Anh băng qua khu vườn Louis XIII đến bức tượng quốc vương cưỡi ngựa, ngắm nhìn bao quát quảng trường đẹp nhất và lâu đời nhất Paris. Lúc đó là hai giờ kém mười lăm.
Cô xuống xe ở Bastille. Như thường lệ, cô lại đi nhầm lối ra và do dự giữa việc đi hết quảng trường để đến đường Saint Antoine hay đi qua đường Béarn. Cuối cùng, cô chọn lối vào qua Pavillon de la Reine. Lúc đó là 2 giờ chiều.
Anh nấn ná dạo chơi trên sân trồng những cây đoạn và cây dẻ vào giờ phút nhộn nhịp, đông người này. Một số du khách Nhật Bản đi dạo xung quanh với chiếc máy tính bảng quay chụp lại những cảnh quan tuyệt đẹp nơi đây gửi cho người thân ở quê nhà.
Nhiều bạn trẻ tạo dáng chụp ảnh tự sướng. Hai người Anh lớn tuổi, trên tay là cuốn cẩm nang Michelin cũ, xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ nhất của mặt tiền với sự nghiêm khắc của thanh tra công trình, để tìm kiếm tòa nhà 11, tòa nhà có cột cửa sổ thứ hai không thẳng hàng.
Một cậu bé trên chiếc xe ba bánh di chuyển xung quanh đài phun nước dưới sự cổ vũ của bà ngoại. Người qua đường đến từ mọi hướng, không ngần ngại chen lấn, có những người chúi mũi vào tờ báo đang đọc. Học sinh trung học từ Charlemagne hoặc Francs Bourgeois chạy qua quảng trường để đến lớp đúng giờ, một số ở phía đường Birague, một số ở phía đường Béarn.
Bằng chất giọng cao, hướng dẫn viên giải thích cho du khách những cái tên khác nhau của quảng trường Place des Vosges qua nhiều thế kỷ: Từ Place Royale đến Place des Fédérés à la Révolution rồi Place du Parc d’Artillerie, Place de l’ Indivisibilité và Place des Vosges vào năm 1802 để vinh danh điểm đầu tiên nộp thuế.
Nó đổi tên thành Place Royale lần nữa khi chế độ quân chủ trở lại, sau đó là Place de la République trước khi lấy tên là Place des Vosges vào năm 1870.
Trước sự nhộn nhịp ngự trị nơi đây, đôi mắt anh vẫn say sưa ngắm nhìn viên ngọc kiến trúc nhỏ bé này, dãy nhà giống hệt nhau với mặt tiền bằng gạch màu hồng và mái nhọn bằng đá phiến xám. Cuộc hẹn vào khoảng ba giờ, anh vẫn còn thời gian để tản bộ dưới những mái vòm.
Anh tò mò với cuộc hẹn này, cuộc hẹn với người anh không biết hay chính xác hơn là chưa từng gặp mặt. Một cuộc gặp bí ẩn làm anh phấn khích, tâm trạng cũng trở nên tốt hơn.
Đã hai giờ mười lăm. Cô không có thời gian nhấm nháp một ly double-crème ở Café Hugo nhưng cô có thể đi tới một trăm bốn mươi mét mỗi bên của quảng trường. Cô dừng lại trước một phòng trưng bày nghệ thuật đương đại, bị thu hút bởi tác phẩm gốc của nhà điêu khắc động vật với những bức tượng đồng tuyệt đẹp. Cô ngạc nhiên trước một con gấu trúc trầm ngâm, hai con báo tên là Tendresses và cô ấy dường như đã phải lòng một chú chim cánh cụt.
Xa hơn, một người đàn ông đang chiêm ngưỡng bức tranh thủy mặc màu nước, cảnh tượng vô cùng rực rỡ. Ai biết đó có phải là người cô đang đợi? Nhưng cô biết anh ta bị biển mê hoặc và đang đợi ai sao? Khi đang thảo luận không hồi kết bài báo về các tác giả nổi tiếng và nơi ở của họ trên mạng, cô vô tình trả lời bằng một câu nói đùa: “Nếu một ngày nào đó bạn đến Paris, tôi mời bạn đến nhà Victor Hugo”.
