- Đã nhắm được con lợn nào liên hoan chào Xuân Giáp Thìn chưa bác xóm trưởng ơi?
Ông xóm trưởng nhẩy phốc từ chiếc xe đạp xuống lòng đường, loạng choạng. Hôm nay, trông ông thật bảnh bao, bộ comple xanh lét, chiếc cà vạt đỏ lịch lãm nổi bật trên chiếc cổ áo sơ mi trắng toát, khác hẳn với phong thái ăn mặc tuềnh toàng thường ngày.
Ai cũng đoán được, bộ comple là của thằng lớn nhà ông mặc chật thải ra cho ông, vì nom chẳng phù hợp với chiều cao, cân nặng của ông tí nào cả. “Ma-ke-no”, không vấn đề gì - ông vẫn nói vui như vậy khi bị bà con trêu đùa!
Cả sáng nay ông vừa đạp xe lòng vòng hết làng trên, xóm dưới để chúc Tết bà con. Thì ngày Tết cũng phải để ông ăn mặc sang chảnh chút chứ. Vừa nghe thấy có người hỏi, ông đã hềnh hệch khuyến mại nụ cười giòn tan:
- Nhắm được rồi. Hề hề... Lợn Móng Cái xịn nhà ông Hoẵng. Thịt thơm, lòng ngon phải biết. Ha... ha...
- Năm nay, bác cho em ủng hộ xóm một con lợn cọc nhé.
Lúc này, ông xóm trưởng mới để ý đến người đối diện:
- Ô, Chính à. Chúc mừng năm mới nhé! Lúc nãy tớ sang nhà chúc Tết ông cụ, nhưng không gặp cậu. Biếu cho xóm con lợn hả? Hoan nghênh, vỗ tay nhiệt liệt. Này, hôm ấy, cậu cứ chở tuốt sang nhà ông Hoẵng, thịt, đánh chén tại trận luôn... Ha ha...
Ông xóm trưởng đi rồi, nhưng tiếng cười hào sảng vẫn vang vọng trên con đường làng.
Đã thành truyền thống, cứ vào đầu năm mới, bà con xóm 3, xã Tích Đức lại tổ chức đụng lợn. Khác với ngày xưa khó khăn, đụng lợn là để chia phần thịt sống, ai về nhà nấy tự nấu nướng mà lo cái ăn cho mấy ngày Tết. Nay thì khác, đụng lợn là để chế biến thành các món, rồi cả xóm tụ tập, liên hoan vui vẻ, qua đó, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm.
Mùa Xuân này, ông Quýnh bước sang tuổi chín mươi. Chính dự định sẽ tổ chức lễ đại thọ cho bố tại buổi liên hoan mừng Xuân của xóm. Đó là lý do Chính góp thêm con lợn cọc để thêm phần rôm rả. Chắc chắn ông Quýnh sẽ rất vui vì được cả xóm mừng thọ cho mình...
Nhà ông Hoẵng ở cuối làng, nhà Chính đầu làng. Từ đây vào đấy non cây số. Ông Quýnh hôm nay diện bộ áo dài màu đỏ, khăn xếp đỏ trông thật oách. Ông được con cháu đưa ra xe ô tô bảy chỗ của Chính chờ sẵn ngoài cổng. Chỉ một loáng, xe đã đỗ phịch trước sân nhà ông Hoẵng.
Từ trên xe xuống, biểu cảm khuôn mặt ông Quýnh không vui, trái ngược với sự phấn chấn hồ hởi ít phút trước đây. Chính không để ý thái độ của bố, anh lồng tay vào nách dìu ông Quýnh vào sân, cố ý xếp ông ngồi cùng bàn với ông Hoẵng.
Ở cái xóm này, chỉ còn ông Quýnh và ông Hoẵng là cao niên nhất. “Kính lão đắc thọ”, xếp các cụ ngồi cùng mâm trên là phải. Chính không biết, đang làm bố khó xử, đó là câu chuyện không vui xảy ra giữa ông Quýnh và ông Hoẵng cũng vào dịp Tết này từ cái đời tám hoánh nào đó...
