(GD&TĐ) - Vừa mới bước vào nhà Trương Kiều Phong, người ta đã bị cuốn hút bởi vài chiếc va li to tướng, những chiếc va li này đều chứa đầy những đồ dùng để tạo hứng thú cho trẻ. Bên cạnh những chiếc va li to có đặt mấy cái giá sách, xem chừng có tới hàng ngàn cuốn, về lịch sử, địa lý, kiến thức thông thường, văn học... Quả thật, đây không chỉ là nhà, mà còn là trường học, là nơi học tập của con trai chủ nhà Trương Kiều Phong.
Câu chuyện của một người cha
Đó là chuyện sau tháng 9/2011. Lúc đó, Trương Hồng Vũ, con anh Trương Kiều Phong chỉ hơn 6 tuổi, anh Phong có tìm cho con một trường tư, học phí xấp xỉ 40.000 nhân dân tệ/năm, nhưng cuối cùng phát hiện hiệu quả rất kém, chương trình học rất nặng, cuộc sống trong trường cũng không thoải mái, việc quản lý hết sức máy móc. Cho con học ở đấy chưa đến một tháng, cảm giác trạng thái tinh thần và sức khỏe của con kém hơn rất nhiều so với trước đây, cộng thêm công việc bận rộn, lại phải phối hợp nhiều việc của trường, cuối cùng, sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, anh Trương Kiều Phong quyết định cho con về nhà tự dạy.
Tự dạy con học, nghe có vẻ dễ, nhưng để thật sự hạ được quyết tâm làm như vậy vẫn cần phải suy đi nghĩ lại.
Anh Trương Kiều Phong và con trai trong một giờ học |
Trương Kiều Phong nói: "Tháng 6/2012 nhận dạy thêm một cháu, có nghĩa là tôi sẽ dạy hai đứa trẻ, hiện nay tôi chuyên tâm vào việc dạy học, từ bỏ tất cả những công việc trước đây. Có vài người bạn thân, họ khá hiểu tôi, muốn mời tôi đến công ty họ làm việc, tiền lương trả tôi cũng không thấp, một năm 500.000 Nhân dân tệ, tôi đều từ chối, cộng thêm tình hình của tôi tương đối đặc biệt, tôi và vợ đã ly hôn, con sống cùng tôi, nếu tôi không chăm sóc con tốt, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với cháu".
Trương Kiều Phong cho biết, mọi việc anh làm đều xuất phát từ tình yêu và trách nhiệm của người cha. Năm 1988, Trương Kiều Phong tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, từng học 2 năm Vật lý và 4 năm Xã hội học, về mặt dạy kiến thức văn hóa hoàn toàn không có vấn đề gì. Nhưng, lúc đó, anh cũng không chắc chắn mình có thể tự dạy con tốt được.
Trương Kiều Phong nhớ lại: "Thú thật, lúc đầu tôi cũng hơi lo về môn ngoại ngữ, bởi vì phát âm ngoại ngữ của tôi không chuẩn lắm. Sau 8, 9 tháng tự dạy các con, hiệu quả rất tốt, phát âm của các con không bị tôi ảnh hưởng, lúc đó tôi mới trút bỏ gánh nặng, qua kiểm tra, tôi thấy hiệu suất và hiệu quả học tập, bao gồm tình hình sức khỏe và tâm trạng của các con tốt hơn nhiều so với khi học ở trường, về năng lực đọc tiếng Trung và tiếng Anh, số sách tham khảo đọc trong một năm có thể nhiều gấp mấy chục lần so với sách giáo khoa của trường, sức khoẻ và tâm trạng hết sức thoải mái và lành mạnh.
Tất nhiên, giáo dục tốt không tách rời việc sắp xếp chu đáo.
Kinh nghiệm của anh Trương Kiều Phong là xếp các môn học trong ngày một cách vừa phải. Buổi sáng, anh Trương “đứng lớp với 3 tiết học: 1 tiết Toán logic và Khoa học tự nhiên, 2 tiết tiếng Anh, Buổi chiều anh chỉ dạy 2 tiết Ngữ văn và môn đọc. Ngoài một số ít nội dung trong sách giáo khoa ra, anh Trương sẽ cùng các con đọc một lượng lớn sách tham khảo, cùng thảo luận. Các con là một nhóm, Trương Kiều Phong một mình một nhóm. Ví dụ như thảo luận một câu chuyện, con nói nhận xét của con, anh nói quan điểm của mình, mọi người cùng suy nghĩ và thống nhất quan điểm. 2 giờ 45 phút chiều, trường học của anh Trương cơ bản hết việc. Nếu cả lớp hứng thú, anh sẽ mời giáo viên chuyên ngành. Chẳng hạn như lớp võ thuật mời giáo viên võ thuật, âm nhạc anh mời giáo viên âm nhạc, bóng đá cũng vậy, có huấn luyện viên bóng đá dạy ở sân bóng đá.
