Bao năm vững vàng nơi đầu sóng, trường đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh thành đạt, góp phần bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương. Kỷ niệm 40 năm thành lập trường, các thế hệ thầy trò tụ họp cùng nhau quay trở về ký ức xưa, tri ân mái trường, tri ân thầy cô và góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của ngôi trường thân yêu.
40 năm ấy biết bao nhiêu tình
Là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập trường, thầy Vũ Minh Châu - Hiệu trưởng đầu tiên của trường (năm 1978 - 1997) bồi hồi nhớ lại: Năm 1978, tôi cùng một số giáo viên nhận nhiệm vụ mở Trường PTTH VHVL Rạng Đông. Những ngày đầu thật khó khăn trong điều kiện gần như “tay không bắt giặc”. Cơ sở vật chất ban đầu chỉ là 6 gian nhà xây cấp 4 nhận bàn giao của bệnh xá nông trường để làm 3 lớp học cho 185 học sinh, 17 cán bộ, giáo viên. Thật khó kể hết những gian truân của thời kỳ “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”.
Khi đó cả nước khó khăn nên giáo viên cũng vô cùng vất vả. Nhiều thầy cô phải ở nhờ nhà dân. Ăn thiếu, ở khổ, cực hình nhất là khi đi Nam Định họp chuyên môn hay đi coi chấm thi chéo, mỗi ngày chỉ có 1 “chuyến xe bão táp” trên tuyến đường 55 “xấu nhất Đông Dương”. Giáo viên trường khác rất ngại về Rạng Đông công tác vì vừa xa vừa khó đi. Vượt lên tất cả mọi khó khăn, đội ngũ cán bộ giáo viên đã đoàn kết, đùm bọc thương yêu nhau, nhiều thầy cô đã sinh cơ lập nghiệp, trưởng thành từ mái trường này.
Khó ai tin được các thầy cô giáo từng một thời cứ hết giờ lên lớp lại tranh thủ trồng rau nuôi lợn. Trời rét căm căm vẫn đi nhổ mạ thâu đêm, trời nắng chang chang vẫn đi tưới khoai nhổ lạc. Con em giáo viên thời đó cũng là những kỳ thủ nhặt chóc, bóc lạc, mò cua, bắt ốc để góp phần với bố mẹ cải thiện bữa ăn hàng ngày. Sau này số lớp tăng lên, giáo viên không đủ, nhiều người phải dạy tới 24 tiết/tuần, chưa kể công tác kiêm nhiệm.
|
Thầy đã khổ, trò cũng vất vả không kém. Thầy Đỗ Minh Trọng (nguyên Hiệu trưởng năm 1997 - 2007) chia sẻ: Vì là trường vừa học vừa làm nên học sinh phải tham gia lao động đắp đê ngăn biển… Cơ sở vật chất nghèo nàn, mỗi khi trời mưa học sinh lại nháo nhác dồn chỗ ngồi vì lớp dột. Đây là một trong những lý do khiến nhiều phụ huynh không muốn cho con em thi vào trường. Đầu vào ít, cơ hội lựa chọn không nhiều, chất lượng học tập không cao là đương nhiên. Vì vậy, cả một thời gian dài tên trường luôn đứng ở tốp cuối của huyện và tỉnh. Đây không chỉ là nỗi băn khoăn của giáo viên mà còn là nỗi trăn trở của các cấp lãnh đạo và nhân dân miền hạ Nghĩa Hưng.
Thế nhưng, theo thầy Vũ Minh Châu, mọi khó khăn vật chất không thể so sánh được với những thử thách khi miền Bắc thực hiện cải cách giáo dục vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hệ thống giáo dục chuyển từ hệ 10 năm sang hệ 12 năm. Do khâu tuyển sinh khó khăn nên trường bị khuyết 1 khóa, số học sinh quá ít, trường đứng trước nguy cơ giải thể. Nỗi lo lớn nhất là học sinh sẽ học ở đâu? Công ăn việc làm của cán bộ giáo viên sẽ thế nào…?
