Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa): Tự hào truyền thống, vững bước tương lai

GD&TĐ - Trường THPT Chuyên Lam Sơn – Thanh Hóa nổi tiếng về chất lượng giáo dục, nhiều em học sinh có thành tích học tập làm rạng danh xứ Thanh.

Nhà giáo Ưu tú Chu Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn.
Nhà giáo Ưu tú Chu Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn.

90 năm qua, từ một trường trung học đầu tiên và duy nhất tại xứ Thanh, quy mô chỉ có 1 lớp học, với 30 học sinh, giờ đây THPT chuyên Lam Sơn đã xứng đáng là đơn vị được phong tặng danh hiệu“Anh hùng Lao động” trong thời kỳ đổi mới và là “địa chỉ đỏ” về đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước.

Tự hào truyền thống

Trường THPT chuyên Lam Sơn hôm nay có tiền thân từ trường Collège de Thanh Hóa, được thành lập từ năm 1931. Đến năm 1950, trường vinh dự được mang tên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - một cuộc khởi nghĩa lừng danh trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Căn cứ Quyết định số 198-CP ngày 14/9/1965, năm học 1965 - 1966, tỉnh Thanh Hóa thành lập lớp 8 năng khiếu Toán. Đến năm học 1971 - 1972, Ty Giáo dục Thanh Hóa tuyển sinh lớp 8 năng khiếu Văn đầu tiên và một lớp toán nữa đặt tại trường Cấp 3 Lam Sơn. Trong những năm chiến tranh, các lớp khối chuyên đi sơ tán ở nhiều nơi trong tỉnh. Hòa bình trở lại, trường cấp 3 Hàm Rồng được xây dựng ngay trên đất các lớp năng khiếu của Lam Sơn đang học, nên năm học 1976-1977 trường Hàm Rồng được giao quản lý hai khối chuyên Văn, Toán.

Năm 1982, khối chuyên của tỉnh chuyển từ trường Cấp 3 Hàm Rồng về lại trường cấp 3 Lam Sơn. Năm 1992, để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong sự nghiệp đổi mới,UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 1093 - TC/UBTH thành lập Trường PTTH Lam Sơn với nhiệm vụ “tuyển chọn và đào tạo học sinhnăng khiếu các môn văn hóa và ngoại ngữ trên địa bàn toàn tỉnh”.

Với chức năng, nhiệm vụ được quy định như trên, theo Điều 57 của Luật Giáo dục năm 1998 và Quyết định số 05/2002/QĐ-BGDĐT ngày 11/3/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế trường THPT chuyên,tháng 12/2004 (sau khi đổi con dấu từ PTTH Lam Sơn thành THPT chuyên Lam Sơn) trường chính thức mang tên làTrường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn trong các văn bản hành chính.

Trải qua bao biến động thăng trầm của quê hương đất nước, nhiều lần di chuyển địa điểm, những dấu tích hữu hình của ngôi trường đã không còn hoặc đã thay đổi. Nhưng, những trầm tích văn hóa được lắng kết suốt chiều dài lịch sử vẫn luôn được gìn giữ, tiếp nối.

Trong những năm tháng chiến tranh, điều kiện dạy và học hết sức gian khổ. Song,các thế hệ thầy trò yêu nước, giàu nhiệt huyết cách mạng, vừa chiến đấu vừa giảng dạy góp sức vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đã làm nên truyền thống tự hào của nhà trường. Đó là những nhà giáo đạo cao đức trọng, có tinh thần dân tộc, không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn âm thầm nhen nhóm lòng yêu thương dân tộc giống nòi đến học sinh, như các thầy cô: thầyThái Nguyên Đào, Nguyễn Đình Dụ, Hoàng Khôi, Đoàn Nồng, Thân Trọng Hy, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Xuân Dương, Vũ Ngọc Khánh, Lê Văn Nguơn, Cao Hữu Nhu, cô Nguyễn Khoa Diệu Hồng,…

Đó là những lớp học sinh của các trường tiền thân và Cấp 3 Lam Sơn,không chỉ được tiếp thu những tri thức uyên bác, mà còn được thức tỉnh ý thức dân tộc, ý chí đấu tranh cách mạng. Có những người, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã sớm giác ngộ lí tưởng, trở thành chiến sĩ cách mạng dũng cảm, kiên trung như: Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Lí ChínhThăng… Có nhiều người được dìu dắt từ những người thầy thông tuệ, đã thành hiền tài của đất nước,như:GS Nguyễn Trác, GS Đinh Xuân Lâm, GS Trần Quốc Vượng, GS Lê Viết Ly, GS Nguyễn Văn Hiệu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên…

NGƯT Chu Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường (người đứng giữa) cùng 8 giáo viên có học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế trong 5 năm trở lại đây.
NGƯT Chu Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường (người đứng giữa) cùng 8 giáo viên có học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế trong 5 năm trở lại đây.

