Truyền cảm hứng yêu người…

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Luôn nở những nụ cười trên môi, nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân cùng ân cần nhắc nhớ lại bao kỷ niệm xúc động về ngày đầu các ông đến với âm nhạc.

Đại biểu Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều và lãnh đạo các phòng ban UBND quận Long Biên chúc mừng nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân. Ảnh: NTCC
Đại biểu Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều và lãnh đạo các phòng ban UBND quận Long Biên chúc mừng nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân. Ảnh: NTCC

Không chỉ được biểu diễn tri ân mà thầy và trò Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) còn được nghe nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân hát những ca khúc vừa sáng tác, dành tặng ngôi trường mang tên người anh hùng…

Chương trình “Giao lưu âm nhạc gặp gỡ nhạc sĩ của tuổi thơ” diễn ra ngay trước khi năm học 2022 - 2023 khép lại để đón Tết Thiếu nhi 1/6, mùa Hè rực nắng.

Dù thời gian vẫn không ngừng trôi nhưng những cảm xúc và ấn tượng từ các câu chuyện truyền cảm hứng yêu người, yêu nghề của nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân vẫn ăm ắp trong tâm trí thầy trò nơi đây…

Ai cũng có thể viết ca khúc

Nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân trong buổi giao lưu.

Nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân trong buổi giao lưu.

“Hoạt động trải nghiệm gặp gỡ, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng là niềm mong muốn bấy lâu của nhà trường. Cũng vì, có thể các em được học tác phẩm của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng nhưng cơ hội tiếp xúc trực tiếp rất khó. Theo tôi, nếu có điều kiện, các trường học nên nhân rộng hoạt động trải nghiệm ngoại khóa rất thiết thực này. Vì, nếu cứ nói suông và rao giảng bằng lý thuyết sẽ rất khó tiếp nhận nhưng khi có một nhân vật, nhân chứng đến chia sẻ, nói chuyện thì học sinh dễ hiểu và tiếp thu nhanh hơn”. Cô giáo Hứa Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều, quận Long Biên, Hà Nội

“Thưa nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân, từ nhỏ các ông đã biết sáng tác ca khúc để sau này trở thành nhạc sĩ. Vậy, liệu chúng cháu - những đứa trẻ chưa biết đàn, biết hát - cũng có thể nuôi ước mơ với âm nhạc được không?”.

Đó là một trong rất nhiều câu hỏi thơ ngây nhưng dí dỏm, đáng yêu và cũng rất thực tế mà các em học sinh Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều muốn được nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân giải đáp tại buổi giao lưu.

Cười vang mà thật hiền, cả hai nhạc sĩ đều đáp lại rằng: “Nếu các cháu yêu âm nhạc và chăm chỉ học tập thì đều có thể trở thành nhạc sĩ cũng như vươn tới ước mơ. Các cháu vẫn thấy đấy, có người chỉ là bác nông dân mà vẫn có thể viết những ca khúc được công chúng đón nhận”.

Rồi thì, có bạn còn kể ra những bài hát đi cùng năm tháng của 2 nhạc sĩ như: “Đi học về”, “Thật là hay”, “Vì sao con mèo rửa mặt”, “Bác Hồ - Người cho em tất cả”, “Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác”… và thắc mắc: “Các nhạc sĩ có bí quyết gì để viết được bài hát hay và có sức sống qua bao thời kỳ, thế hệ bố mẹ chúng cháu cũng thuộc và giờ đây chúng cháu cũng được hát?”.

Nhân dịp này, các thầy, cô giáo cũng tích cực tranh thủ “khai thác” chuyện đời, chuyện nghề của hai nhạc sĩ. Có khi là những quan tâm về quá trình đến với âm nhạc cũng như thành tựu mà các nhạc sĩ đã gặt hái được trong suốt mấy thập kỷ qua…

Hoặc như có giáo viên còn tìm hiểu sâu về hoàn cảnh sáng tác của các ca khúc được dạy trong chương trình giáo dục phổ thông... Cũng có khi là câu hỏi về đời tư rất dí dỏm: “Là người gắn bó cả cuộc đời với âm nhạc vậy phu nhân của nhạc sĩ có phải là ca sĩ, nhạc sĩ hay những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật không?”…

Luôn nở những nụ cười trên môi, nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân cùng ân cần nhắc nhớ lại bao kỷ niệm xúc động về ngày đầu các ông đến với âm nhạc. Đó là khi anh em song sinh này còn ngồi trên ghế nhà trường cùng có niềm đam mê với những giai điệu của: Đồ, Rê, Mi, Fa, Son… để rồi cùng tập tành viết nên những tác phẩm đầu tay dành cho chính tuổi thơ của mình.

