Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Học sinh hứng thú

Theo thời gian, nhịp Chiêng Ba dần bị mai một. Để lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba, nhiều lớp học đánh chiêng đã được chính quyền huyện Ba Tơ tổ chức ngay tại trường.

Vào giờ học văn hóa truyền thống ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Ba Giang các học sinh chăm chú quan sát theo từng nhịp chiêng của nghệ nhân.

Tiếng Chiêng Ba hòa âm cùng làn điệu dân ca ngân vang khắp trường, mang đến không khí vui tươi, hào hứng cho giáo viên, học sinh và cả những nghệ nhân tâm huyết với văn hóa truyền thống của người Hrê.

Lần đầu tiên được học cồng chiêng ngay tại trường, em Phạm Quốc Anh - học sinh lớp 6 bày tỏ sự thích thú khi được các nghệ nhân hướng dẫn cách đánh một bài chiêng.

Quốc Anh cho rằng, để thể hiện được linh hồn của bài chiêng thì bản thân em cần thuộc thật nhuần nhuyễn từng nhịp và nắm được tinh thần buổi diễn rồi từ đó mới phối hợp nhịp nhàng với chiêng khác.

Theo em Phạm Văn Sen, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình là điều thế hệ sau này cần phải làm. Ý thức được điều đó, Sen và các bạn trong lớp cố gắng lắng nghe và ghi nhớ những chia sẻ của nghệ nhân để hiểu hơn về văn hoá truyền thống người Hrê.

Học sinh hào hứng với những làn điệu dân ca của người Hrê.

Học sinh hào hứng với những làn điệu dân ca của người Hrê.

Thầy Đào Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Ba Giang chia sẻ, hầu hết học sinh tại trường đều là người Hrê nên việc phát huy bản sắc văn hóa địa phương rất được nhà trường chú trọng.

Qua các buổi hoạt động ngoại khóa trường tích cực lồng ghép, tạo cơ hội để các em giao lưu, trải nghiệm và tiếp thu văn hoá truyền thống. Từ đó, khơi dậy tình yêu văn hóa dân gian của dân tộc mình.

Cũng theo thầy Thành, việc đưa cồng chiêng, hát dân ca vào truyền dạy đã giúp thế hệ trẻ quan tâm hơn đến văn hóa, nghệ thuật truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Với những giá trị tiêu biểu về đời sống văn hoá tâm linh, nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba của người Hrê được Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia hồi tháng 2/2021. Với người Hrê, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ, mà còn mang yếu tố tâm linh và nét đẹp truyền thống đồng hành cùng dòng chảy của lịch sử.

Anh Phạm Văn Sây hướng dẫn cho học sinh đành chiêng.

Anh Phạm Văn Sây hướng dẫn cho học sinh đành chiêng.

Những người đi truyền cảm hứng

Nói về những người có công góp sức truyền bá và phát triển văn hoá người Hrê trong nhiều năm qua ở đất Ba Tơ phải kể đến Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sây, 41 tuổi người xã Ba Thành.

Anh Sây được biết đến là người am hiểu về chiêng và chơi chiêng điêu luyện. Suốt nhiều năm qua anh luôn là người luôn tích cực nhất trong những buổi diễn, mang văn hoá người Hrê giới thiệu với bạn bè gần xa. Cùng quãng thời gian miệt mài truyền dạy kiến thức về chiêng cho thế hệ trẻ.

Không chỉ có tấm lòng sự nhiệt thành mà anh Sây còn nổi tiếng với những làn điệu dân ca ta lêu, ca choi cùng nhiều lần đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan. Đặc biệt, anh còn sử dụng thành thạo một số nhạc cụ tre, nứa, trong đó có chiêng tre của người Hrê.

Theo anh Sây, là đàn ông Hrê nhất thiết phải biết đánh chiêng, hiểu biết về chiêng. Chiêng Ba là sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, làng xóm với nhau. Trong mỗi nhịp chiêng luôn hàm chứa sức mạnh, niềm tin của con người với đấng siêu nhiên, niềm tin vào cộng đồng, vào cuộc sống để từ đó có thêm hy vọng về một ngày mai tươi đẹp hơn.

Thời gian gần đây, huyện Ba Tơ mở nhiều lớp dạy về các nhạc cụ của người Hrê nên những nghệ nhân như anh Sây có có hội được truyền dạy và khơi dậy niềm đam mê cho thế hệ sau.

"Điều quan trọng nhất là phải làm cho người học say chiêng, thực sự đam mê chiêng. Bản thân mình phải hướng dẫn làm sao để các em cảm nhận được hồn chiêng. Và hơn hết, rất vui vì có những cơ hội như thế này để được truyền dạy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào Hrê cho các em", anh Sây chia sẻ.

Nhạc sĩ Phạm Minh Đát truyền dạy hát Ta Têu, hát Ca Chôi của đồng bào Hrê.

Nhạc sĩ Phạm Minh Đát truyền dạy hát Ta Têu, hát Ca Chôi của đồng bào Hrê.

Ngoài các lớp đánh Chiêng Ba, học sinh huyện Ba Tơ còn được nhạc sĩ Phạm Minh Đát - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh trực tiếp hướng dẫn hát các làn điệu dân ca như ta lêu, ca choi.

Theo nhạc sĩ Phạm Minh Đát, sự tập trung và say mê của các em trong những buổi học làm những thế hệ người Hrê đi trước như ông cảm thấy rất vui và tự hào. Ông mong rằng, thế hệ trẻ luôn yêu quý và gìn giữ nét văn hoá truyền thống đặc sắc này.

Ông Lê Cao Đỉnh, Phó Trưởng phòng VH&TT huyện Ba Tơ chia sẻ, việc đưa các nội dung giáo dục văn hóa truyền thống của dân tộc vào trường học giúp các em học sinh lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, qua đó giúp các em bồi dưỡng nhân cách sống, có trách nhiệm với gia đình, quê hương, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của dân tộc.

Trong năm nay, huyện Ba Tơ tiếp tục có những lớp truyền dạy đánh chiêng ba và nghệ thuật trình diễn chiêng ba, hát ta lêu, ca choi cho học sinh và cán bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.