Để tháo gỡ, Ban Giám hiệu nhà trường đã nỗ lực thuyết phục các cấp lãnh đạo cho sáp nhập với Trường THCS Rạng Đông thành Trường cấp II-III Rạng Đông để duy trì trường lớp. Đến năm 1996, lượng học sinh tăng dần, Trường THPT C Nghĩa Hưng chính thức được tách ra và ngày càng lớn mạnh. Đây được coi là quyết định vô cùng quan trọng của lãnh đạo nhà trường để Nghĩa Hưng C có được như ngày hôm nay.
|
Quả ngọt
40 năm qua, Nghĩa Hưng C đã trải qua 4 thế hệ hiệu trưởng, 11 thế hệ chủ tịch công đoàn, 13 thế hệ bí thư đoàn trường. Thầy Trần Văn Hạ - nguyên Hiệu trưởng Nghĩa Hưng C (năm 2007 - 2011) khẳng định: Dù là ai, ở cương vị nào, các thế hệ thầy và trò nhà trường đều nỗ lực chung tay góp sức làm cho trường thay da đổi thịt từng ngày. Đến nay, hầu hết đội ngũ giáo viên những khóa đầu đã về hưu, gần 12.000 học sinh các thế hệ đã ra trường chắp cánh vào đời. Đa số các em đã thành đạt, thành danh, tạo nghiệp vững vàng không chỉ ở địa phương mà ở trên cả nước và nước ngoài, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
Mỗi khi có dịp về lại trường xưa, ai cũng mừng vì khuôn viên trường ngày càng khang trang bề thế. Từ 3 phòng học cấp 4 ban đầu, nay trường đã có 4 dãy nhà cao tầng kiên cố với 11 phòng làm việc cho khu hiệu bộ, 30 lớp học, khu phòng học chức năng đầy đủ tiện nghi cho các bộ môn: Tiếng Anh, Tin học, Lý, Hóa, Sinh và phòng học thông minh. Bên cạnh đó là hệ thống phòng làm việc của giáo viên, CBNV, hội trường, nhà đa năng, hệ thống nước sạch cho toàn trường, sân chơi bãi tập… tạo nên môi trường sư phạm khoa học đẹp đẽ thân thiện.
Từ 17 cán bộ giáo viên với 3 lớp học đầu tiên, đến nay, trường đã có 30 lớp học với 1.091 học sinh, 78 lãnh đạo, giáo viên, nhân viên. Nối tiếp thế hệ giáo viên lâu năm có kinh nghiệm, tri thức vững vàng là các giáo viên trẻ tài năng và nhiệt huyết, trong đó có 1 tiến sỹ, 12 thạc sỹ, 100% giáo viên đạt chuẩn. Nếu như năm 1990 - 1991 là năm đầu tiên trường có 9 học sinh thi đỗ vào cao đẳng, trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp thì đến nay, hàng năm số học sinh đỗ đại học đạt tới 80 - 85%. Rất nhiều em thi đại học đỗ 2 - 3 trường, nhiều em đạt 28 - 29 điểm vào những trường tốp đầu như ĐH Bách khoa, ĐH Y Hà Nội, khối các trường quân đội, an ninh…
|
Cô Trần Thị Sự - Hiệu trưởng đương nhiệm của trường vui vẻ “khoe”: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và đỗ đại học ngày càng cao, số lượng học sinh giỏi và giáo viên giỏi ngày càng tăng. Điểm thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh vào lớp 10 của trường luôn đứng tốp 10 - 15/46 trường trong tỉnh. Từ năm học 1991 - 1992 đến nay, trường đã có 488 giải học sinh giỏi cấp Tỉnh (10 giải Nhất, 89 giải Nhì, 156 giải Ba và 233 giải Khuyến khích).
Nhiều năm được tặng cờ (1 cờ giải Nhì, 5 cờ giải Ba và 5 cờ giải Khuyến khích) cùng nhiều giải đồng đội. Lĩnh vực TDTT cũng đạt 80 giải cá nhân và 18 cờ toàn đoàn – một thành tích ngang ngửa với các trường tốp đầu của tỉnh. Đây không chỉ là niềm tự hào của học sinh, phụ huynh và giáo viên, mà còn là niềm vui của lãnh đạo các cấp trước sự trưởng thành qua từng năm của nhà trường.