Chiến tranh kết thúc, đất nước đón khúc ca khải hoàn, những cơ hội và thách thức trong thời kì đổi mới đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của nhà trường. Từ khối chuyên đến trường chuyên, Lam Sơn tiếp tục trở thành vườn ươm tài năng của xứ Thanh. Hàng vạn HS đã trở thành những kĩ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lí, nhà văn, nhà báo, doanh nhân, tướng lĩnh thành đạt đã, đang đem hết tài năng, sức lực đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước.

Tiêu biểu như: TS.Lê Thành Long, UVTW Đảng - Bộ trưởng Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Anh Tuấn- UVTW Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Trung tướng Đồng Đại Lộc - nguyên Phó tổng Cục trưởng tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an); PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - nguyên Vụ phó vụ THPT (Bộ GD&ĐT); Vương Văn Việt - nguyên PCT UBND tỉnh; TS.Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Lê Hồng Sơn - PCT UBND TP Hà Nội; TS. Đỗ Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni...

Dù ở đâu, cương vị nào, những đóng góp của nhiều cựu học sinh Lam Sơn đã, đang tạo nên là minh chứng hùng hồn cho chất lượng đào tạo, luôn là niềm tự hào, kiêu hãnh của nhà trường.

Những mùa quả ngọt ngào đó là thành quả sau bao năm tháng vun trồng của những người làm vườn tài năng, tâm huyết, tận tụy và say mê. Đó là các thế hệ nhà giáo giàu trí tuệ, giỏi chuyên môn, yêu trò và say nghề như các thầy, cô: Vũ Lê Thống, Nguyễn Ngọc Liễn, Dương Tiến Vinh, Đỗ Khắc Vinh, Mỵ Duy Thọ, Nguyễn Văn Thu, Mai Xuân Hảo, Phạm Ngọc Quang, Nguyễn Anh Dũng, Hồ Việt Hùng,Kim Ngọc Chính, Lê Văn Vinh, Lê Văn Hoành, Lưu Xuân Tình,Lê Văn Quỳnh, Cao Văn Giang, Nguyễn Thanh Hùng,Trần Văn Kiên, NguyễnVăn Hưng, Mai Đình Loát, Đào Hồng Ánh, Hoàng Văn Giao…

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, triết lý tôn chỉ giáo dục coi trọng nhân tài luôn được các thế hệ thầy, trò Lam Sơn nâng niu, theo đuổi đã góp phần làm nên những dấu ấn tự hào của ngôi trường giàu truyền thống bậc nhất xứ Thanh.

Tập thể cán bộ giáo viên Trường THPT Chuyên Lam Sơn
Tập thể cán bộ giáo viên Trường THPT Chuyên Lam Sơn

Khẳng định vị thế và tầm vóc

Sau kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 10 năm trở lại đây, Trường THPT chuyên Lam Sơn đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Nhiệm vụ bồi dưỡng HS giỏi, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước được đặt ra với những yêu cầu mới. Trong khi đó, đội ngũ của nhà trường từ tập thể lãnh đạo đến cán bộ giáo viêncó nhiều thay đổi, mới về nhân lực, mỏng về số lượngvà thiếu tính kế cận.

Đội ngũ giáo viên dạy chuyên chính tuy được bổ sung bởi thế hệ trẻ tài năng,nhiệt huyết nhưng lại vắng bóng dần những người thầy uyên thâm, có bề dày kinh nghiệm.Chất lượng giáo dục mũi nhọn của trường đứng trước nhiều áp lực,thách thức. Tháng 1/2017, nhà trường lại một lần nữa chuyển đổi vị trí từ 89 Hàn Thuyên về 307 Lê Lai (TP Thanh Hóa).

Công việc cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất và ổn định tâm lí tư tưởng của GV,HS cũng hết sức nặng nề. Mặc dù vậy, trong 10 năm qua, trường THPT chuyên Lam Sơn đã nỗ lực không ngừng để có bước phát triển đột phá. Chuyên Lam Sơn tiếp tục là “địa chỉ đỏ” trong bản đồ giáo dục trong cả nước, tự khẳng định vị thế, tầm vóc của nhà trường ở các cuộc thi Olympic quốc tế.

Nhiều năm liền, Trường THPT chuyên Lam Sơn là một trong những trường chuyên thuộc tốp đầu cả nước về thành tích đào tạo HS giỏi quốc gia, quốc tế. Tính từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã đạt 341giải HSG Quốc gia (trong đó có 27 giải Nhất); 18 huy chương Olympic khu vực và quốc tế (trong đó có 8 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ). Tổng số huy chương quốc tế đạt được ở giai đoạn này chiếm gần 1/3 tổng số huy chương đạt được từ trước đến nay với số HCV vượt trội. Đặc biệt, đến nay, cả 5 môn dự thi quốc tế của nhà trường, gồm: Toán,Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học đều đã có HCV. Những con số ấn tượng ấy đã khẳng định sự phát triển không ngừng trong công tác đào tạo chất lượng mũi nhọn của nhà trường.

