nhau. Sự thấu hiểu, tôn trọng, trách nhiệm chính là chiếc chìa khóa vàng để phá vỡ mọi ranh giới, xóa nhòa mọi khoảng cách.

Hai thế giới khác biệt

Trong tác phẩm, Nguyễn Ngọc Tư đã dựng lên hai thế giới khác biệt. Thế giới của ông là “mấy ông bạn già, là mấy chồng nhựt báo, là cái radio đâu hồi còn đánh nhau, là trầm tư suy ngẫm, là mảnh sân hoa trái”. Còn thế giới của Dung là “tiếng nhạc gào thét xập xình, là sắc màu xanh đỏ, là quả đất như nằm gọn trong bàn tay”.

Hai thế giới hoàn toàn trái ngược, đối lập nhau. Một bên yên tĩnh, trầm lắng với những buổi chiều lặng lẽ cùng những kí ức xa xăm. Một bên sôi động, tươi vui với những màu sắc rực rỡ cùng âm thanh hiện đại ồn ào. Sự khác biệt đó bắt nguồn từ một lí do dễ hiểu. Đó là khoảng cách giữa các thế hệ dưới một nếp nhà. Một thế giới của người già. Một thế giới của người trẻ.

Sự tương phản giữa hai thế giới không chỉ là sự khác biệt về thế hệ mà còn phản ánh sâu sắc những giá trị và quan điểm sống khác biệt giữa truyền thống và hiện đại. Đây là một hiện thực không thể tránh khỏi trong một gia đình hiện đại.

Là hình mẫu của thế hệ trẻ, với tính cách năng động, thích khám phá, Dung cảm thấy cuộc sống với ông ngoại là một gánh nặng, một sự gián đoạn đối với nhịp sống thường ngày của mình “sáng nó dậy thật sớm để nấu cơm, sau đó đi học, chiều lại học, buổi tối nó vù xe đến bạn chơi hoặc về nhà nghe mấy đứa em cãi nhau ỏm tỏi”. Guồng quay cuộc sống của người trẻ tuổi vội vã như chính thế giới của họ. Cô không thể hòa nhập ngay lập tức vào thế giới tĩnh lặng của ông - nơi mà thời gian dường như chậm lại theo từng khoảnh khắc.

Trong cái nhìn và cảm nhận của Dung, ông có cuộc sống thật nhàm chán, đơn điệu “ông cứ lo tỉa tót cho mấy chậu kiểng, mất con cá vàng”. Ông có cái khó tính của người già “tỏ vẻ giận, quẩy quả vào nhà” khiến Dung phải thốt lên suy nghĩ “Ôi, sao mà người già lại khổ đến vậy”.

Câu văn cảm thán là một lời than vãn, bất lực của Dung. Cô không thể hiểu được những suy nghĩ, hành động của ông. Khoảng cách thế hệ như một bức tường vô hình cứ thế ngăn cách khiến Dung và ông ngoại thành hai thế giới song song không có điểm dừng.

Hai thế giới hòa tan

Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở việc tái hiện hai thế giới khác biệt mà Nguyễn Ngọc Tư còn khéo léo xây dựng một hành trình hòa giải từ giành giựt nhau đến hòa tan vào nhau giữa hai thế giới này.

Sự hòa nhập diễn ra từ hai phía. Qua thời gian sống cùng ông ngoại, Dung có những sự thay đổi không ngờ tới. Sự thay đổi bắt đầu từ những chi tiết rất nhỏ. Cô trở mình lắng nghe tiếng ho khúc khắc của ngoại vào mỗi đêm. Lắng nghe tiếng cây mai nhỏ nứt mình. Cảm nhận mùi hương trầm mà ông thắp lên mỗi tối.

Dường như, cô bé đã mở rộng mọi giác quan từ thính giác, thị giác và cả xúc giác để lắng nghe âm thanh, đón nhận hương vị, cảm nhận mọi sự biến chuyển của thiên nhiên, đất trời. Không còn chìm đắm trong sắc màu xanh đỏ sặc sỡ, trong thế giới âm nhạc huyên náo, Dung sống chậm lại, tận hưởng mọi khoảnh khắc, mọi vẻ đẹp của cuộc sống trong thế giới của ông.