Sau đó, anh ấy đã gửi hai biểu tượng cảm xúc mặt cười. Và bất ngờ tới vào tuần trước, hộp thư của cô xuất hiện tin nhắn: “Tôi sẽ đến Place des Vosges vào ngày 18, khoảng 3 giờ chiều. Liệu Victor có tiếp tôi không?”.
Cô bị choáng váng, ngỡ ngàng. Cô đã dành một chút thời gian để trấn tĩnh. Cuối cùng, cô rất vui về điều đó. Cô đã đưa ra lời mời và nó sẽ được thực hiện sau một năm. Cô đáp lại bằng hai biểu tượng cảm xúc.
Người đàn ông quay lại. Đó không thể là anh ấy. Anh ta thắt cà vạt quá chặt. Qua cảm xúc, lời văn, cách nói của một người, cô có thể hình dung ra anh ấy. Cô tưởng tượng ra hình ảnh của Tristan.
Cô ít khi quan tâm đến vóc dáng con người, nhưng ngược lại, cô rất nhạy cảm với phong cách, cách ăn mặc, đi đứng mà theo cô, nó phản ánh một phần tính cách con người. Tristan có cách ăn nói hoàn hảo, luôn dùng từ đúng, phân tích phù hợp và biết cách bình tĩnh trong những cuộc nổi loạn.
Vì vậy, cô hình dung ra anh có tư thế hiên ngang mà không khệnh khạng, luôn tỉnh táo với ánh mắt thẳng thắn và dáng đi chậm rãi, trang phục thanh lịch, thoải mái, giản dị mà sang trọng.
Cô tiếc vì không thể ở lại lâu hơn trong sự sang trọng của hàng cột, chiếc bánh crepe mạ vàng hay bánh macaron vani được trang trí bằng kem brûlée, quả mâm xôi và quả hồ trăn nhà hàng Carette. Ngày vẫn chưa kết thúc và cô vẫn hy vọng có thể trở lại đó vào cuối buổi chiều, một mình hoặc đi cùng ai đó…, tại sao không, để thảo luận về Victor Hugo.
Cô nhanh chóng đi qua Hôtel de Richelieu ở số 21, nơi Théophile Gauthier, Alphonse Daudet, Georges Simenon và thậm chí cả người anh hùng của ông, Thanh tra Jules Maigret đã sống.
Hôtel du Grand Henry nằm ở số 19 là khách sạn năm sao với chiếc giường buông rèm và bồn tắm kiểu La Mã. Đến số 13, nhớ tới giá của mỗi mét vuông trong khu phố, cô nghĩ không biết đây là nơi ở riêng trước đây của nhà báo nổi tiếng hay chính trị gia nào.
Nếu anh ấy không đến thì sao? Nỗi lo lắng lấn át cô. Cô bắt đầu cảm thấy bồn chồn. Cô cảm thấy cổ họng thắt lại. Không phải tất cả điều này là vô lý? Trong lúc yếu lòng, cô bị thôi thúc đặt tên cho những bài viết, những trạng thái của tâm trí, một loại tò mò của mối liên kết bí mật, vô hình và xa xôi giữa họ.
Khi đến số 15, anh không thể cưỡng lại khi hít thở bầu không khí dịu nhẹ từ cửa hàng sang trọng của anh em nhà Dammann với lối trang trí ấn tượng từ những chiếc tủ khóa bằng gỗ ẩn chứa kho tàng mùi hương kỳ lạ. Anh đã mua một loại hồng trà với cam bergamot từ Trung Quốc. Đây có lẽ là cửa hàng mà phụ nữ sẽ thích, anh tự nhủ.
Anh tìm thấy bức tranh graffiti đầu tiên được chạm khắc bằng một chiếc chìa khóa bên ngoài của cây cột nằm giữa số 11 và 13, vào năm 1764, có chữ ký của Nicolas Restif de la Bretonne, tiểu thuyết gia, theo chủ nghĩa tự do, lang thang trên đường phố thủ đô, khắc lên tường những suy nghĩ và tâm trạng của ông vào lúc đó.
Anh xem đồng hồ. Đã sắp đến giờ. Anh khó kiểm soát sự thiếu kiên nhẫn. Anh tiếp tục lang thang dưới những mái vòm. Anh tự hỏi làm thế nào để tìm thấy cô trong đám đông này. Cô để lại cho anh một vài manh mối nhưng anh không biết cô thế nào. Lẽ ra anh nên yêu cầu cô cầm trên tay cuốn sách hoặc đeo chiếc khăn quàng cổ màu hồng. Đây có phải là thiếu sót? Họ còn không trao đổi số điện thoại di động.
