Trường vùng khó ở Thanh Hóa xoay xở kiếm đủ sách cho học trò

GD&TĐ - Vài năm trở lại đây, học sinh nhiều huyện vùng khó ở Thanh Hóa không còn được hỗ trợ sách giáo khoa (SGK) như trước.

Thầy Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) và học sinh trong giờ đọc sách ở thư viện nhà trường.
Thầy Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) và học sinh trong giờ đọc sách ở thư viện nhà trường.

Bằng nhiều nguồn lực và tâm huyết, các thầy, cô giáo đã giúp học sinh có đủ SGK để học tập.

Trăm dâu đổ đầu... nhà trường!

Giữa tháng 8 vừa qua, trong chuyến công tác lên miền núi, chúng tôi gặp thầy Trịnh Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường THCS Giao Thiện, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa). Thầy Việt mong muốn được phóng viên kêu gọi xin SGK cũ giúp để nhà trường dành tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Việt cho biết, từ khi Quyết định 861/TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 4/6/2021) có hiệu lực, xã Giao Thiện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn nên học sinh không còn được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước như trước. Do đó, cứ vào năm học mới, SGK và đồ dùng học tập lại trở thành vấn đề nan giải của các thầy, cô giáo và phụ huynh.

Năm học 2024 - 2025, Trường THCS Giao Thiện có 302 học sinh, trong đó có 136 em thuộc diện hộ nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, khuyết tật. Những học sinh này được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí học tập của Nhà nước, với mức 150.000 đồng/tháng/em. Số học sinh còn lại có 69 em hộ cận nghèo và 97 em diện “thoát nghèo” phải mua SGK, đồ dùng học tập.

Hiệu trưởng Trường THCS Giao Thiện cho biết thêm, năm học này, học sinh nhà trường có đăng ký mua SGK, nhưng số lượng không nhiều. Bởi vậy, tình trạng thiếu SGK vẫn diễn ra, vì mỗi bộ sách bình quân có giá trên dưới 500.000 đồng, bao gồm cả sách bài tập.

“Nếu chỉ mua SGK thì giá tiền cũng vài ba trăm nghìn đồng/em. Điều đó không phải quá khó đối với nhiều gia đình đã “thoát nghèo” ở địa phương. Thế nhưng, thực tế cho thấy còn nhiều phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em và phó mặc cho nhà trường”, thầy Việt bộc bạch.

Tương tự Lang Chánh, tình trạng thiếu SGK trong các trường học ở huyện Quan Sơn đang diễn ra. Dù là huyện vùng cao, biên giới, tuy nhiên 10/12 xã, thị trấn của Quan Sơn đã được điều chỉnh theo Quyết định 861/TTg. Hiện chỉ còn xã Na Mèo, Sơn Thủy nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, học sinh được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập. Các xã, thị trấn còn lại đã “thoát nghèo” nên bị cắt chế độ hỗ trợ.

Thầy Đỗ Xuân Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Thanh (Quan Sơn) cho biết: Năm học 2024 - 2025, nhà trường có 422 học sinh, trong đó 80 em thuộc diện Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập. Còn lại hơn 300 em không thuộc vùng đặc biệt khó khăn, bởi vậy nhà trường và phụ huynh phải tự thân vận động lo SGK và các khoản chi phí học tập. “Trước khó khăn như vậy, nhà trường phải tìm đủ cách để lo SGK cho học sinh học tập”, thầy Sơn cho hay.

xoay xo kiem du sach cho hoc tro (1).jpg
Hàng trăm cuốn sách giáo khoa vượt sông Mã đến với học sinh nghèo Trường Tiểu học Trung Lý 2 (huyện Mường Lát, Thanh Hóa).

Thầy cô xin sách xuyên hè

Với mong muốn giúp học sinh có SGK, cứ mỗi kỳ nghỉ hè, thầy Đỗ Xuân Sơn và nhiều giáo viên nhà trường lại tranh thủ các mối quan hệ thân quen, bạn bè, đồng nghiệp dưới xuôi xin sách cũ cho học sinh của trường.

