GD&TĐ - Ngày 2/8/2010, Bộ GD&ĐT ra Thông tư 24/2010/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú; ngày 21/12/2010, Thủ tướng ra Quyết định 85/2010/QĐ-TTg ban hành một số chế độ chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT đã tạo điều kiện cho Nghệ An xây dựng hệ thống trường PTDTBT.
Học sinh Trường PTDTBT Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) sinh hoạt ngoài giờ lên lớp |
Ngay sau khi có Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT và Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, Nghệ An đã xác định kế hoạch đến năm 2020 sẽ xây dựng hệ thống 42 trường PTDTBT ở cấp THCS. Thực tế, năm học 2011 - 2012 đã xây dựng được 7 trường; năm học 2012 - 2013 xây dựng thêm được 17 trường nữa, thành 24 trường và đã rút số trường có học sinh bán trú từ 68 trường xuống còn 44 trường.
Có một điều hết sức thuận lợi là từ tháng 1/2011 đến nay, mỗi năm 9 tháng học, các em học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% và tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiểu chung hàng tháng. Điều này đã giúp cho nhiều học sinh vùng cao không phải bỏ học vì kinh tế gia đình khó khăn.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện tại ở 24 trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 263 phòng ở cho học sinh (107 phòng kiên cố và 156 phòng tạm); 679 giường nằm; 3 bếp ăn được trang bị đồ dùng và chưa hề có các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, công trình phục vụ học sinh hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.
Với cơ sở vật chất quá nghèo nàn như vậy nên việc bán trú của học sinh còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong số 11.825 học sinh bán trú của năm học 2012 - 2013, mới chỉ có 730 em được ăn ở bán trú tại trường, còn lại 11.095 em khác đang phải tự lo nơi ăn, chốn ở.
Giáo viên Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) tập huấn ứng dụng tin học vào giảng dạy |
Theo dự kiến, đầu năm học 2013 - 2014, Nghệ An sẽ xây dựng và đưa thêm 4 trường PTDTBT vào hoạt động, nhưng điều này đã không thành hiện thực. Ông Nguyễn Phùng Đạt - Phó Trưởng ban Ban Giáo dục miền núi và dân tộc (Sở GD&ĐT Nghệ An) - cho biết:
Đề án về việc thành lập hệ thống trường PTDTBT đã được phê duyệt, nhưng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục quá ít ỏi nên lộ trình đưa các trường đi vào hoạt động không đạt tiến độ. Thực tế, việc xây dựng hệ thống trường PTDTBT được dựa trên các trường THCS (hoặc trường THCS và tiểu học) đã có, nên cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học (như phòng học, phòng thực hành, thư viện,…) không có gì khó khăn.
Cái khó của việc xây dựng hệ thống trường PTDTBT nằm ở 3 nội dung khác: Khó khăn đầu tiên là việc mở rộng khuôn viên nhà trường để có đủ diện tích xây dựng các công trình phục cho hoạt động bán trú. Khó khăn thứ hai là kinh phí để xây dựng các công trình phục vụ cho học sinh bán trú và mua sắm trang thiết bị cho các công trình này. Thứ ba là kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý bán trú, trong đó bao gồm cả chế độ thuê người làm nhiệm vụ nấu ăn cho học sinh bán trú.
Còn ông Sầm Hồng Lệ - Trưởng phòng GD&ĐT Quế Phong- cho biết: Quế Phong hiện có 14 trường THCS thì 2 trường là trường PTDTBT, 9 trường khác có học sinh bán trú. Theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, các trường PTDTBT được Nhà nước hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ bán trú.
Nhưng 3 năm qua, Trường PTDTBT Tri Lễ và Trường PTDTBT Thông Thụ chỉ mới được Nhà nước hỗ trợ xây dựng 35 phòng ở cho học sinh; cả hai trường còn thiếu 20 phòng ở và toàn bộ các công trình khác phục vụ sinh hoạt bán trú của học sinh.
Về chế độ cho cán bộ, giáo viên quản lý bán trú thì đã có (tỷ lệ giáo viên/lớp bán trú được nâng từ 1,9 giáo viên/lớp lên 2,2 giáo viên/lớp và số giáo viên này được hưởng phụ cấp bằng 0,3 mức lương cơ bản), nhưng tiền thuê nhân viên nấu ăn phục vụ học sinh bán trú không có, vì vậy các trường phải trích một ít từ tiền ăn của các em để chi cho công việc này.
Theo ông Lệ, giá như Nhà nước có chế độ hỗ trợ tiền để nhà trường thuê nhân viên nấu ăn cho học sinh bán trú hàng ngày, khỏi phải trích từ tiền ăn của các em thì rất tốt, bởi thực tế tiền ăn của các em không được nhiều.
Mô hình trường PTDTBT được xác định, xây dựng và phát triển ở Nghệ An từ 3 năm nay. Cùng với hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, hệ thống trường PTDTBT đã thực sự góp sức vào việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục miiền núi và dân tộc của tỉnh.
Tuy nhiên, như đã nói, hệ thống trường PTDTBT đang gặp không ít khó khăn. Thiết nghĩ, để các trường PTDTBT phát huy tốt tác dụng, UBND tỉnh Nghệ An cần có giải pháp để mở rộng khuôn viên, tăng quỹ đất cho các trường này theo tiêu chuẩn đã được Nhà nước quy định; mặt khác, các Bộ, ngành ở Trung ương có liên quan cần bố trí đủ và kịp thời kinh phí hỗ trợ các trường PTDTBT và học sinh bán trú mà Thủ tướng đã quy định tại Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg.
Minh Đức