Tên cô ấy là Sasha. Cô ấy là người Slav? Anh đã đọc ở đâu đó rằng phụ nữ Slav là người quyết đoán và sắc sảo với phong thái thanh lịch và bí ẩn. Họ có phần khá cứng nhắc và nghiêm khắc, nhưng lại nhạy cảm và hào phóng, đam mê và thích khám phá. Tuy nhiên, điều này không giúp gì nhiều cho việc tìm kiếm cô ấy.
Anh nhìn tất cả những phụ nữ ở độ tuổi nhất định đang đi về hướng Porte de Birague. Nhưng cô ấy cũng có thể đến từ phía Bắc của quảng trường. Anh thấy một người phụ nữ thanh lịch trong bộ đồ màu xanh nước biển và đôi giày cao gót, cắt vuông vức, trông hơi kiểu cách.
Anh nhìn cô chăm chú đến nỗi cô bắt đầu tăng tốc. Một người khác, đội mũ, đeo găng và mặc áo choàng len, băng qua và nhìn anh một cách khinh bỉ hồi lâu khi rời khỏi nhà hàng L’Ambroisie.
Bực bội và sợ bị coi là kẻ biến thái, anh từ bỏ việc tìm kiếm và náu mình sau thực đơn dành cho người sành ăn. Anh ứa nước miếng khi thấy món sò điệp với cải Bruxen cắt nhỏ bọc trong nấm cục trắng, tôm hùm với hạt dẻ và sốt bí ngô, món súp nóng với nhân hạt dẻ cười, rượu anh đào và mứt xoài.
Vị giác của anh bị khuấy động khi đi ngang qua Hotel de Sully, nhưng không còn thời gian để đi dạo qua khu vườn xa hoa và vườn cam nữa. Anh lên kế hoạch. Nếu có nhiều thời gian, anh sẽ mời cô uống trà ở nơi trang nhã này trên quảng trường, sau đó đi dạo một chút trong góc thôn nhỏ từng là nơi sinh sống của vị Bộ trưởng của vị vua tốt bụng Henry. Đây sẽ là cơ hội để họ hiểu nhau hơn. Nếu không thể, là một quý ông, anh sẽ mời Sasha một ly cà phê trước khi cùng cô ấy đến ga tàu điện ngầm gần nhất.
Bây giờ, anh phải đến nhà của Victor Hugo. Tuy nhiên, anh thấy một công trình hình chóp kỳ lạ dựa vào các bức tường ở số 1 quảng trường. Trước cái nhìn ngơ ngác của anh, một quý cô sang trọng nói với anh bằng giọng chắc nịch:
- Tò mò phải không? Tôi chưa bao giờ thấy cái này ngoại trừ ở Pháp!
- Đó là cái gì? Anh hỏi.
Với một nụ cười tinh nghịch, cô trả lời:
- Một pissepala.
- Nó chống nạn đi tè bậy, cô nói thêm.
Sau này, anh mới biết rằng cái đó đã có từ thời Henry IV, được dựng lên để ngăn cản những kẻ bất lương không thể đi vệ sinh dưới chân các ngôi nhà.
Năm phút sau, anh đứng trước cổng bảo tàng Victor Hugo. Trên chuyến tàu đến thủ đô, anh đã tìm hiểu về căn nhà với những bức tranh, chân dung gia đình, thảm trang trí, tranh khắc, những ký ức về những nơi nhà văn đã sống và cả hàng mỹ nghệ Trung Quốc, vì Hugo là người yêu nghệ thuật phương Đông. Ở ngôi nhà này, ông đã tiếp đón rất nhiều người nổi tiếng nhất: Musset, Balzac, Lamartine, Dumas, Nerval…
Chính tại đó, ông đã viết một phần của “Những người khốn khổ”, “Huyền thoại thế kỷ”, “Chiêm ngưỡng” và một số tác phẩm khác. Bảo tàng gợi lại cuộc đời của nhà văn: Trước, trong và sau khi lưu đày, được tái hiện trong bảy căn phòng liên tiếp và cuối cùng là căn phòng nơi ông qua đời. Hướng dẫn viên không quên chỉ chiếc cầu thang bí mật ở cuối phòng làm việc của ông, nơi Hugo đã trốn thoát để gặp gỡ tình nhân, nữ diễn viên Juliette Drouet.