“Năm ngoái, trong lúc về quê nghỉ hè, tôi tranh thủ liên hệ với bạn bè, đồng nghiệp ở thành phố. May sao, Trường Tiểu học Đông Vệ 2 (TP Thanh Hóa) đã hỗ trợ khoảng 400 cuốn SGK. Dù là sách cũ, nhưng đối với học trò miền núi vẫn cần thiết vô cùng. Điều đáng mừng đến thời điểm này, chương trình thay sách đã gần hoàn tất từ lớp 1 đến lớp 5, nên việc xin sách cũ cho học trò vùng khó cũng thuận lợi hơn”, thầy Sơn tâm sự.

Do bố mẹ đi làm xa, em Hà Quỳnh Hương nhà ở bản Bôn, xã Tam Thanh ở với ông bà ngoại. Vào năm học mới, bố mẹ chưa kịp gửi tiền về để ông bà mua sách và đồ dùng học tập, nên Hương được thầy, cô giáo tặng SGK cũ để học.

“Ở Tam Thanh, có không ít trường hợp như em Hà Quỳnh Hương. Do cuộc sống khó khăn, nhiều cặp vợ chồng rời quê đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà nội, ngoại chăm sóc. Trong khi ông bà đã lớn tuổi, sự quan tâm, quán xuyến việc học hành của cháu không thể bằng cha mẹ. Gặp những trường hợp như thế, nếu thầy, cô giáo không quan tâm, sát sao thì có lẽ học sinh đã bỏ học giữa chừng”, thầy Sơn tâm sự.

Chia sẻ về chuyện đi “xin sách” cho học trò, thầy Trịnh Quốc Việt kể: Khi công tác ở Trường THCS Lâm Phú (Lang Chánh) thì huyện Lang Chánh là địa phương đặc biệt khó khăn, học sinh được cấp SGK, đồ dùng học tập miễn phí, nên nhà trường không “nặng gánh” về vấn đề này. Sau khi Lang Chánh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/TTg, thầy Việt được điều chuyển công tác về Trường THCS Giao Thiện mới thấy sự bất cập về tình trạng học sinh thiếu SGK.

Hơn nữa, theo lộ trình, Trường THCS Giao Thiện đang xây dựng trường chuẩn quốc gia, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Trong khi đó, điều kiện trường được công nhận chuẩn thì thư viện cần đạt tiêu chí. Vì thế, ngoài lo SGK giúp học trò, thầy Việt và đội ngũ giáo viên cũng tất bật chuẩn bị các đầu sách, báo, tạp chí... cho thư viện.

“Điều chúng tôi mong muốn nhất lúc này là được các tổ chức, cá nhân… hỗ trợ cho mỗi khối lớp khoảng 40 - 50 bộ SGK. Nếu có số SGK đó, nhà trường sẽ đưa vào thư viện, quản lý chặt chẽ để học sinh mượn. Khi kết thúc năm học, nhà trường sẽ thu lại, bảo quản cẩn thận để sang năm học sau tiếp tục cho học sinh mượn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tìm nguồn xin các loại sách tham khảo cho giáo viên và học sinh”, thầy Việt chia sẻ.

Sau khi nghe tâm tư của thầy Trịnh Quốc Việt qua phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại, thầy Dương Lê Hoàn - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Thanh Hóa) đã hỗ trợ Trường THCS Giao Thiện 100kg các loại sách tham khảo của giáo viên và học sinh bằng kinh phí cá nhân. Bên cạnh đó, từ nguồn kêu gọi học sinh tặng sách cũ, Trường THCS Lý Tự Trọng đã hỗ trợ Trường THCS Giao Thiện hàng chục bộ SGK, để giúp học sinh vùng khó có điều kiện học tập.

xoay xo kiem du sach cho hoc tro (4).jpg
Giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý 2 (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) đón nhận sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh do phóng viên Báo GD&TĐ tặng.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thực tế ghi nhận từ nhiều trường vùng khó cho thấy, vào năm học mới, các trường đã chủ động, xác định giải pháp hỗ trợ học sinh trong việc mua sắm SGK, đồ dùng học tập theo nhiều cách khác nhau để không em nào phải học “chay”.