*
Hôm đó là ngày giáp Tết. Trời rét tê tái, bóng tối buông xuống rất nhanh, đường làng tĩnh mịch không một bóng người. Trong ngôi nhà vách đất, nằm sát con đường liên xã, ông Quýnh lục đục chưa ngủ. Ông vặn to ngọn đèn dầu, giúp vợ lau sạch bó lá dong để ngày mai gói mấy chiếc bánh chưng ăn Tết. Bỗng có tiếng dép lê loẹt quẹt, lọc cọc ngoài đường.
Con mực chồm lên sủa inh ỏi. Ở cái xóm quê heo hút này, tám giờ tối mọi người đã lên giường đi ngủ, trời thì lạnh căm căm, ai còn tự đày mình đi trong đêm tối? Tò mò, ông nhìn qua khe cửa, một bóng người đang dắt xe đạp, tay còn lại ghì một vật gì lùng bùng buộc sau “gác ba-ga”.
Nếu cứ bình thường mà đi thì chẳng ai để ý, đằng này lại nhìn trước ngó sau, dáng vẻ vội vã. Trần đời, chỉ có những người làm việc mờ ám mới như vậy! Hay trong bao tải là người? Ông Quýnh nổi hết cả da gà khi ý nghĩ đó ập đến.
Trí tưởng tượng về một vụ giết người đem xác đi thủ tiêu cứ bám riết tâm trí, làm ông không yên giấc. Khoảng 3 giờ sáng, lại có tiếng xe đạp lóc cóc. Con mực sủa ầm lên, gầm gừ như chực nhảy bổ vào cắn ai đó. Trộm? Ông Quýnh vớ lấy chiếc đèn pin, tung chăn bật dậy, miệng quát to để chứng tỏ là mình đang thức:
- Mực! Trộm vào nhà mày cắn chết cho ông!
Vừa nói, ông vừa quét đèn lia lịa xung quanh. Ánh đèn pin bất ngờ rọi thẳng vào mặt gã đi xe đạp.
- Tay Hoẵng hoạn lợn - Ông Quýnh hô khẽ trong cổ họng.
Ở cái xóm này, Hoẵng là gã chẳng ra gì, nhà nào mượn gã hoạn lợn, có tý tiền công, là y rằng hôm đó gã mua rượu về nốc say bí tỉ. Nghe đồn, gã còn có tính ăn cắp vặt, chả ai bắt tận tay gã bao giờ, nhưng cứ nhìn cái mặt gian manh, mắt chuột, tai dơi của gã thì nghi lắm! Nên hễ ai mất gà, mất vịt đều ngoảnh về cuối xóm nhà gã mà chửi đổng, mà nói cạnh, nói khóe.
Ông Quýnh xâu chuỗi câu chuyện nhìn thấy tối qua. Đúng rồi, là tay Hoẵng! Ai chứ tay này dám làm mọi chuyện lắm. Tự nhiên, ông Quýnh thấy nóng ruột. Trời vừa hửng sáng, ông tung chăn bật dậy, lững thững đi bộ trên con đường mà Hoẵng đã đi đêm qua.
Trời sáng rõ, ông nổi da gà khi phát hiện một vệt máu rơi trên đường. Cứ lần theo vết máu, ông Quýnh suýt nữa đâm đầu vào chiếc cổng sắt chắn trước mặt. Ngẩng đầu lên tấm biển treo ngang to đùng, sơn dòng chữ: Phòng nông nghiệp huyện Tích Hà! Ông đẩy cổng bước vào.
Thật lạ, ngày thường, giờ này ông bảo vệ đã thức giấc tập thể dục, hôm nay “vườn không nhà trống” chẳng thấy ai. Ông tiếp tục lần theo vết máu loang lổ trong sân, đến hanh lang vào phòng làm việc thì mất dấu...
Một vụ trọng án nghiêm trọng được vẽ trong đầu ông Quýnh: Cuối năm, biết Phòng nông nghiệp huyện mang về một khoản tiền lớn để thu mua nông sản thực phẩm của nông dân, tay Hoẵng bắt cóc ông bảo vệ trên đường ông này từ nhà đến cơ quan.