Khi nghe Trương Kiều Phong giới thiệu về việc dạy học, nhiều người chú ý đến chi tiết môn đọc và môn tự chọn được sắp xếp nhiều nhất trong tờ thời khóa biểu này. Việc bố trí như vậy cũng là bắt nguồn từ sự hiểu biết của anh đối với giáo dục gia đình.
Trương Kiều Phong nói: "Mục tiêu của tôi rất rõ ràng, là giáo dục gia đình, tức là dạy về những cái truyền thống, bạn cần phải đào tạo những học sinh có phẩm chất tốt và bản lĩnh cao, cuối cùng có thể gánh vác trách nhiệm xã hội, góp phần cho đất nước và xã hội. Bạn thật sự có thành đạt hay không, không thể đánh giá bằng thu nhập. Hiện nay, yêu cầu cơ bản nhất của tôi đối với các con là tu dưỡng đạo đức, gan dạ, thông minh, sức khoẻ, tinh thần, kiến thức, trí tuệ, kỹ năng, tài năng... Kiến thức ở đây chỉ chiếm một phần nhỏ, tôi coi trọng mọi mặt, các con phải là những người phát triển toàn diện, hơn nữa phải là những người cao thượng".
Cậu con trai Trương Hồng Vũ đã 7 tuổi, theo quy hoạch, Trương Kiều Phong sẽ dạy con đến 18 tuổi, rồi để cho con tự lựa chọn thi đại học trong nước hoặc ra nước ngoài học tập. Đến thời điểm này, anh Trương còn 10 năm để tự dạy con học. 10 năm này là 10 năm thực tiễn quan niệm giáo dục của anh, cũng là 10 năm tận hưởng niềm vui cha con họ Trương với mô hình học tập đặc biệt.
Học tư thục, lợi hay hại?
Học sinh một trường tư thục hiện đại tại Trung Quốc |
Theo các chuyên gia, hình thức dạy con tại nhà như Trương Kiều Phong ở Trung Quốc có một cách gọi riêng, đó là "tư thục hiện đại".
Trường tư thục, ở thời cổ Trung Quốc, là một cơ sở giáo dục trẻ em dân gian được mở trong gia đình, tôn tộc hoặc trong làng. Những năm qua, cùng với sự nóng lên của "Quốc học", ở Trung Quốc xuất hiện một số trường tư thục, người dân gọi là "tư thục hiện đại". Hiện có nhiều trường tư thục thành lập theo mô hình thời cổ đại, nhiều phụ huynh Trung Quốc đưa con đến học tại các trường này với mong muốn con biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống Trung Quốc. Ở Trung Quốc còn gọi hiện tượng này là cơn sốt "quốc học".
Hình thức "tư thục hiện đại" ở Trung Quốc hiện nay được tổ chức với nhiều phương thức khác nhau, có một số "dạy học tại gia" như kiểu của anh Trương Kiều Phong, cũng có một số cơ sở lấy "Quốc học" làm chính, thậm chí ở một số trường tư thục học trò đi học phải mặc Hán phục... Có trường quy mô nhỏ như kiểu chỉ dạy vài ba học sinh, cũng có loại quy mô lớn hơn có vài chục học sinh.
Dạy con tại nhà hoặc mở lớp tư thục đều sẽ gặp phải vấn đề về chương trình dạy học. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia Trung Quốc, tư thục là sự bổ sung cho những thiếu sót của giáo dục chính quy. Việc có nên duy trì hình thức học tập này, quản lý như thế nào... vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi tại quốc gia hơn 1 tỷ dân này.
Hiện có nhiều trường tư thục thành lập theo mô hình thời cổ đại, nhiều phụ huynh Trung Quốc đưa con đến học tại các trường này với mong muốn con biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống Trung Quốc. Ở Trung Quốc còn gọi hiện tượng này là cơn sốt "quốc học". |
Thu Thảo (Theo Xinhua)