Không những vậy, chuyên Lam Sơn còn là ngôi trường sớm nhất, duy nhất trong tỉnh để lại những dấu ấn nổi bật khi tham dự cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia và quốc tế. Từ một dự án được giải Ba lĩnh vực vào năm 2013-2014,  đến nay, nhà trường đã có 6 dự án được xếp giải (1nhất, 3 nhì, 2ba). Đặc biệt, chuyên Lam Sơn đã khẳng định được thương hiệu ở sân chơi này khi có 3 dự án được chọn dự thi KHKT(ISEF) tại Hoa Kỳ.

Trước những yêu cầu mới của Giáo dục Việt Nam trong thời đại mới, thầy trò Lam Sơn đã và đang  tích cực, chủ động, từng bước hội nhập với giáo dục quốc tế. Là một ngôi trường ở tỉnh lẻ, khả năng và điều kiện tiếp cận du học của học sinh còn nhiều hạn chế, nhưng đến nay THPT chuyên Lam Sơn đã có nhiều HS giành được học bổng của các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Chỉ riêng năm học 2020 – 2021, nhà trường đã có gần 20 HS giành được học bổng đi du học ở các nước Mỹ, Úc, Pháp, Hungary… Điều đó cho thấy, sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy đã góp phần trang bị cho HS những kiến thức, kĩ năng cần thiết để thích ứng tốt với môi trường học tập, làm việc trong nước. Đồng thời, hình thành ở HS những năng lực cần có để hội nhập quốc tế, trở thành công dân toàn cầu.

Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong hoạt động giáo dục của nhà trường trong một thập kỷ vừa qua, có thể thấy THPT chuyên Lam Sơn hôm nay đang tiếp tục phát huy truyền thống lên một tầm cao mới. Chuyên Lam Sơn đã, đang khẳng định vị thế và tầm vóc, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Sự nhiệt thành, quyết liệt, nhạy bén, sáng tạo của tập thể lãnh đạo đã góp phần làm nên môi trường giáo dục năng động, toàn diện của người học và người dạy.

Tinh thần tự học, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ chính là con đường mà GV Lam Sơn lựa chọn để từng bước tiếp cận xu hướng giáo dục hiện đại. Có những thầy, cô đã khẳng định được mình từ những chặng trước vẫn say mê đồng hành cùng thế hệ trẻ, tiếp tục cống hiến cho công tác bồi dưỡng HS giỏi của nhà trường, như các thầy, cô: Lê Văn Hoành, Trịnh Văn Hoa, Ngô Xuân Ái, Lê Hồng Điệp,Trịnh Thọ Trường, Nguyễn Thanh Sơn,Trịnh Thị Lan Anh,Nghiêm Quang Khải, Đỗ Xuân Phong, Vũ Thị Hải Yến, Hoàng Thị Hảo, Tống Lê Mỹ Linh, Lê Thị Lan, Lại Thị Thu Hiền…

Có những thầy, cô dù tuổi nghề còn trẻ nhưng đã sớm vững vàng trong chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của thế hệ tiếp nối, như: Mai Châu Phương, Phạm Thị Nga, Nguyễn Đặng Phú, Nguyễn Thị Phương, Lê Thị Thủy (A), Cao Hoàng Anh, Đỗ Thị Kim Quy, Hoàng Ngọc Tuyên, Phan Thị Hà, Lê Văn Đạt, Đỗ Thị Hằng… Tiềm lực được đánh thức, đội ngũ được bổ sung và nâng cao, thế hệ đi trước dẫn dắt thế hệ đi sau, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước đã tạo nên một khối vững mạnh đưa Lam Sơn vững bước trong sắc diện mới, tầm vóc mới.

Khát vọng vươn xa

Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã mở ra định hướng phát triển mới cho nhà trường với những thời cơ, vận hội mới.

Phấn đấu xây dựng THPT chuyên Lam Sơn trở thành trường chuyên chất lượng cao trọng điểm quốc gia, ngang tầm với khu vực và quốc tế vừa là trọng trách lịch sử vừa là tầm nhìn chiến lược của nhà trường trong giai đoạn tiếp theo. Chuyên Lam Sơn sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, thường xuyên để tạo dựng một môi trường giáo dục thân thiện, nhân văn, sáng tạo. Chuyên Lam Sơn sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lí, tiếp tục áp dụng các phương thức dạy học tiên tiến để bắt kịp xu hướng giáo dục hiện đại, nhanh chóng hội nhập và phát triển.

Tự hào về truyền thống 90 năm vẻ vang và rạng rỡ, hành trình hướng đến 100 năm của ngôi trường danh tiếng bậc nhất xứ Thanh đang mở ra với những hi vọng mới,cơ hội mới. Chúng ta tin tưởng rằng, bằng việc lấy những giá trị truyền thống làm điểm tựa, lấy sức thanh xuân và sáng tạo của hiện tại làm sức mạnh, trường THPT chuyên Lam Sơn sẽ cất cánh vươn xa, lập nên những thành tựu mới, xứng đáng với niềm tin yêu, kì vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