Sự thay đổi khiến cho cả những đứa em phải thốt lên “Chị Hai khó tính như một bà già”. Dung giật mình. Cái giật mình thể hiện sự bất ngờ, ngạc nhiên, ngỡ ngàng.

Dung nhận ra mình đã thay đổi theo một cách mà chính cô không hề hay biết. Cô thấy mình bắt đầu quen thuộc, thậm chí yêu thích sự tĩnh lặng và nhịp sống an yên của ông ngoại.

Những câu văn với nhịp chậm rãi đưa người đọc bước vào một không khí yên bình, nhẹ nhàng “Có lẽ quen với cái tĩnh lặng trong sân mà mỗi chiều Dung giúp ông tưới cây, cái khoảng không xanh lạc lõng trong khói bụi, đâu đó, trên tàng me già, dăm chú chim hót líu lo”. Lúc này, cô thực sự đã trở thành một phần của thế giới mà trước đây cô cho là xa lạ, không phù hợp với mình.

Trong cảm nhận của Dung, những xúc cảm đến một cách tự nhiên và nhẹ nhàng như thế. Dung cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của không gian tĩnh tại. Dung yêu cái dáng ông ngoại với mái tóc bạc, với đôi mắt hõm, cái cằm vuông. Dung nhận ra sự vô tâm của chính mình trong những phút giây trước đó.

Không chỉ Dung có sự thay đổi, người đọc cũng dễ dàng nhận ra sự mở lòng của ông ngoại đối với thế giới của đứa cháu gái yêu thương. Đúng như lời của người mẹ “Con vì ông một chút, ông cũng vì con thôi”.

Là một người già đã quen với cuộc sống tĩnh lặng, có lẽ lúc đầu khi Dung đến sống cùng, ngoại vẫn còn cái khó tính mà theo như Dung cảm nhận “Ông khó lắm. Con mở nhạc cũng ngại, con nấu cơm khét ông mắng cả buổi”. Tuy nhiên, theo mạch truyện, ông đã bắt đầu nỗ lực để hòa nhập vào thế giới của Dung. Ông không chỉ cố gắng hiểu mà còn chấp nhận những sở thích của cô cháu gái bằng những hành động cụ thể.

Từ người chỉ yêu thích âm thanh của chiếc đài radio xưa cũ, lần đầu tiên, ông đã yêu cầu Dung hát rồi gật gù ngồi lại lắng tai nghe những âm thanh sôi động. Từ người chỉ thích tĩnh lặng trong mảnh sân đầy hoa trái, lần đầu tiên, ông hòa mình vào bầu không khí cùng bọn trẻ, cùng vui vẻ nhảy trên nền bài “Tango xa vắng”…

truyen-ngan-ong-ngoai-cua-nguyen-ngoc-tu-2-4056.jpg
Bìa truyện ngắn “Ông ngoại” của Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh minh họa: ITN.

Cầu nối gắn kết

Xuyên suốt mạch truyện, chúng ta nhận ra quá trình hòa nhập của hai thế hệ diễn ra khá êm ả. Nó không có những lằn ranh đau đớn, những xung đột mâu thuẫn không thể giải quyết như trong “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp.

Trên hành trình hóa giải khoảng cách, sự khác biệt, người ta nhận ra tình yêu thương không chỉ là món quà trao cho nhau mà còn là cầu nối gắn kết các thế hệ. Nhờ có tình yêu thương, hai thế giới khác biệt đã hòa nhập vào nhau tạo nên thế giới của gia đình với những kí ức, trải nghiệm chung đầy hạnh phúc.

Hiện ra trước mắt người đọc lúc này là những thước phim quay chậm. Dưới mái nhà nhỏ, trong buổi chiều yên tĩnh, ông ngoại và Dung cùng nhau chăm chút, tỉ mẩn, chăm sóc cây mai. Cùng nhau cảm nhận những phút giây yên bình của cuộc sống. Trên một góc thềm, Dung hát, ngoại nghe. Những âm thanh sôi động mang đến không khí mới cho căn nhà. Trong căn bếp nhỏ, hai ông cháu ríu rít người lăn bột, người khuấy sữa. Đến buổi tiệc, họ nắm tay nhau, cùng chung một điệu nhảy. Giữa đêm khuya vắng vẻ, ngoại trải lòng về một kí ức xa xăm. Sự gắn kết giữa hai thế hệ đã được dệt nên từ những khoảnh khắc bình dị hàng ngày như thế.