Con đường âm nhạc ấy đã theo suốt cuộc đời cặp nhạc sĩ nổi tiếng - có lẽ là hiếm trên thế giới. Đến thời điểm này tuy tuổi cao nhưng các ông vẫn nhiệt huyết, tham gia viết sách, đi thực tế để có những đề tài mới sáng tác cho thiếu nhi.

Câu hỏi nào cũng được hai nhạc sĩ tận tình chia sẻ vừa cụ thể chính xác vừa hài hước, đáng yêu. Và, đan xen vào mỗi câu chuyện được kể là những màn múa hát của các em học sinh.

Không chỉ là những tiết mục được dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu, học sinh toàn trường còn cùng hòa ca một số bài hát của nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân mà các em được học như “Thật là hay”, “Ngày mùa vui”... Hơn 1.200 búp măng non đeo nơ giơ cao tay vỗ nhịp đã đem lại cho hai nhạc sĩ biết bao niềm xúc động.

Đáp lại tình cảm trân trọng và yêu mến ấy, hai nhạc sĩ đã tặng món quà đặc biệt đến các thầy cô, học sinh Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều. Đó là ca khúc “Ngôi trường thân yêu Vũ Xuân Thiều” của nhạc sĩ Hoàng Long với ca từ phơi phới niềm tự hào: “Trường em đây mang tên Vũ Xuân Thiều. Anh hùng phi công dũng cảm hy sinh. Noi gương anh chúng em gắng công học hành. Mai sau lớn lên xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam…”.

Với ca khúc “Khúc ca người anh hùng”, nhạc sĩ Hoàng Lân viết những lời ca truyền cảm, tha thiết: “Vũ Xuân Thiều người anh hùng phi công. Đã hy sinh vì quê hương đất nước. Trên trời xanh, bóng anh cao lồng lộng. Nghe chuyện anh, chúng em bao xúc động. Chiến công anh vang dội núi sông, cho đời mãi tươi xanh…”.

Đặc biệt và xúc động hơn nữa khi hai nhạc sĩ còn trực tiếp trình bày ca khúc của mình bằng giọng hát vẫn vang, khỏe và ấm áp. Cũng bởi thế, trong suốt chiều Hè, không gian Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều ăm ắp tiếng hát, cười vui râm ran; tiếng chuyện trò gần gũi, thân thương, lắng đọng… của thầy cô, học trò cùng với hai nhạc sĩ đã ở tuổi xưa nay hiếm - tuổi 82.

Theo cô giáo Hứa Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều, từ cơ duyên sinh hoạt tại Hội Âm nhạc Hà Nội nên cô biết đến nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân. Khi cô bày tỏ mong muốn tổ chức buổi giao lưu, hai nhạc sĩ rất ủng hộ.

Dịp này, cô còn gọi điện cho anh trai của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều - ông Vũ Nhật Thăng và gửi ca khúc mà hai nhạc sĩ viết tặng tới gia đình. Tới đây, cô dự định sẽ cho phối lại và thu âm để đưa vào danh mục các bài hát thường xuyên của trường.

“Nhạc sĩ xúc động trước rừng cánh tay đeo nơ vỗ vang nhịp ca khúc bao thế hệ thuộc nằm lòng. Học sinh và thầy cô xúc động khi được trực tiếp gặp gỡ (có khi là lần đầu tiên), nghe hai nhạc sĩ trò chuyện và cất tiếng hát.

Dù đã ngoài tuổi 80 nhưng hai nhạc sĩ đều minh mẫn, đem đến cho chúng tôi ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ai cũng thán phục vì không thể nghĩ dù tuổi đã cao mà hai ông vẫn nhiệt huyết truyền lửa như thế. Và cũng thật khó có lời nào diễn tả được hết cảm xúc của buổi gặp gỡ, giao lưu cảm động ấy…”, cô giáo Hứa Thị Thu Huyền chia sẻ.

