Truyện ngắn Đẻ mướn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hồi đương chức, may mắn thay lão Chu cũng leo lên được cái ghế trưởng phòng tổ chức nhờ có công tham gia kháng chiến.

Truyện ngắn Đẻ mướn

Tổng cộng 2 năm, 7 tháng, 19 ngày tính đến thời điểm 30 tháng 4 năm 1975. Mặc dầu chức vụ hơi nhỏ, phạm vi quyền hạn hơi hẹp nhưng tính lão lành, tâm lão sáng thành ra đường quan lộ của lão khá hanh thông.

Từ cán bộ lên luôn trưởng phòng chứ không thông qua phó phòng. Tuy không thể leo cao hơn nữa, có thể từ trưởng phòng lên phó giám đốc, phó giám đốc lên giám đốc vù vù như một số người biên chế ở công ty.

Lão Chu chỉ dừng lại bậc thang trưởng phòng âu cũng thấu tình đạt lý lắm rồi. Bởi lão đâu có đủ, có đúng trình độ chuyên môn để phát huy năng lực. Chẳng lẽ kinh tế lại áp dụng chiến thuật du kích? Lợi nhuận tính bằng kết quả đấu tranh giai cấp?

Song công việc của lão khá thuận lợi, quan hệ với đồng đội, đồng chí cũng vui vẻ hòa đồng, không có gì phải tâm tư, day dứt. Được biết, lão phụ trách khâu nhân sự, quá trình làm việc lão đã giúp đỡ khá nhiều người có công ăn việc làm ổn định.

Trong số đó, người trượng nghĩa quay lại cảm ơn lão, cho lão khi lít rượu dầm thuốc, lúc cân thịt ba chỉ; chai nước mắm, bịch đường, gói trà để bồi dưỡng sức khỏe. Cái này không thể gọi là hối lộ cán bộ mà đấy là văn hóa giao thiệp. Còn người bội nghĩa vong ân sỗng đi luôn, chẳng buồn ngó lại bến đò xưa, nơi lão chống chèo đưa họ sang sông trập trùng sóng vỗ.

Cho đến một ngày đẹp trời, cơ quan cho lão nghỉ hưu với gia cảnh đơn chiếc, không vợ không con nhưng họ cũng đành chịu. Bởi cái tuổi lục tuần lấy đâu ra một gia đình đề huề, hạnh phúc vốn thời trai trẻ người đã chủ quan khinh suất nó.

Trong khi thời gian trôi qua vun vút đâu có đợi, có chờ ai bao giờ. Song ở đời trong cái rủi có cái may, không may mắn cho bản thân thì cũng đem lại niềm vui cho cộng đồng. Thử áp dụng trường hợp của lão khắc biết.

Số là, về hưu được mấy hôm, lão ngồi lỳ trong dãy nhà tập thể 24 m2, công ty hóa giá từ đời tám hoánh cũng buồn. Hơn nữa căn nhà tập thể này xây dựng khá lâu nên xuống cấp trầm trọng, tường gạch xỉn màu vàng ố, chỗ bong tróc; chỗ nứt nẻ chân chim nham nhở.

Muốn cải tạo, nâng cấp nhà phải có tiền. Mà ai có mạng giữ của, có tay cầm tiền thì tiền mới đến, của mới tụ. Ai không sở hữu số mạng đó coi như trớt quớt, làm bao nhiêu hết bấy nhiêu, cuối đời trắng tay luôn.

Ngược lại, cũng có người ăn nên làm ra, có rất nhiều tiền. Họ thậm chí tiêu xài hoặc cho vay; cho mượn vô tư, song rốt cuộc chẳng còn đồng dính túi. Bởi đạo lý phụ tiền không tiền, phụ của không của, phụ người không người muôn đời nay mấy ai thấu hiểu.

* * *

Số là, với thói quen giúp người gần như cố hữu, thôi thúc lão tìm việc làm để kiếm thêm vài đồng dằn túi, ngoài suất lương hưu khiêm tốn. Nếu dôi dư lão dự định sẽ sửa lại cái nhà; số dư khác ai cần thì cho họ mượn chứ không cho vay. Lão cân nhắc.