Đánh thuốc mê, rồi trói chặt chân tay ông bảo vệ lại cho vào bao tải, đưa đến Phòng nông nghiệp để buộc ông phải mở tủ cho gã lấy tiền. Có thể ông bảo vệ chống cự, đã bị gã thủ tiêu nên ông bảo vệ mới mất tích bí ẩn, để lại nhiều vết máu như thế...
Phải báo án ngay! Ông Quýnh đi như chạy bộ gần ba cây số đến trụ sở Công an huyện Tích Hà. Cán bộ trực ban sau khi nghe ông phát giác cũng “bán tín bán nghi”. Từ xưa tới nay, ở vùng quê này, chỉ xảy ra dăm ba vụ trộm cắp vặt, chứ giết người cướp của thì quả thực tầy đình. Trước sự quả quyết của ông Quýnh, cán bộ trực ban cũng thận trọng, báo cáo gấp sự việc cho chỉ huy
Khoảng 30 phút sau, một chiếc xe co-măng-ca chở 4 chiến sĩ công an cùng ông Quýnh quay trở lại xã Tích Đức. Tới nơi, tổ công tác chia làm hai mũi. Một mũi mượn xe đạp của cán bộ Ủy ban đến Phòng nông nghiệp huyện. Mũi kia đi cùng ông Quýnh đến nhà Hoẵng.
Lúc này, tay Hoẵng còn chưa tỉnh giấc. Vừa thấy công an ập vào nhà, Hoẵng tái mét mặt, chân tay run lập bập.
- Đêm qua anh có ra khỏi nhà lúc 8 giờ tối và trở về khoảng 3 giờ sáng không?
Hoẵng lấm lét nhìn anh công an, rồi lại nhìn ông Quýnh khẽ gật đầu.
Lập tức, Hoẵng được giải ra xe ô tô, đưa về trụ sở Ủy ban xã lấy lời khai.
- Đêm qua, có một vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Phòng nông nghiệp huyện Tích Hà trùng khớp thời điểm anh vắng nhà.
Hoẵng nghiến chặt hai hàm răng để khỏi va vào nhau lách cách. Gã sợ, hay rét quá? Chắc đúng là thủ phạm mới sợ như thế! Ông Quýnh quan sát Hoẵng với vẻ mặt vừa hả hê, vừa ghê tởm.
Công an tiếp tục hỏi:
- Ông bảo vệ đâu?
- Dạ, tôi không biết!
- Đừng nói là không biết. Thế đêm qua, anh có đến Phòng nông nghiệp huyện không?
- Dạ có!
- “Có” mà nói không biết! - Anh công an quát to.
Hoẵng cúi gằm mặt như sắp rơi cái đầu bù xù tóc xuống bàn làm việc.
- Tôi xin khai thật... Xin cán bộ tha cho... Chẳng qua cũng vì khó khăn quá mới làm liều!
Đúng lúc ấy, ông bảo vệ Phòng nông nghiệp huyện được đưa tới. Mấy anh công an ghé vào tay nhau thì thào rồi tủm tỉm cười. Thì ra, ông bảo vệ không hề bị thủ tiêu như trí tưởng tượng của ông Quýnh. Lúc công an tới nhà tìm, ông còn đang chồm hỗm giữa sân gói giò xào.
Thời ấy, lợn nuôi phải bán cho Nhà nước, nếu tự ý giết mổ phải được phép của chính quyền. Nhưng do thiếu thực phẩm ăn Tết, nhân viên Phòng nông nghiệp huyện đã thỏa thuận mua chui lợn nhà ông Hoẵng.
Sau khi giết mổ xong, ông Hoẵng bỏ xác con lợn vào bao tải, một xô đựng tiết, một xô đựng lòng, chờ khi trời tối, ít người qua lại thì lén lút chở đến Phòng nông nghiệp huyện để phân ra từng suất cho cán bộ nhân viên. Mỗi người trong cơ quan hôm đó được chia 3 cân thịt.
Muốn lấy lòng, dạ dày, nội tạng thì chỉ được 2 cân, riêng mấy cái chân giò, sườn thì ưu tiên cho lãnh đạo. Tiết canh ai có nhu cầu cứ thoải mái múc mang về... Chỉ một loáng, con lợn đã bay hơi rất nhanh.