Từ 1 trường ít ai biết đến ở những năm đầu mới thành lập, nay Nghĩa Hưng C đã trở thành cái tên đáng nể với vị thế luôn đứng ở tốp đầu của huyện và tỉnh. Thương hiệu Nghĩa Hưng C ngày càng được khẳng định. Chất lượng dạy và học của nhà trường ngày càng tiến bộ. Tập thể nhà trường luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến, riêng năm 2006, trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2014 - 2015 đạt “Tập thể lao động xuất sắc” và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Chi bộ nhà trường năm nào cũng đạt “trong sạch vững mạnh” hoặc “trong sạch vững mạnh xuất sắc”;
Công đoàn luôn giữ vững danh hiệu “Công đoàn cơ sở vững mạnh”; Đoàn Thanh niên năm nào cũng được Tỉnh đoàn, Trung ương Đoàn tặng Bằng khen. Năm 2017, trường được công nhận “Trường THPT đạt chuẩn quốc gia”. Rất nhiều thầy cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (năm 2017, thầy Trần Trọng Đôn đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia). Nhiều CBGV đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua các cấp, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND Tỉnh, Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn...
Riêng năm 2017 - 2018, trường đạt danh hiệu trường tiên tiến, học sinh lên lớp đạt 100%, trong đó trên 90% học sinh đạt hạnh kiểm khá tốt, trên 85% học sinh đạt học lực khá giỏi. 1 giáo viên được tặng Bằng khen của UBND tỉnh, 12 giáo viên đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 8 CBGV được nhận giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT, Công đoàn Ngành Giáo dục, Trung ương Đoàn Thanh niên…
Cô Sự khẳng định: Nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học; phát huy các lợi thế của nhà trường, tiếp tục đầu tư xây dựng đội ngũ nhà giáo về trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp. Đầu tư và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tiếp tục xây dựng nền nếp kỷ cương và khẳng định chất lượng GD-ĐT của nhà trường. Giáo dục các em nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện để sớm trở thành những công dân ưu tú, cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước. Nghĩa Hưng C đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành niềm tự hào của nhân dân, luôn tự hào sánh vai cùng các trường tốp đầu trong toàn tỉnh.
|
Nơi con tim tìm về
40 năm đã trôi qua, cổng trường Nghĩa Hưng C đã chào đón và tiễn đưa gần 12.000 học sinh nhập học rồi ra trường, mang theo những thành quả và ước mơ tới những chân trời mới. Trên 4.000 học sinh đã đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó có khoảng trên chục em đã là tiến sĩ và hàng trăm thạc sĩ. Nhiều em đã trở thành các nhà quản lý, lãnh đạo, các nhà khoa học, doanh nhân, tướng lĩnh quân đội.
Đặc biệt, hiện nay có 22 cựu học sinh đang công tác ở trường (chiếm gần 30% CBGV toàn trường). Điều đó không chỉ khẳng định uy tín của trường mà còn cho thấy Nghĩa Hưng C luôn là địa chỉ tin cậy và thân thiện. Chỉ riêng chuyện các cựu học sinh đề nghị được đứng ra tổ chức
Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường đã chứng tỏ tình cảm thiêng liêng, kỷ niệm về thầy cô, bạn bè luôn là dấu ấn in đậm trong trái tim mỗi học sinh khi ra trường. Nhiều cựu học sinh chia sẻ: Ai cũng tự hào được là học sinh của Nghĩa Hưng C. Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường là cơ hội để các cựu học sinh tri ân đến các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên và các thế hệ học trò, những người đã viết nên những trang sử vàng truyền thống cho nhà trường.
So với nhiều trường THPT trên cả nước thì 40 năm chưa phải là dài nhưng Nghĩa Hưng C đã phát hiện và bồi dưỡng nhiều thế hệ học trò biết vượt lên mọi gian nan, thử thách để học tập và thành tài. Các thế hệ giáo viên có quyền tự hào vì đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”, vào sự phát triển giáo dục và đào tạo thế hệ tương lai cho quê hương, đất nước.
Ai cũng có một thời cắp sách tới trường với những kỷ niệm buồn vui của tuổi dại khờ, những ánh mắt chưa kịp trao, những lời cảm ơn chưa kịp nói, những lời xin lỗi chưa kịp giãi bày… Tuổi thơ đi qua rồi, tất cả đều trở thành những ký ức đẹp không thể nào quên.
Quay đi ngoảnh lại, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu thầy cô đã chuyển công tác hoặc về hưu, bao nhiêu học sinh đã trưởng thành từ mái trường này. Trong tình cảm ấy có cả nỗi tiếc thương những thầy cô và bạn bè đã ra đi mãi mãi. Tri ân mái trường thân yêu, lớp anh trước, lớp em sau sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để Nghĩa Hưng C luôn là điểm tựa ấm áp, là niềm tự hào của nhân dân và học sinh miền hạ Nghĩa Hưng.