- Cho vay ác lắm!

Ở gần khu tập thể nhà lão có tuyến đường tàu hỏa chạy qua. Cùng với đó một trục đường dân sinh tự phát, cắt ngang đường ray này trong bối cảnh địa phương chưa tìm hướng đi khác, dẫn vào địa bàn xã thuận tiện hơn.

Chưa kể tại giao lộ này lúp xúp bụi tre, đã mấy lần chính quyền tổ chức chặt phá nhưng không thành công. Bởi mụt măng ẩn mình dưới lòng đất len lén nhú lên. Măng mọc thành tre, thành bờ, thành bụi che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông. Các cấp lãnh đạo đã nhiều lần đề xuất ngành đường sắt mở trạm barie nhưng chưa được chuẩn thuận.

Trước tình trạng nan giải này, Ủy ban Nhân dân xã đã thống nhất lập chốt an toàn, cắt cử người canh giữ. Không hiểu cơ duyên nào lão trúng tuyển vào danh sách dân quân, được xã phân công đứng gác trạm xe lửa.

Lương thưởng chưa biết thế nào nhưng niềm vui thì tràn ngập, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Lão vui vẻ nhận nhiệm vụ không một lời ta thán, không một yêu cầu cho dù nhỏ nhất. Hôm đó, tầm 4 giờ chiều chuyến tàu Bắc - Nam sắp sửa chạy qua, từng hồi còi dồn dập.

Bỗng tiếng kêu cứu yếu ớt, lẫn trong tiếng hú inh ỏi của đoàn tàu vang lên khiến lão giật mình. Lão buông điếu thuốc lào, bỏ đôi dép lê mòn gót, hớt hải lao ra kéo cần barie xuống chắn đường ray, mặc dầu còn mươi phút nữa đoàn tàu mới đến. Bất ngờ một người đàn bà mang bầu sắp đẻ, ở đâu không biết lù lù lết tới, nằm vật vã ngay dưới chân lão, la làng.

- Ối làng nước ơi em sắp đẻ rồi, bác làm ơn đưa hộ em đến bệnh viện, em tạ ơn bác.

- Gì thì gì cũng phải để tàu chạy qua cái đã.

Lão nửa dùng dằng, nửa sợ mụ kia vỡ ối nên cẩn trọng, vừa phất cờ hiệu vừa giữ chặt tay bà bầu, nói như hét vào tai.

- Chị có ngồi xe máy được không thì bảo?

- Dạ, hên xui thôi bác!

Thoáng chốc đoàn tàu đã lao qua vun vút, bỏ lại ngôi làng yên tĩnh. Bỏ con đường dân sinh tự phát, trạm barie tự lập. Bỏ lão và người đàn bà mang thai sắp đẻ, dưới hoàng hôn xám xịt phủ bóng tre làng.

Còn chăng dư âm lạch đạch, lùng đùng vang vọng đâu đó. Lão bật cần barie lên, cột dây thừng vào đầu cọc giữ thăng bằng, lật đật dắt chiếc xe máy cũ bét ra đạp cà rật cà rật mấy cái nó mới chịu nổ. Lão giục.

- Chị leo lên xe nhanh lên để tôi chở đi bệnh viện, may ra còn kịp, chớ đẻ ở đây thì chết chắc.

Lão cẩn thận vào số, từ từ rồ ga, chở người đàn bà mang thai chạy về hướng huyện lỵ, nơi có bệnh viện đa khoa tỉnh để kịp giờ sinh. Sau lưng từng làn gió đêm loà xoà, lủi mủi đuổi theo chiếc bóng già nua, lụ khụ của lão. Đến nơi, nhân viên y tá hỏi lão vài câu tưởng chừng chiếu lệ, ai dè vi tính cập nhật luôn thông tin cá nhân của lão vào bệnh án thai phụ.

- Đoàn Chu - Chồng bà Đào Loan nhập viện lúc 17 giờ. Trình trạng sắp sinh đang chờ khoa sản xếp lịch.

