Trường nghề tận dụng thời gian đào tạo thực hành trực tiếp

GD&TĐ - Trường nghề có đặc thù thời lượng tiết thực hành chiếm 70% chương trình đào tạo. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến nhiều cơ sở đào tạo nghề tại Nghệ An phải chuyển sang dạy học online.

Tiết dạy thực hành trực tuyến của thầy Phạm Xuân Công – Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.
Tiết dạy thực hành trực tuyến của thầy Phạm Xuân Công – Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.

Điều này ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo cũng như cơ hội thực hành, thực tập của học sinh, sinh viên. Để khắc phục, các nhà trường đã xây dựng lại chương trình năm học, thời khóa biểu, tận dụng thời gian dạy thực hành trực tiếp, đảm bảo chất lượng đầu ra.

Trường nghề lo lắng chất lượng dạy học trực tuyến

Trường Cao đẳng Việt Đức (Nghệ An) có phần lớn học sinh nhà ở các huyện vùng nông thôn, miền núi, được hỗ trợ ở ký túc xá miễn phí. Tuy nhiên, gần 1 tháng nay, khu vực ký túc liên tục xuất hiện ca F0, gắn biển cách ly trở thành nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Lúc cao điểm, nhà trường phát hiện có tới 50 học sinh, sinh viên là F0, phải chuyển sang dạy trực tuyến.

Ông Cao Anh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Dạy học online đối với trường nghề về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như khả năng tiếp thu của học sinh, sinh viên. Vì vậy, tuần này, dịch bệnh ổn định, nhà trường sẽ đón học sinh trở lại trường. Khi các em đi học, trường phối hợp với cơ quan y tế test nhanh Covid-19 để sàng lọc F0, hỗ trợ toàn bộ tiền điều trị, ăn ở cho những trường hợp này. Còn lại tổ chức dạy học trên cơ sở đảm bảo 5K.

Tương tự, ký túc xá của Trường Cao đẳng Du lịch – Thương mại Nghệ An hiện có nhiều phòng dán biển phòng đang cách ly do thời gian qua, trường xuất hiện hàng chục ca F0 là học sinh, sinh viên. Do các em theo học đều ăn ở tập trung tại ký túc xá hoặc nhà trọ cạnh trường, nên nguy cơ lây nhiễm cao. Lớp quốc tế Đức ngành Quản trị lễ tân chỉ 16 học viên, nhưng có thời điểm 70% lớp là F0, phải dừng học trực tiếp. Trước đó, trong suốt học kỳ I, nhà trường đã phải đào tạo trực tuyến do trường đóng tại thị xã Cửa Lò - điểm nóng dịch bệnh của Nghệ An.

Ông Phan Đăng Trường – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường - cho biết: “Thời điểm học sinh chưa thể đến trường, chúng tôi dạy học online cho học sinh các tiết học về lý thuyết. Với một trường nghề có 70% số tiết là thực hành, thì việc học online không đạt hiệu quả như mong đợi. Các tiết thực hành hầu như chưa thể triển khai, hoặc chỉ triển khai một phần. Đối với những em năm cuối sẽ rất thiệt thòi, nguy cơ thiếu hụt kiến thức, kỹ năng, tay nghề”.

Trong khi đó, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc từ đầu năm học đã chỉ đạo giáo viên dạy một số tiết thực hành qua trực tuyến. Sau nhiều tháng triển khai, thầy Phạm Xuân Công, giảng viên Khoa Công nghệ ô tô đã thành thạo hướng dẫn sinh viên qua máy tính xách tay và ứng dụng camera tự động.

Để giúp sinh viên thuận tiện quan sát, thầy đứng chếch với camera, vừa thao tác thiết bị dạy học, vừa điều chỉnh máy quay hướng từng chi tiết máy móc. Nhờ vậy, học sinh, sinh viên F0 hoặc trong thời gian nghỉ học tại trường vẫn có thể theo học và tương tác thường xuyên với thầy giáo. Nhưng giảng viên này cũng thừa nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, vì với môn thực hành chuyên sâu, chỉ có dạy trực tiếp ở trường với xưởng, máy móc, thiết bị hiện đại mới triển khai được.

Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức test sàng lọc F0 khi đón học viên, sinh viên trở lại trường.
Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức test sàng lọc F0 khi đón học viên, sinh viên trở lại trường.