Trong đó, âm nhạc trước hết trở thành sợi dây vô hình kết nối - một giai điệu của sự thấu hiểu và đồng cảm. Ban đầu, tiếng nhạc xập xình từ dàn karaoke của Dung tưởng chừng như một rào cản, một biểu tượng cho khoảng cách thế hệ. Nhưng rồi như một phép màu, cũng từ chiếc dàn karaoke phủ bụi đó đến bài Tango “Xa vắng” trong buổi tiệc sinh nhật, âm nhạc đã xóa nhòa khoảng cách tuổi tác, đưa ông cháu xích lại gần nhau hơn.

Sự gắn kết sâu sắc đó còn được tô đậm qua quá trình chuyển biến về nhận thức và tình cảm của Dung dành cho ông. Từ sự xa cách ban đầu đến thấu hiểu và yêu thương ông. Từ chỗ coi ông như một gánh nặng, Dung dần nhận ra giá trị của ông. Một người sâu sắc, thấm thía lẽ đời. Một người khiến cô đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một người luôn âm thầm lo lắng và yêu thương cô hết mực. Khoảnh khắc Dung nhận ra tiếng ho của ông “ngày càng khô và rời rạc như lời kêu cứu” là lúc tình cảm của cô bé dành cho ông trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Dung đã thực sự khôn lớn và trưởng thành.

Cuối cùng, truyện khép lại với câu trả lời đầy trìu mến của ngoại “Ngoại muốn mỗi năm cùng con đón Giao thừa và nghe con hát”. Đây là một chi tiết thực sự xúc động. Dung đã thật sự cảm nhận được chiều sâu tình cảm của ông dành cho mình. Quyết định ở lại của ông là minh chứng cho tình yêu vô điều kiện, cho sự gắn bó sâu đậm giữa ông với Dung, giữa ông với mảnh đất quê hương. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, dù có khoảng cách thế hệ, dù có những khác biệt, tình yêu và sự thấu hiểu vẫn luôn là nền tảng để xây dựng những mối quan hệ gia đình bền chặt và ý nghĩa.

Như vậy, so với “Chiếc lược ngà”, nơi mối quan hệ cha con được thắt chặt bằng sự tiếp nối thế hệ “Lớp cha trước, lớp con sau - Đã thành đồng chí chung câu quân hành” hay “Bếp lửa” với tình cảm bà cháu sâu sắc trong cả một hành trình dài từ quá khứ cho đến hiện tại, tương lai thì “Ông ngoại” của Nguyễn Ngọc Tư mang đến một góc nhìn mới mẻ về tình cảm gia đình. Tác giả đã khéo léo vẽ nên một bức tranh đẹp, nơi khoảng cách giữa các thế hệ được xóa nhòa bởi tình yêu thương và sự thấu hiểu.

Trong cuộc sống hiện đại với nhiều xô bồ và biến động, khi khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng xa, câu chuyện gợi mở nhiều bài học quý giá. Để vượt qua khoảng cách này, chúng ta cần tìm được tiếng nói chung bằng sự lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau. Hãy luôn tâm niệm tình cảm gia đình luôn luôn là điểm tựa vững chắc nhất, là sức mạnh tinh thần to lớn vượt qua mọi rào cản, giúp mỗi người trưởng thành và tìm thấy hạnh phúc cho chính mình.

Xuất hiện trên văn đàn Việt Nam, Nguyễn Ngọc Tư ngay lập tức được đánh giá là một cây bút trẻ tài năng. Các tác phẩm của chị từ truyện ngắn, truyện dài, tản văn… từng câu từng chữ đều in đậm cảnh sắc và con người vùng sông nước quê hương. Hiện thực trong những trang viết của “Cánh đồng bất tận”, “Gió lẻ”, “Khói trời lộng lẫy”, “Trôi”,… còn thực hơn hiện thực ngoài đời sống vì nó đã được nhào nặn qua bàn tay nghệ thuật của người nghệ sĩ, được thổi vào đó không chỉ hơi thở của cuộc sống mà cả sức sống tư tưởng và tâm hồn người viết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