Thanh Hóa: Tăng cường công tác phòng, chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, công tác phòng, chống vấn đề bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên luôn được quan tâm chấn chỉnh. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, bạo lực trong và ngoài nhà trường, đặc biệt đối với học sinh nữ vẫn diễn ra.

Hai học sinh nữ ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa đánh nhau do muâu thuẫn trên facebook. Ảnh cắt từ clip
Hai học sinh nữ ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa đánh nhau do muâu thuẫn trên facebook. Ảnh cắt từ clip

Cụ thể, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9/2016 đã xảy ra 3 vụ học sinh đánh nhau ở thị xã Sầm Sơn, huyện Cẩm thủy và Thiệu Hóa, thể hiện việc vi phạm kỷ luật, đạo đức, lối sống của học sinh trong các nhà trường. 

Để ngăn ngừa các vụ việc tương tự nêu trên xảy ra, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa vừa có văn bản 1968/ SGDĐT-PC&CTHSSV yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; các trường THPT và các đơn vị trực thuộc quán triệt và triển khai thực hiện tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo thống nhất của cấp ủy Đảng, Ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên. Phát huy tích cực vai trò của các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội thiếu niên Tiền Phong, đội thanh niên xung kích, đội cờ đỏ… trong nhà trường.

Bên cạnh đó, quan tâm thực sự đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn trong việc ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống và các hành vi bạo lực học đường. Giáo viên chủ nhiệm lớp theo dõi sát diễn biến tư tưởng trong học sinh, phát hiện kịp thời và xử lý các biểu hiện không bình thường có thể dẫn đến các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật của học sinh.

Trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, các tiết sinh hoạt lớp, tiết học bộ môn Giáo dục Công dân, yêu cầu hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn triển khai các nội dung giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành kỷ cương nề nếp, kỷ luật; không vi phạm các quy định trong điều lệ trường học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, trưởng phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các nhà trường chịu trách nhiệm trước lãnh đạo địa phương và lãnh đạo ngành giáo dục về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Tuyên truyền, yêu cầu học sinh các lớp viết cam kết không để xảy ra các vi phạm và bạo lực trong và ngoài nhà trường. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện, hành vi thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của một bộ phận học sinh và giáo viên trước các tình huống vi phạm pháp luật của học sinh.

Khi phát hiện học sinh các nhà trường có hành vi vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, các nhà trường phải phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời xử lý và báo cáo các cơ quan quản lý các cấp; không được che dấu những vụ việc do học sinh, sinh viên của đơn vị gây ra…

Quản lý chặt chẽ các đối tượng học sinh thuộc diện cá biệt, nhằm ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra các vi phạm và bạo lực học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