* * *

Cuối cùng thì việc gì đến sẽ đến. Quy luật mà. Chị Loan sinh thường. Con trai. Cân nặng 3,8 kg. Tự nhiên lão Chu ở lại bệnh viện với tư cách người nhà bệnh nhân, còn danh xưng “chồng” chỉ nằm trên giấy tờ, mọi người chung quanh không hề hay biết.

Ba ngày làm người đàn ông bất đắc dĩ nuôi “vợ” đẻ xiết bao cảm xúc, biết bao vui buồn lẫn lộn; lẫn ngớ ngẩn. Bao nhiêu cung bậc sân hận ái ố tan biến, nhường chỗ cho lòng từ bi hỉ xả lên ngôi. Hết thời gian nằm viện, lão đưa mẹ con chị Loan về nhà. Bởi chị Loan đâu còn chỗ nào để đi, để tá túc. Chị kể.

- Là nông dân làm ruộng cực nhọc, quanh năm thiếu ăn nên em quyết tâm ly hương lên thành phố xin làm công nhân. Cơ mà lâu nay chân lấm tay bùn, đâu có biết máy móc thiết bị là gì nên em sớm bị công ty sa thải.

- Sao cô không quay về nhà tiếp tục làm nông, dầu sao ruộng lúa cũng cho mình cái ăn, cái mặc. Tuy ăn chưa ngon, mặc chưa tươm tất nhưng đỡ vất vả, lăn lộn với phố thị phồn vinh giả tạo.

- Em đang chờ công ty thanh toán mấy ngày lương để lấy ít tiền về xe. Đùng một cái nhỏ bạn cùng quê liên lạc, mai mối em đi đẻ mướn cho đại gia hiếm muộn.

- Làm vợ hờ hả?

- Dạ không, chỉ ngủ với họ vài đêm, có bầu thì thôi.

- Sau đó?

- Sau đó đẻ con cho họ, nhận tiền dịch vụ rồi đường ai nấy đi. Con họ, họ nuôi; thân mình, mình giữ.

- Đơn giản vậy?

- Em nghĩ, bác nghĩ đơn giản chứ đời đâu dễ dàng như vậy. Em có bầu gần sinh thì bị bà chủ phát hiện “tiểu tam” liền cho người truy sát. Còn đại gia kia cũng thuộc loại lưu manh, vốn dĩ lừa loại “rau sạch” như em để chiếm đoạt thể xác, chẳng may có bầu ổng mới cưu mang, chứ thực tế ổng cũng có con trai rồi.

- Sao em không bỏ ổng ngay từ đầu.

- Em cần tiền để sống, em ngại về quê, ngại làm nông!

- Rốt cuộc?

- Rốt cuộc ổng cho em mấy triệu bảo em trốn về quê sinh con rồi ổng sẽ tìm cách giải cứu. Em chưa kịp trốn thì đã xảy ra cớ sự như ngày hôm nay. Em làm liên lụy đến bác, em thật có lỗi. Em xin lỗi!

* * *

Loan nói xong nước mắt giàn giụa. Mà lạ, cô càng khóc, càng tủi thân thì thân thể cô càng mềm mại, đường nét càng uyển chuyển, lung linh. Về khoản này thật sự rất khó hiểu. Bởi một người đàn ông chưa biết yêu là gì? Chưa bao giờ cầm tay phụ nữ, chưa ôm hôn, chưa đụng chạm đàn bà khiến lão bắt đầu hoài nghi chính mình.

Hoài nghi những giọt nước mắt của Loan bắt nguồn từ đâu? Nhưng lão không thể hiểu, càng không thể gạt bỏ tất cả; không thể từ chối mọi thứ như gã nhà giàu lưu manh kia, như mụ vợ độc ác nọ, nỡ ra tay truy sát mẹ bầu.

Lão là lão - Một con người có thói quen giúp đỡ cộng đồng gần như tín ngưỡng, như định mệnh an bài. Mùa Đông tràn về, cây bàng chuyển sang sắc đỏ, chiếc khăn quàng cổ bắt đầu co rúm.

