Trường xây hơn 16 tỷ đồng ở Hà Tĩnh nhưng 11 năm không có học sinh

GD&TĐ - Xây từ năm 2013 với tổng vốn đầu tư 16,2 tỷ đồng, nhưng Trường THCS Quang Thọ (Vũ Quang, Hà Tĩnh) chưa một lần mở cửa đón học sinh.

Trường THCS Hương Quang chưa lần nào mở cửa đón học sinh. Ảnh: T.H
Trường THCS Hương Quang chưa lần nào mở cửa đón học sinh. Ảnh: T.H

Trường tiền tỷ xây xong không sử dụng

Thực hiện chủ trương di dời tái định cư cho người dân vùng lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Vũ Quang, Hà Tĩnh), năm 2011, Dự án Trường THCS Hương Quang tại xã Hương Quang (nay là xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang) đã được cấp kinh phí đầu tư xây dựng với số tiền 16,2 tỷ đồng.

Công trình nhằm phục vụ học tập cho con em của hàng trăm hộ dân trong vùng dự án khi di dời về Khu tái định cư Hói Trung sinh sống.

Trường được xây dựng khang trang với diện tích hơn 1ha, gồm 3 dãy nhà cao tầng, nhà ở công vụ, nhà xe, cổng, khuôn viên, tường rào, đường nội bộ… nằm ngay tại trung tâm xã Hương Quang.

Năm 2013, khi người dân Hương Quang thực hiện di dời tái định cư cũng là lúc công trình này hoàn thành và bàn giao để phục vụ dạy và học cho con em của xã. Nhưng đến nay đã 11 năm trôi qua, ngôi trường này chưa một lần đón học sinh, nên đành nằm phơi mưa nắng, bỏ hoang.

Theo ghi nhận, dù chưa một lần sử dụng, nhưng qua nhiều năm khuôn viên bị rêu phủ đầy, nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp. Phần kính cửa chính đến cửa sổ đã bị rạn vỡ, nền gạch bị nứt nẻ bong tróc; nhiều phòng học, nhà hiệu bộ, thiết bị vệ sinh, các bàn ghế, trống, bảng… cũng chung tình cảnh hư hỏng.

Anh Lê Viết Kiên (SN 1982, xã Quang Thọ) cho biết, trước đây, thỉnh thoảng có người vào ra trông coi, nhưng 5 năm trở lại đây, ngôi trường trên đóng cửa im lìm. Khuôn viên của trường rộng và hầu như được lát bằng bê tông hết nên người dân cũng không biết tận dụng để làm gì.

“Hàng ngày, các cháu bậc THCS tại Khu tái định cư Hói Trung phải đi 7 - 8km đến trường học, trong khi ngôi trường bên cạnh thì xây xong không hoạt động, rất lãng phí”, anh Kiên nói.

Anh Nguyễn Đình Quyết (xã Quang Thọ) cho hay, trong khi đời sống người dân ở vùng tái định cư còn rất khó khăn thì việc hệ thống cơ sở hạ tầng trường được xây dựng quy mô khang trang, hiện đại nhưng lại bị bỏ hoang là quá lãng phí và thiếu tầm nhìn quy hoạch của cơ quan chức năng.

ha tinh truong hon 16 ty dong 11 nam khong co hoc sinh (2).jpg
Những dãy nhà kiên cố nhiều năm không có người sử dụng đã dần xuống cấp. (Ảnh: T.H)

Không có phương án sử dụng

Ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết, khi xây dựng, trường dự tính phục vụ con em của 518 hộ dân tái định cư. Nhưng trong quá trình triển khai dự án thì tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương cho di dân tự do. Vì đó, giờ chỉ còn được 198 hộ dân về Khu tái định cư Hói Trung.

Điều này không đúng như dự tính quy mô xây dựng ban đầu, dẫn đến số lượng học sinh giảm sút. Cũng vào thời điểm đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh có đề án nhập trường trong toàn tỉnh. Số học sinh cấp 2 và cấp 3 của xã Hương Quang phải theo học ở xã Hương Thọ (nay là xã Quang Thọ, cách Khu tái định cư Hói Trung khoảng 8km) và một số chuyển lên trường nội trú ở huyện Hương Khê.

ha tinh truong hon 16 ty dong 11 nam khong co hoc sinh (3).jpg
Nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: T.H

“Khi đang triển khai dự án, địa phương cũng đã đề xuất cắt giảm bớt quy mô, tòa nhà từ 3 tầng xuống còn 2 tầng. Kinh tế xã thì đang còn khó khăn, nếu dôi dư nhu cầu dùng không có, bán cũng không ai mua, để lại bảo quản không xuể, trong khi công trình theo thời gian xuống cấp, hư hỏng nặng, rất lãng phí”, đại diện chính quyền địa phương nói.

Từ khi Trường THCS xã Hương Quang được hoàn thành và bàn giao đến nay luôn khiến chính quyền địa phương đau đầu trong việc quản lý, sử dụng. Dù trường nằm ở khu vực trung tâm của xã Hương Quang, nhưng do nhu cầu sử dụng không có, còn bán thì không ai mua, để lại thì bảo quản rất khó khăn.

Trước khi chưa sáp nhập 2 xã Hương Quang và xã Hương Thọ thành xã Quang Thọ, ngành chức năng từng tính đến phương án đưa trụ sở UBND xã Hương Quang vào trong trường.

Phương án này không được thông qua vì không thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Hơn nữa, nếu đưa trụ sở UBND xã Hương Quang đến trường thì sẽ gây nên tình trạng dư thừa trụ sở công sở (có sẵn) và phải tốn thêm kinh phí để sửa chữa lại cho phù hợp văn phòng làm việc.

“Để giảm bớt lãng phí, thời gian trước, UBND xã Hương Quang đã cho một đơn vị chức năng mượn nhà hiệu bộ, cho giáo viên trường tiểu học gần đó đến một số phòng của khu nhà nội trú ở tạm. Nhưng sau khi sáp nhập xã, trụ sở UBND xã Quang Thọ lại đóng ở UBND xã Hương Thọ cũ nên trong đó hoàn toàn không có ai sử dụng. Đến giờ, xã cũng không có cách nào giải quyết hữu hiệu. Ở vùng xa xôi này, chẳng có cơ quan, doanh nghiệp nào thuê mượn công trình trên. Địa phương đã nhiều lần báo cáo lên huyện xin ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa có chỉ đạo mới”, ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Quang Thọ (Vũ Quang, Hà Tĩnh) nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