Truy trách nhiệm 5 Bộ nợ 10 nghị định

GD&TĐ - Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra, làm rõ nguyên nhân dẫn tới chậm trễ trong việc xây dựng 10 nghị định, với tinh thần “không thể để Chính phủ nợ đọng văn bản”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: "Nếu vướng mắc tại VPCP, cứ thông tin ngay cho tôi". - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: "Nếu vướng mắc tại VPCP, cứ thông tin ngay cho tôi". - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Như tin đã đưa, ngày 24/3, theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tình hình xây dựng các văn bản chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của 11 bộ, cơ quan.

Tại buổi kiểm tra, đại diện các bộ, cơ quan đã giải trình, làm rõ về nguyên nhân dẫn tới chậm trễ trong việc trình 10 nghị định đã quá hạn. Đồng thời báo cáo tiến độ và nêu các vướng mắc trong quá trình xây dựng 10 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải ban hành trước 15/5 để kịp có hiệu lực thi hành từ 1/7.

Trong số 10 nghị định nợ đọng, qua kiểm tra, chỉ có 1 nghị định do Bộ Tài chính xây dựng là có nguyên nhân chính đáng (phải chờ ý kiến Trung ương về các vấn đề liên quan). Còn lại, Bộ Tài chính có trách nhiệm trong nợ đọng 5 nghị định, các Bộ: NN&PTNT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông đều nợ đọng 1 nghị định.

Làm rõ trách nhiệm từng nơi

Trong số này, có những nghị định đã chậm tới gần 7 tháng như Nghị định quy định chính sách đặc thù về giống, vốn, công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu, phải trình từ tháng 1/10/2016. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ việc chậm trễ là trách nhiệm của cơ quan chủ trì khi sát thời gian phải trình mới thành lập ban soạn thảo.

Giải trình, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết đây là những nội dung rất mới, có những vấn đề rất phức tạp nên có nhiều khó khăn trong xây dựng. Bộ cam kết sẽ trình Chính phủ dự thảo cuối vào ngày 28/3.

Về Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược, đại diện Bộ Y tế cho biết đây là Nghị định “có nhiều kỷ lục”, như gồm 145 điều với trên 100 biểu mẫu, 30 thủ tục hành chính; được xây dựng trên cơ sở 57 thông tư; lại liên quan tới nhiều vấn đề thương mại quốc tế rất phức tạp như quyền nhập khẩu, phân phối thuốc của các doanh nghiệp… nên đòi hỏi phải rất thận trọng. Hiện các cơ quan đang rà soát lại lần cuối và sẽ trình Chính phủ ban hành trong tháng 3 này.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ một nguyên nhân chậm trễ là do VPCP, khi dự thảo nằm tại VPCP quá lâu, Bộ trình từ 22/12/2016 nhưng tới 1 tháng sau VPCP mới xin ý kiến các thành viên Chính phủ. “Vụ Khoa giáo Văn xã phải rút kinh nghiệm việc này”, Bộ trưởng yêu cầu.

Với các văn bản khác, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đề nghị thời hạn hoàn thành cụ thể, như dự thảo Nghị định quy định chính sách về tiếp cận nguồn gen dược liệu (Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì) phải xong trước 10/4.

Hai Nghị định về cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù với Hà Nội và TPHCM; Nghị định quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm cần hoàn thành trong tháng 3. Còn Nghị định về quản lý, sử dụng ngân sách với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại phải trình vào đầu tháng 4 tới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cố gắng trình Thủ tướng ký ban hành Nghị định quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong tháng 3.

Về Quyết định của Thủ tướng ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia (do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng), đại diện Vụ Khoa giáo Văn xã (VPCP) cho biết sang đầu tuần tới lãnh đạo VPCP sẽ làm việc với Bộ này để xử lý các vướng mắc.

Đại diện các bộ phát biểu tại cuộc kiểm tra. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đại diện các bộ phát biểu tại cuộc kiểm tra. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

"Vướng tại VPCP, cứ thông tin ngay cho tôi"

Đối với 11 văn bản có hiệu lực từ 1/7, qua kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao Bộ GTVT đã rất chủ động trong xây dựng 4 Nghị định hướng dẫn Bộ luật Hàng hải, có thể ban hành kịp thời hạn 15/5. Các văn bản do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước xây dựng cũng có thể kịp thời hạn. 

Tuy nhiên, 3 dự thảo gồm Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản (Bộ Tư pháp); Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị (Bộ Công an) và Nghị định quy định điều kiện kinh doanh ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô (Bộ Công Thương) hoàn toàn có thể bị chậm trễ, cần hết sức lưu ý. Trong đó, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thẩm định các văn bản cần gương mẫu.

Về vấn đề rất được dư luận quan tâm là dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô, đại diện Bộ Công Thương cho biết vấn đề này ảnh hưởng tới rất nhiều đối tượng nên cần thận trọng. Đồng thời, hiện có một vướng mắc là quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải do Bộ Giao thông vận tải quy định.

Qua trao đổi, Tổ trưởng Tổ công tác đồng ý với quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Nghị định này, bao gồm cả phần quy định về bảo hành, bảo dưỡng đối với các cơ sở lắp ráp, sản xuất, nhập khẩu ô tô.

Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng có những văn bản chậm tới 15 tháng “là không thể chấp nhận được”. Các Bộ cần hết sức tập trung khắc phục tình trạng này, với tinh thần “không thể để Chính phủ nợ đọng văn bản”.

Bộ trưởng cam kết VPCP sẽ hết sức đổi mới, phối hợp chặt chẽ với các bộ trong xây dựng thể chế. “Nếu các bộ mời, VPCP sẽ cử cán bộ tham gia ban soạn thảo, nếu không mời, VPCP cũng sẽ cử cán bộ xuống làm việc trong quá trình xây dựng Nghị định. Đây là nhiệm vụ của các vụ thuộc VPCP”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng đề nghị báo chí đăng tải công khai nội dung buổi kiểm tra. Tổ công tác của Thủ tướng sẽ báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ, với tinh thần “không thể để Chính phủ nợ đọng văn bản”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, với các vấn đề còn các ý kiến khác nhau thì “không gì bằng việc VPCP chủ trì, mời các bộ ngành ngồi lại, bàn bạc đi tới thống nhất, trực tiếp sửa vào văn bản và về đưa lại cho Bộ trưởng chủ trì ký nháy, rồi trình Chính phủ ban hành. Còn nếu lại gửi xin ý kiến qua công văn thì không xử lý được”.

“Còn nếu lại gửi xin ý kiến qua công văn thì không xử lý được. Hôm qua, tôi vừa chủ trì xử lý một vướng mắc về thuế, vấn đề 2 năm không xong nhưng các bộ ngồi lại thì chỉ 1 tiếng là xong. Tinh thần của Thủ tướng là không bưng bít thông tin, công khai toàn bộ. Trong quá trình làm việc, có gì vướng mắc tại VPCP, các đồng chí thông tin trực tiếp cho tôi, không cần gọi điện, chỉ cần nhắn tin, tôi sẽ xử lý ngay”, Bộ trưởng nêu rõ.

Theo baochinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