Lão vừa làm một cán bộ hưu trí gương mẫu hằng tháng đến cây ATM rút tiền trích một ít làm từ thiện; hằng ngày đến chốt xe lửa gác barie miễn phí, miệng luôn luôn từ chối các khoản trợ cấp của cơ quan đoàn thể.

- Các anh để số tiền đó chi phí vào việc khác, tôi có lương hưu rồi.

Mẹ con chị Loan sinh nở vuông tròn, nhìn thằng bé cứng cỏi lắm. Lão vui mừng, hỏi.

- Khi nào chị tính về quê để tôi đưa hai mẹ con ra bến xe?

- Dạ, em ngại về quê, ngại làm nông. Hơn nữa bây giờ có con rồi, là gái chửa hoang; gái lăng loàn, trắc nết không biết quê có nhận em không?

- Vậy thì ở lại đây với tôi, chị đồng ý chứ?

Chị Loan im lặng nhìn chằm chặp vào đôi tay gân guốc của lão đang bê nồi than đỏ lừ, chuẩn bị đặt dưới giường đẻ. Dầu sao chị cũng vừa mới sinh con chưa tròn tháng tuổi, mà thời tiết miền Trung lạnh như dao cắt. Ngoài đồng gió thổi phần phật, trong nhà mưa thỉ thả.

Đêm xuống nhanh quá lão chưa kịp chong đèn, chưa kịp đội nón ra chốt xe lửa. Biết đâu giờ này đoàn tàu Bắc - Nam sắp sửa chạy qua vùn vụt. Biết đâu ai đó đi ăn cỗ về, say rượu, chạy ẩu. Biết đâu ai đó khiếm thính, bỏ quên tai nghe, thản nhiên bước qua đường ray.

Biết đâu một cái rầm, một cái choảng xảy ra trong tích tắc, sẽ có bao nhiêu sinh mạng con người trở thành nạn nhân. Kẻ tàn tật suốt đời, người hóa thành thiên cổ. Lão rùng mình chạy ù ra khỏi nhà, khỏi chị Loan, khỏi đứa trẻ chưa kịp đặt tên. Sáng hôm sau lão quay về nhà trong lúc mẹ con chị Loan còn ngái ngủ.

Lão lọ mọ vào bếp bắt nồi cơm điện, hâm xoong cá lóc kho tiêu, nấu bình nước siêu tốc. Định bụng sẽ đánh thức mẹ con họ dậy tắm nắng, những tia nắng hiếm hoi của mùa Đông lạnh giá vừa mới khoan thai nhảy nhót ngoài khung cửa.

Bất ngờ một vòng tay mềm mại ôm chầm lấy lão từ phía sau; mùi sữa non thơm ngát; mùi đàn bà nồng nàn khiến lão đẫn đờ, ngây ngất. Cái ôm vừa lạ vừa quen, vừa đủ cho lão hoài nghi chính mình; vừa đủ cho lão đặt câu hỏi. Tại sao chị Loan không có mặt ở đây sớm hơn vài ngày? Không xuất hiện ở chốt xe lửa sớm hơn vài tháng, vài năm. Tại sao?

Đứa bé bỗng dưng bật khóc oe oe. Tiếng khóc trầm lắng, du dương giống bản nhạc không lời, hòa âm cùng tiếng kêu xình xịch xình xịch trên đường ray xe lửa mỗi lúc đoàn tàu Bắc - Nam vun vút lao qua. Lão nghẹn lời.

- Đêm qua chị Loan ngủ được không?

- Dạ, em ngủ được, thằng bé ít khóc. Có điều em ngại.

- Ngại về quê, ngại làm nông chớ gì?

- Dạ không, em ngại làm phiền lão. Làm phiền chốt xe lửa, cần gạc barie; làm phiền đường ray, đoàn tàu.

Lão Chu khẽ cười rồi quay mặt lại dụi đầu vào ngực chị. Những giọt sữa non nóng hôi hổi thấm vào chiếc áo ngủ mỏng tang. Thấm vào bờ môi khao khát của lão. Thấm vào ban mai dịu dàng zích zắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.