Tiếp lửa nghệ thuật

Nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân trò chuyện thân tình, gần gũi. Ảnh: NTCC

Nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân trò chuyện thân tình, gần gũi. Ảnh: NTCC

“Hai bài hát nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân viết tặng rất hay, ý nghĩa, gần gũi được các thầy cô cùng các bạn rất yêu thích. Từ hai ca khúc mới này, các nhạc sĩ giúp chúng em hiểu thêm về lịch sử trường; thêm yêu trường, yêu lớp và thầy cô, bạn bè. Em mong nhà trường tổ chức thêm nhiều buổi giao lưu với các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác. Vì qua các buổi giao lưu, chúng em được mở rộng kiến thức, tạo hứng thú học tập và yêu môn học hơn”. Phạm Vũ Phi Yến - học sinh lớp 5A4 Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều

Lòng trào dâng niềm vui và tự hào khi được gặp gỡ, giao lưu với hai nhạc sĩ của tuổi thơ - Hoàng Long và Hoàng Lân - là cảm xúc chung của thầy và trò Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều. Cùng với đó, ai ai cũng thấy gần gũi, thân thiện khi được nghe những chia sẻ trực tiếp từ hai nhạc sĩ về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của mình.

Cô Đỗ Bích Lan còn đặc biệt ấn tượng bài hát “Đi học về” được nhạc sĩ Hoàng Lân viết cách đây hơn 60 năm. Theo cô Bích Lan, chỉ với 31 nốt nhạc, 31 chữ của ca từ, bài hát gợi lên trước mắt mỗi người hình ảnh trường học xa xa, nơi em bé mới từ đấy trở về cùng một ứng xử lễ phép vừa học được, đi “thưa” về “trình”. Chỉ ngần ấy chữ, ngần ấy nốt, nhưng có kể, có thoại, để hình tượng âm nhạc đăng đối, cân xứng, giữa lịch sự giao tiếp với ấm áp gia đình.

“Đạt được sự sâu sắc, lại đơn giản dễ hát, bài hát “Đi học về” lan tỏa rất xa. Nhạc sĩ Hoàng Lân kể, một lần sang thăm nước Đức, trong một trường học, ông được nghe học sinh hát tiếng Đức bài “Đi học về””, cô Bích Lan nói.

Với Phạm Vũ Phi Yến (học sinh lớp 5A4), cô học trò này nhớ nhất về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân cũng như vô cùng cảm phục khi được biết các ông đã đam mê âm nhạc và tự học sáng tác ca khúc từ thuở thiếu niên.

“Thường ngày chỉ thấy qua hình ảnh hai nhạc sĩ trong sách và Internet nên chúng em rất vui mừng, hào hứng khi lần đầu được gặp các ông. Qua buổi giao lưu, em càng thêm yêu mến hai nhạc sĩ vì các ông rất gần gũi, thân thiết. Hai ông đã hát và kể chuyện cho chúng em nghe về những bài hát hay, dễ thuộc, dễ nhớ như bài: “Chúng em cần hòa bình”, “Đi học về”...”, Phi Yến cho biết.

Nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân chụp hình kỷ niệm cùng thầy trò Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều. Ảnh: NTCC

Nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân chụp hình kỷ niệm cùng thầy trò Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều. Ảnh: NTCC

Đón nhận các ca khúc vừa mới được nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân tặng, thầy và trò Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều bày tỏ niềm yêu thích vì hai bài hát có giai điệu hay, lời ca đẹp, gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ. Chẳng những thế, đây còn là món quà vô cùng bất ngờ.

Như các nhạc sĩ chia sẻ, hai ông đã không ai bảo ai mà sáng tác độc lập. Ngay khi nhạc sĩ Hoàng Long điện thoại khoe thì nhạc sĩ Hoàng Lân liền nối tiếp. Cả hai bài hát được hoàn thành chỉ sau khoảng hai tiếng và bí mật đến tận lúc các ông giao lưu, trò chuyện.

Một buổi gặp gỡ, giao lưu với những cây đại thụ của nền âm nhạc thiếu nhi Việt Nam ở Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều như nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân vừa ý nghĩa vừa đong đầy cảm xúc biết ơn cùng lòng tự hào. Chương trình giao lưu giúp các em học sinh thêm yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước và có thêm động lực để cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành người có ích.

“Những hoạt động giao lưu như vậy thực sự rất ý nghĩa với thầy và trò nhà trường. Qua hoạt động này, thầy trò có thêm hiểu biết về thân thế, sự nghiệp, ý chí nghị lực của các nhạc sĩ nổi tiếng. Tôi mong muốn nhà trường có thể tổ chức nhiều hơn nữa các buổi giao lưu như thế này để chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và bày tỏ lòng tri ân”, cô giáo Nguyễn Thị Mai Liên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