Trong một chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nọ, tôi vẫn còn nhớ mãi hai thí sinh đã ngoài 50 tuổi, là hai chị em gái, sống với nhau ở vùng núi cao theo kiểu tự cấp tự túc, gần như ít quan tâm đến cuộc sống của chốn phồn hoa đô hội... Khi được MC chương trình hỏi tại sao hai cô lại lựa chọn cuộc sống như thế, một trong hai cô đã nở nụ cười điềm đạm, cùng câu trả lời thật ấn tượng: “Không sao đâu, bình tĩnh sống!”.
Câu trả lời của cô đơn giản là thế, nhưng cũng đã khiến không ít người phải suy nghĩ về thái độ sống ở đời!
Bình tĩnh sống là một trong những thái độ sống tích cực, cần có ở mỗi người. Đó là sự điềm đạm, giữ cho bản thân luôn ở trạng thái bình thường, tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh. Bình tĩnh sống đối lập với thái độ sống nóng vội, “Được chăng hay chớ”, “Ăn xổi ở thì”...
Bình tĩnh sống cũng không đồng nghĩa với lối sống chậm chạp, ù lì, thờ ơ, vô cảm trước mọi người, mọi việc. Bình tĩnh sống là cả một sự nhất quán, mang tính quá trình, bao gồm: Bình tĩnh trong suy nghĩ; trong nhận diện, quản lý, giải tỏa cảm xúc; trong từng cử chỉ đến lời nói, việc làm.
Con người ta khi sinh ra, chẳng ai có quyền được lựa chọn điểm xuất phát cao hay thấp. Đã thế, bản chất của mọi sự vật, sự việc, hiện tượng lại luôn vận động, biến đổi. Với những số phận cụ thể, trong những giai đoạn, thời khắc khác nhau, con người ta có thể sẽ rơi vào hoặc gặp phải khó khăn, nghịch cảnh, bi kịch… không như mong muốn. Đó vốn là lẽ thường tình! Bởi vậy, chúng ta không nên mất bình tĩnh trước mọi sự thay đổi.
Thái độ sống trong cuộc đời mỗi người rất quan trọng. Là bởi, từ thái độ sống sẽ dẫn đến hành động sống, chất lượng sống, làm nên vị thế, số phận của mỗi người trong cuộc đời. Thái độ sống bình tĩnh cần thiết với mỗi người ở mọi lúc mọi nơi. Và càng trong những tình huống, hoàn cảnh căng thẳng, chỉ có bình tĩnh mới giúp chúng ta đủ tỉnh táo để giải quyết được mọi việc một cách tốt nhất!
Ảnh minh họa. |
Người giữ được thái độ sống bình tĩnh, hẳn sẽ tránh xa được những cám dỗ, lôi kéo, bè phái. Là bởi, người bình tĩnh sống thường có quan điểm, mục đích sống rõ ràng. Họ là người hiểu rõ bản thân hơn ai hết, biết bản thân cần phải làm gì; sẽ không so sánh, hơn thua với ai, không sống theo kiểu “đứng núi này trông núi nọ”. Họ cũng là những người biết cách lắng nghe, biết sống chậm, sống có chiều sâu, có chất lượng.
Người bình tĩnh sống, nếu chưa thực sự tạo nên những thành công rực rỡ, lớn lao thì chí ít, họ cũng là người biết tạo nên giá trị riêng của bản thân, là người có ích trong xã hội.
Càng những người có vai trò, vị thế quan trọng trong xã hội, là người đại diện cho tập thể, cộng đồng, người của công chúng thì càng phải giữ được thái độ sống bình tĩnh. Bởi sự bình tĩnh hay mất bình tĩnh của họ chẳng những ảnh hưởng, có ý nghĩa đối với cá nhân, mà còn tác động, có sức lan tỏa đến cả tập thể, cộng đồng.
Dễ thấy trong những cuộc đàm phán, thuyết phục, sự thành công hay thất bại của cuộc đàm phán phụ thuộc rất lớn vào thái độ bình tĩnh hay mất bình tĩnh của mỗi bên. Ở từng khoảnh khắc trong cuộc sống, nếu giữ được sự bình tĩnh, ta sẽ có được tư duy sáng suốt, quyết đoán chính xác.
Chúng ta đã từng biết đến bao người vượt lên trên nghịch cảnh và thành công nhờ biết chấp nhận thực tế và bình tĩnh sống. Họ có thể là những người bị khiếm khuyết một phần cơ thể từ khi mới lọt lòng nhưng đã trở thành những diễn giả nổi tiếng khắp thế giới. Họ có thể bị tật nguyền từ nhỏ nhưng đã trở thành những thầy giáo, chủ doanh nghiệp mang con chữ và tạo công ăn việc làm cho bao người.
Tôi cũng đã từng gặp nhiều người kém may mắn, đang gặp phải đầy rẫy những khó khăn nhưng họ vẫn bình tĩnh sống, thậm chí sống một cách rất tích cực, lạc quan. Họ chưa phải là những diễn giả, người của công chúng nhưng hình ảnh, nhất là những hành động, việc làm của họ tự thân đã có khả năng truyền cảm hứng, mang thông điệp sống tốt đẹp, ý nghĩa đến nhiều người.
Cũng trong thực tế, chúng ta nhận thấy: Thật khó có được những gì tốt đẹp khi con người ta mất đi sự bình tĩnh. Người mất bình tĩnh trong suy nghĩ dễ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc, phiến diện, dao động theo kiểu “Đẽo cày giữa đường”.
Ông bà ta cũng thường nói: “Giận quá mất khôn” là bởi, người không giữ được bình tĩnh trong cảm xúc thường đưa ra những quyết định nóng vội hoặc có những hành động bột phát, tự phát gây nên hậu quả khó lường. Mất bình tĩnh, nhẹ thì dẫn đến nói những lời thô tục, xúc phạm, khó nghe, gây tổn thương sâu sắc và lâu dài đến tâm lý người khác; nặng thì dẫn đến hành động phá hoại tài sản, gây sát thương, thậm chí là đoạt đi sinh mạng của người khác…
Muốn có được sự bình tĩnh, mỗi người cần có hiểu biết, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về bản chất của cuộc sống, quy luật vận động của tự nhiên và xã hội.
Bên cạnh đó, mỗi người còn phải ý thức thường trực về bản thân, hiểu được tất cả những ưu, nhược điểm của bản thân cũng như mọi yếu tố liên quan trong hoàn cảnh, điều kiện sống của cá nhân mình. Trên cơ sở đó, mỗi người tự xác định rõ quan điểm, mục tiêu sống của bản thân sao cho phù hợp, hài hòa với tất cả các yếu tố chủ quan và khách quan. Bên cạnh sự hiểu biết thì còn phải kiên trì rèn luyện, thực hành để bình tĩnh sống, dần trở thành thói quen, phẩm chất ổn định trong cá nhân mỗi người.
Cuộc đời rất ngắn, may mắn lại càng hiếm hoi. Bởi vậy, không phải ai cũng có đủ thời gian và cơ hội để làm lại cuộc đời. Chỉ có bình tĩnh sống, ta mới có thể tạo nên những bước đi vững chắc và ý nghĩa trong đời. Đừng để bản thân vì một phút giây mất bình tĩnh mà gây ra những hậu quả, hệ lụy đáng tiếc!