Tận dụng kẽ hở thời gian để đào tạo thực hành

Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Vinh (Nghệ An), phần lớn học sinh đều tham gia song song 2 chương trình văn hóa THPT và đào tạo nghề. Ông Nguyễn Khắc An – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: “Đối với chương trình văn hóa, nhà trường phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Vinh để dạy cho học sinh. Còn chương trình nghề, chúng tôi tận dụng mọi kẽ hở thời gian trong năm học để dạy trực tiếp phần thực hành”.

Theo ông Nguyễn Khắc An, trước đó, nhà trường đã giao cho giáo viên tách phần lý thuyết và các mô-đun, bài thực hành có thể quay clip hướng dẫn học sinh. Tuy nhiên, đặc thù của trường nghề trong dạy thực hành phải có phần giao cho học sinh làm thử, thao tác trực tiếp trên thiết bị, nguyên liệu… mà rất khó đáp ứng qua online. Một mặt không có giáo viên trực tiếp chỉ dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả. Mặt khác, học sinh của trường phần lớn là con em nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn. Các em ở nhà không đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, đồ dùng để thực hành, làm thử.

Vì thế, trong năm học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Vinh vẫn tận dụng mọi dịp có thể dạy trực tiếp để tập hợp học sinh quay lại trường. Trong khoảng thời gian đó, tăng cường số tiết, tăng ca để bù đắp, đẩy kịp chương trình đào tạo, nhất là cho học sinh năm cuối.

Lớp Kỹ thuật chế biến món ăn quốc tế, Trường Cao đẳng Du lịch – Thương mại Nghệ An cũng quyết định cho sinh viên quay lại đi học giữa mùa dịch. Đây là thời điểm các em chuẩn bị cho bài thi giữa kỳ theo đúng giáo trình nước ngoài. Để đảm bảo an toàn, nhà trường thực hiện “3 tại chỗ” cho cả sinh viên và giảng viên trong trường. Đồng thời bố trí sinh viên học thực hành theo từng nhóm nhỏ, nếu dịch bùng phát ở đâu sẽ khoanh vùng tại đó để không ảnh hưởng đến sinh viên khác.

Với hơn 2.000 sinh viên các khoa ngành, Trường Cao đẳng nghề Du lịch và Thương mại vẫn bố trí, sắp xếp lại thời khóa biểu, chia thành nhiều ca học để đảm bảo giãn cách. “Điều này sẽ gây khó khăn trong việc bố trí giáo viên. Giáo viên cũng vất vả hơn do tăng gấp đôi, gấp ba số tiết đứng lớp, bỏ nhiều công sức để chuẩn bị cả giáo án trực tiếp lẫn trực tuyến. Nhưng trong hoàn cảnh này đây là giải pháp tối ưu nhất và tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường cũng thống nhất”, ông Phan Đăng Trường – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho hay.

Năm học 2021 - 2022, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc cũng xác định ưu tiên dạy học trực tiếp. Trừ thời điểm dịch bệnh căng thẳng, số sinh viên, học viên là F0 tăng cao, còn lại đều tổ chức dạy học bình thường. Ông Nguyễn Công Thắng – Phó Hiệu trưởng nhà trường - thông tin: Nhận định dịch bệnh sẽ còn kéo dài, nhà trường đã yêu cầu các khoa xây dựng lại kế hoạch đào tạo của năm học phù hợp, linh hoạt với thực tiễn.

“Những năm học khác, thời khóa biểu thường chỉ điều chỉnh 1 học kỳ/lần nhưng nay chúng tôi có thể sắp xếp theo từng tuần. Cụ thể lý thuyết chuyên ngành dạy học trên nền tảng trực tuyến, các môn thực hành cơ bản nhà trường yêu cầu giảng viên dạy cho sinh viên qua clip. Riêng môn thực hành chuyên sâu, chúng tôi tận dụng thời gian vàng để tổ chức dạy tại trường. Bên cạnh đó dạy học cả thứ 7, Chủ nhật để kịp chương trình đào tạo”, ông Nguyễn Công Thắng nói.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, khi hoạt động đào tạo bị gián đoạn liên tục bởi dịch bệnh, việc thích ứng là điều mà các trường nghề hướng tới. Cùng lúc áp dụng nhiều hình thức đào tạo trực tiếp, trực tuyến, nhưng ưu tiên nhất vẫn là để sinh viên được học và thực hành tại trường, thực tập tại doanh nghiệp. Bởi nếu kéo dài việc học online, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, sinh viên. Cùng với đó là thiệt thòi về cơ hội thực hành, thực tập, tìm kiếm việc làm của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.