Trường TH&THCS xã Na Ư và hành trình phấn đấu đạt chuẩn

GD&TĐ - Nằm ở khu vực biên giới với muôn vàn gian khó, song Trường TH&THCS xã Na Ư đã không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Tiết mục văn nghệ do học sinh nhà trường biểu diễn nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tiết mục văn nghệ do học sinh nhà trường biểu diễn nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Vượt khó...

Trường TH&THCS xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được thành lập vào tháng 8 năm 2018 trên cơ sở sáp nhập giữa 2 trường: PTDTBT TH xã Na Ư và THCS xã Na Ư.

Mục tiêu sáp nhập nhằm đảm bảo quy mô trường lớp, tinh giản đội ngũ cán bộ công chức viên chức; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Việc sáp nhập để tăng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban giám hiệu, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục.

Từ khi sáp nhập đến nay, đội ngũ cán bộ giáo viên đã không ngừng lao động sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, đóng góp sức người, sức của để xây dựng trường. Nhà trường luôn là điểm sáng về công tác giáo dục, trung tâm văn hóa chính trị của xã. Đây còn là nơi mà nhân dân tin tưởng gửi gắm con em mỗi ngày.

Trường hiện có 10/30 giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện (chiếm 33%). Đây là số giáo viên giỏi nhiều nhất từ trước đến nay với một cơ sở giáo dục vùng đặc biệt khó khăn như Na Ư. Chất lượng học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh luôn đảm bảo và ngày một nâng cao. Đặc biệt năm học 2021 - 2022, trường có 2 sản phẩm thi KHKT của học sinh đạt giải Ba, giải khuyến khích cấp huyện. Cũng năm học này, lần đầu tiên trường xếp thứ 4 toàn huyện. Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 7 lượt học sinh giỏi cấp huyện (chiếm 3,7% số học sinh trong trường đạt giải). Năm học 2021 - 2022, trường có 2 học sinh đạt giải cấp huyện. Đầu năm học 2022 - 2023, trường đạt giải Khuyến khích toàn đoàn trong kỳ thi Giai điệu tuổi hồng cấp huyện; 2 giải B, 3 học sinh lớp 9 được công nhận học sinh giỏi các môn Văn hóa cấp huyện; có học sinh đứng thứ nhất khối 4 các trường vùng ngoài cuộc thi Olympic Tiếng anh trên Internet cấp huyện.

Các đại biểu dự Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Các đại biểu dự Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Các tổ chức trong nhà trường như: Chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Liên đội, Ban đại diện Hội mẹ học sinh, tổ chức hoạt động tích cực, đúng điều lệ góp phần cùng nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học. Năm 2021, chi bộ được Đảng bộ huyện Điện Biên công nhận là chi bộ có 5 năm liên tục đạt chi bộ trong sạch vững mạnh. Là chi bộ được xét làm hồ sơ đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc 5 năm liền.

Với những nỗ lực đó, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận: Từ năm 2018 - 2019 đến nay nhà trường luôn duy trì danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được UBND huyện tặng giấy khen. Nhiều năm liền, nhiều tập thể, cá nhân của nhà trường vinh dự được các cấp khen thưởng, tôn vinh.

Phát huy vai trò của việc tự đánh giá...

Nhận thấy tự đánh giá là khâu đầu tiên và hết sức quan trọng trong quy trình kiểm định chất lượng giáo dục. Do đó, nhà trường đã tổ chức xây dựng kế hoạch, ra quyết định, chuẩn bị tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trước khi tiến hành đánh giá chất lượng giáo dục trong nhà trường. Tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên hiểu và nhận thấy: Đây là khâu quan trọng trong việc lập kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục. Qua đây, giúp nhà trường thấy được những mặt mạnh, mặt yếu. Từ đó, định hướng, vạch ra kế hoạch hoạt động trong thời gian tiếp theo, nhằm điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện để đạt được các mục tiêu GD&ĐT đề ra.

Ngày 2/8/2021, Hiệu trưởng nhà trường đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng tự đánh giá chất lượng giáo dục. Hội đồng gồm 11 thành viên, là cán bộ quản lý, tổ trưởng tổ chuyên môn, các đoàn thể trong trường, nhà giáo có uy tín tham gia. Hiệu trưởng nhà trường làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng tự đánh giá đã cử Ban thư ký gồm 1 đồng chí và 5 nhóm công tác để triển khai tự đánh giá theo từng tiêu chuẩn.

Tiết mục nghệ thuật do học sinh nhà trường tự biên, tự diễn.

Tiết mục nghệ thuật do học sinh nhà trường tự biên, tự diễn.

Nhiệm vụ của Hội đồng là tham mưu cho Ban giám hiệu triển khai thực hiện công tác kiểm định chất lượng, theo các văn bản hướng dẫn của Bộ. Hội đồng tự đánh giá đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng nhóm chuyên trách. Để báo cáo tự đánh giá đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan, Hội đồng tự đánh giá đã tiến hành đánh giá bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, chủ yếu là phương pháp khảo sát thực tế tất cả các mặt hoạt động của nhà trường liên quan đến nội dung bộ tiêu chuẩn; sưu tầm minh chứng, so sánh, đối chiếu và phân tích các dữ liệu có liên quan. Các minh chứng được tập hợp theo thứ tự, mã hóa các chỉ số với từng tiêu chí và được lưu giữ tại trường theo từng tiêu chuẩn từ 1 đến 5.

Quá trình tự đánh giá của nhà trường được thực hiện gồm 7 bước: Thành lập Hội đồng tự đánh giá. Lập kế hoạch tự đánh giá. Thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng. Đánh giá mức đạt được theo từng tiêu chí. Viết báo cáo tự đánh giá. Công bố báo cáo tự đánh giá. Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá.

Báo cáo tự đánh giá của nhà trường đã khái quát tương đối đầy đủ những kết quả mà tập thể đã đạt được trong 5 năm qua, khẳng định quá trình nỗ lực phấn đấu vươn lên của nhà trường được thể hiện bởi những thành tích, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Bên cạnh đó, báo cáo nêu rõ thực trạng của nhà trường về cơ sở vật chất, đội ngũ, nguồn lực và những vấn đề khác có liên quan đến chất lượng giáo dục để thông báo với cơ quan quản lý giáo dục cấp trên, với phụ huynh, với học sinh. Từ đó nhà trường có kế hoạch điều chỉnh các nguồn lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm đáp ứng ngày càng cao tiêu chuẩn chất lượng, uy tín của nhà trường.

Đối chiếu các thành quả về hoạt động giáo dục với Bộ tiêu chuẩn đánh giá tại thông tư số 18/2018 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia, nhà trường đã đạt được những kết quả cụ thể về các chỉ số, các tiêu chí cơ bản. Cụ thể như sau: Số lượng và tỷ lệ % các tiêu chí đạt mức 1: 28/28; mức 2: 28/28; mức 3: 8/28 (28,5%).

Với kết quả trên, trường tự đánh giá đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Kết quả tự đánh giá tương đối sát so với kết quả các lần kiểm tra, thẩm định của Phòng GD&ĐT huyện và Sở GD&ĐT Điện Biên.

Đến thời điểm hiện tại, trường TH&THCS xã Na Ư đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Kết quả đó thể hiện đội ngũ cán bộ giáo viên đã không ngừng lao động sáng tạo, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, đóng góp sức người, sức của để củng cố cơ sở vật chất, xây dựng nhà trường sáng, xanh, sạch đẹp. Chất lượng giáo dục của nhà trường cũng vì thế mà có những chuyển biến tích cực...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.