Trời chưa kịp sáng, ai nấy đều tất bật mang thịt về nhà chế biến, ông bảo vệ cũng bỏ cơ quan mang thịt về gói giò xào. Đó là lý do vì sao tới sáng muộn mà cả cơ quan vẫn chưa ai đến chỗ làm...
Lập xong biên bản ghi lời khai của ông Hoẵng và ông bảo vệ, anh công an nghiêm nét mặt, nâng cao lập trường, thái độ chính trị sạc cho ông Hoẵng và ông bảo vệ một trận ra trò về quan điểm hậu phương, tiền tuyến, rồi buộc hai ông ngồi viết bản kiểm điểm để lưu vào “sổ đen” của xã. Phía lãnh đạo Phòng nông nghiệp huyện cũng bị kiến nghị xử lý trách nhiệm vì không chấp hành chủ trương của Nhà nước.
Biết không hề có vụ án mạng như suy diễn của mình, ông Quýnh đỏ bừng hai tai. Từ đó, mỗi khi giáp mặt nhau, ông Hoẵng và ông Quýnh đều ý tứ chủ động tránh mặt. Ông Quýnh thì ân hận vì sự hồ đồ của mình đã làm liên lụy đến ông Hoẵng. Còn ông Hoẵng thì xấu hổ trước ông Quýnh và bà con trong xóm vì bị công an tới tận nhà dẫn giải ra Ủy ban xã...
*
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đời sống nông thôn bây giờ đã đổi khác. Chuyện đụng lợn chui ngày ấy chẳng còn ai nhớ và nhắc tới nữa. Bây giờ, lợn mình nuôi, muốn mổ, muốn bán cho ai tùy ý. Thực phẩm ngày Tết cũng không còn là nỗi lo của đa số nhiều gia đình ở nông thôn nữa.
Ông Quýnh cứ đắn đo mãi trước khi kể lại câu chuyện “đụng lợn” chui ngày xưa trong buổi liên hoan mừng Xuân của cả xóm. Câu chuyện hấp dẫn khiến lớp trẻ cứ há hốc mồm, vừa nghe vừa ngạc nhiên, thích thú.
Quyết định kể lại câu chuyện làm ông nhẹ lòng. Ông muốn thông qua câu chuyện cũ, trong một giai đoạn lịch sử của đất nước để lớp trẻ thấy được thành quả ấm no, hạnh phúc có được ngày hôm nay.
Qua đó, cũng bộc bạch chân tình để gửi lời xin lỗi tới ông Hoẵng. Một lời xin lỗi mà hơn nửa thế kỷ qua đi ông không vượt qua được sĩ diện của bản thân để nói với ông Hoẵng, làm khoảng cách giữa hai ông cứ xa dần từ ngày xảy ra câu chuyện ấy...
Nghe ông Quýnh nói, ông Hoẵng run run đưa bàn tay gầy guộc, đầy những vết đồi mồi nắm lấy bàn tay ông Quýnh. Hai cụ trạc tuổi nhau, nhưng ông Hoẵng nom ốm yếu hơn rất nhiều.
- Cụ kể lại câu chuyện đó làm tôi xấu hổ quá. Cụ làm gì có lỗi. Chính tôi mới là người làm sai chủ trương của Nhà nước. Còn việc hiểu nhầm, hôm nay cụ kể tôi mới biết, cũng thấy vui vui. Thôi, chuyện xa rồi, tôi và cụ không ai để bụng nữa nhé...
Ông trưởng xóm nắm lấy cái micro, chưa nói đã cười vang như tràng pháo Tết:
- Ha ha. Cả xóm nâng chén lên nào. Một trăm phần trăm nhé. Chén đầu uống là để đón chào năm mới mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Chén thứ hai uống chúc thọ cụ Quýnh và cụ Hoẵng sống lâu, hạnh phúc bên con cháu. Chén thứ ba, uống cạn để thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm... Thôi, tạm thời ba chén trước đã. Ha ha... Ha ha ha...
Tiếng ồn ã, nói cười vui vẻ, tiếng cốc chén, bát đũa chạm nhau lách cách. Hôm nay, cả cụ Quýnh và cụ Hoẵng đều rất vui. Một mùa Xuân mới đã về trên quê hương Tích Đức.