Hơn thế, việc xã hội hóa từ các nguồn khác nhau, như cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, giáo viên… để trang cấp SGK cho học sinh được các nhà trường đẩy mạnh. Không chỉ ban giám hiệu, mà đội ngũ giáo viên công tác ở vùng khó đều tranh thủ thời gian nghỉ hè để vận động, huy động SGK cũ, kinh phí mua SGK mới cho học trò.

Thầy Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) chia sẻ: Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà trường, khi giáo viên về nghỉ hè đều ý thức xin SGK cũ còn sử dụng được để giúp học sinh. Học sinh đủ SGK thì việc dạy và học mới đạt hiệu quả. Vì thế, hỗ trợ SGK cho học sinh là tình cảm, cũng là trách nhiệm của người thầy.

“Nhà trường lựa chọn tổ hợp môn tốt thì việc đăng ký mua SGK càng sát với nhu cầu thực tế. Điều đó giúp phụ huynh học sinh không mua thừa, mua sai SGK, tránh lãng phí. Việc mua SGK ở vùng khó không thuận lợi như thành phố, gia đình học sinh cơ bản đăng ký theo kênh nhà trường. Do đó, thầy, cô giáo xác định tinh thần phục vụ, hỗ trợ tốt nhất để các em có đủ SGK…”, thầy Viên cho hay.

Cũng theo thầy Viên, nhà trường khuyến khích cha mẹ học sinh tự mua sách bên ngoài. Trường hợp không mua được, giáo viên sẽ hỗ trợ bằng việc tập hợp số lượng, đầu sách, sau đó chuyển sang đơn vị cung ứng. Nhà trường có trách nhiệm giám sát, đôn đốc việc cung ứng sách đảm bảo chất lượng, kịp thời tiến độ năm học.

Thầy Đỗ Xuân Sơn thông tin thêm, đầu tháng 8 vừa qua, nhà trường được Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam tặng 1 chiếc tivi 65 inch; gần 1.000 bản SGK, sách tham khảo cho giáo viên và học sinh. “Phấn khởi vô cùng khi chuẩn bị bước vào năm học mới, nhà trường được doanh nghiệp tặng tivi và một số lượng sách phong phú. Nhà trường đã đưa toàn bộ số sách này vào thư viện, cố gắng bảo quản, giữ gìn thật tốt để giáo viên, học sinh sử dụng được lâu dài”, thầy Sơn chia sẻ.

Qua tìm hiểu cho thấy, nhiều huyện miền núi, vùng cao, biên giới Thanh Hóa dù đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhưng bản chất đời sống từng hộ dân còn vất vả, thiếu thốn; các chế độ cho giáo viên, học sinh đều ảnh hưởng.

Cùng đó, tình trạng nhiều trường vùng khó thiếu SGK cho học sinh vẫn diễn ra. Đặc biệt, việc cấp thiết bị, đồ dùng dạy học ở Thanh Hóa còn chậm. Hiện, tỉnh mới cấp được thiết bị, đồ dùng học tập đối với lớp 2 và lớp 6 cho các trường.

“Thiết bị, đồ dùng dạy học theo Chương trình GDPT 2018 cấp chậm do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đang cố gắng cung cấp thiết bị, đồ dùng dạy học đối với các khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong học kỳ I năm học 2024 - 2025. Sau đó, sẽ triển khai cơ bản để hoàn tất cung cấp thiết bị, đồ dùng dạy học đối với các khối lớp còn lại trong thời gian sớm nhất”, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.