Anh đã có cuộc dạo chơi vui vẻ và không còn gì tiếc nuối. “Hơi thở Paris giữ gìn tâm hồn” như Victor Hugo nói.
Khi Sasha đưa ra lời gợi ý về chuyến thăm này, anh đã cảm thấy thật hấp dẫn. Đúng lúc có cơ hội đến Paris giải quyết một số việc kinh doanh, anh đã không chần chừ. Nhưng có lẽ hai biểu tượng cảm xúc nhỏ cuối cùng không phải là lời mời tham gia cùng cô ấy? Anh có chút thất vọng.
Trước Hôtel de Coulanges, cô nghĩ đến nhà văn chuyên viết thể thư tín yêu thích của mình, Marie de Rabutin Chantal (Marquise de Sévigné), người đã sinh ra ở đó.
Cô nhanh chóng đến số 6. Tim cô đập càng lúc càng nhanh. Cô ở trong trạng thái hồi hộp kỳ lạ, nó tăng lên từng phút giống như ngày công bố kết quả một cuộc thi. Sự lo sợ lan khắp cơ thể. Cô sợ, sợ cái gì, cô không thể nói được. Anh ấy đã đến chưa? Anh ấy đang làm gì, đang nghĩ gì? Cô định nói gì với anh?
Một đám đông mất trật tự chen chúc ở lối vào. Một hướng dẫn viên vẫy chiếc ô có màu cờ Mỹ cố gắng tập hợp nhóm du khách đang bận rộn chụp ảnh hoặc ăn những cây kem khổng lồ. Mặc kệ những lời cảnh báo của hướng dẫn viên, một nhóm học sinh không xếp hàng. Những du khách khác thì chen lấn nhau dưới chân cầu thang.
Anh lùi lại một bước, dựa vào một cây cột, chờ đợi. Anh nhìn thấy cô từ xa. Không biết tại sao nhưng anh chắc chắn người phụ nữ mặc áo choàng, khăn quàng bay trong gió, chiếc túi đung đưa trên vai theo nhịp bước chân quyết đoán, chỉ có thể là Sasha. Khi cô đến gần hơn, anh có cảm giác cô đang quan sát khung cảnh và con người xung quanh và rồi ánh mắt hơi xấu hổ dừng lại trên khuôn mặt một người đàn ông.
Họ chỉ cách nhau vài mét. Cô cảm nhận cái nhìn mang theo ánh cười đang hướng vào mình. Anh đến gần và bằng một giọng ấm áp, nhỏ nhẹ, chậm rãi:
- Nếu cô là Sasha, tôi rất vui khi ở đây.
Cô nhìn anh chằm chằm:
- Tôi là Sasha. Tristan, rất vui khi gặp anh. Tôi đã sợ anh sẽ hỏi tôi một câu hỏi, hoàn thành một trích dẫn nào đó. Anh biết đấy, lâu rồi tôi không học văn.
Và họ phá lên cười. Sau đó, anh chỉ vào đám đông:
- Café Hugo sẽ đóng cửa vào lúc 6 giờ. Tôi muốn mời cô đi uống nước trong lúc đợi những ồn ào này qua đi. Được không? Chúng ta có thể ôn lại kiến thức trong yên tĩnh.
Một tràng cười lại nổ ra, họ đến Café Hugo. Gần đó, Hôtel de Chatillon - được đặt theo tên của một trong những kiến trúc sư của Place Royale, một nghệ sĩ chơi đàn hạc, nghệ sĩ vĩ cầm và nghệ sĩ kèn clarinet trẻ tuổi.
“...Có những người bạn gặp, những người bạn gần như không biết, họ nói một từ, một câu, cho bạn một phút, nửa giờ và thay đổi hướng đi của cuộc đời bạn. Bạn không mong đợi gì từ họ, bạn gần như không biết họ, bạn đi nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, đến điểm hẹn và phát hiện ra rằng họ đã mở một cánh cửa trong bạn, kích hoạt một chiếc dù, bắt đầu chuyển động kỳ diệu như ham muốn, một chuyển động sẽ đưa bạn vượt xa bản thân và làm bạn ngạc nhiên” - Victor Hugo.
Truyện ngắn của Paulette Pairoy-Dupré (Pháp)