Ngày 28/8, thông tin từ Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), bệnh nhân L.T.T (24 tuổi, ngụ TPHCM) bị cây cơ bida đâm xuyên hạ bộ, từ vùng bìu lên sát vùng gốc trái dương vật do ngã khi đang sửa điện.
Khai thác bệnh sử, trước nhập viện 2 giờ, khi đứng trên ghế cao để sửa điện trong một quán bi da, bệnh nhân T. trượt chân ngã trúng giá để cây bi da và bị một cây cơ bida đâm vào vùng sinh dục.
Theo đó, cây cơ bida đâm xuyên hạ bộ bệnh nhân T. là loại bao gồm 2 đoạn gắn lại với nhau thành cây dài. Nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân trên xe cứu thương cùng đoạn cơ dài khoảng 80 cm, đoạn xuyên bìu khoảng 20 cm.
BS.CKII Đặng Quang Tuấn – Phó Trưởng khoa Nam học – Bệnh viện Bình Dân, cho biết, qua thăm khám lâm sàng, bệnh nhân T. có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Ca phẫu thuật diễn ra khoảng 65 phút. Các bác sĩ phải bóc lộ từng phần tổn thương và thám sát, kiểm tra vùng bìu - tinh hoàn - dương vật; tiến hành cầm máu, cắt lọc mô dập do cây cơ bida đâm xuyên vùng kín.
“Cây cơ bida không xuyên rách các mạch máu lớn vùng hạ bộ; không có tổn thương thừng tinh và dương vật. Bệnh nhân T. được tái tạo vùng bìu, khâu vết rách vùng bẹn - bìu dài khoảng 10 cm, hướng lên gốc bên trái của dương vật”, BS Tuấn cho hay.
Sau phẫu thuật, người bệnh đáp ứng tốt với điều trị. Hiện, vết thương lành nhanh, các chức năng về sinh lý, tình dục vẫn đảm bảo sau khi vết thương lành hẳn, bệnh nhân T. xuất viện sau ngày hậu phẫu thứ 6.
Liên quan đến trường hợp này, ThS.BS Trần Đoàn Thiên Quốc – Bệnh viện Bình Dân, đánh giá, đầu cơ bi da có tiết diện tù, đường kính khoảng 12 cm. Tuy nhiên, bệnh nhân T. bị xuyên thủng vùng da bẹn - bìu cú trượt chân ngã tự do từ độ cao khoảng 5-6 m, trúng nơi để cơ bida đang chống lên, gây nên vết thương vùng kín rất hiếm gặp này.
Ngoài ra, BS Quốc lưu ý, khi có vết thương bị đâm xuyên, không tự ý rút dị vật ra khỏi vùng tổn thương. Nếu dị vật xuyên phải mạch máu lớn, rút ra có thể khiến vùng tổn thương mất đi lực đè ép sẽ xảy ra chảy máu ồ ạt dẫn đến sốc mất máu, bệnh nhân có thể tử vong.
“Động tác rút dị vật ra khỏi cơ thể bệnh nhân khi không được kiểm soát tốt có thể làm trầm trọng thêm các tổn thương hoặc khiến bệnh nhân đau đớn. Các vết thương này chỉ nên xử lý trong phòng phẫu thuật, sau khi được gây mê, do các bác sĩ có chuyên môn thực hiện thám sát, khống chế, kiểm soát các tổn thương”, BS Quốc khuyến cáo.