Ngã rẽ hấp dẫn
Với chủ trương phân luồng sau tốt nghiệp THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp (TT GDTX-GDNN), các trường trung cấp, cao đẳng nghề trở thành lựa chọn của nhiều học sinh.
Nhiều gia đình đã lựa chọn TT GDTX-GDNN hay trường nghề cho con theo học, vừa học THPT lại có thêm “cái nghề” dắt lưng. Học sinh cũng hiểu rằng, học nghề không phải là “hết đường” để học tiếp. Việc học liên thông, đại học sẽ dễ dàng nếu đã có bằng trung cấp hay cao đẳng nghề. Học nghề còn giúp các bạn trẻ có thêm nhiều cơ hội tham gia thị trường lao động trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân từng cho biết, bên cạnh lựa chọn con đường THPT, học hệ trung cấp và CĐ nghề là lựa chọn phù hợp với nhiều học sinh tốt nghiệp THCS. Hiện thị trường lao động và các doanh nghiệp đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì chỉ quan tâm tới bằng cấp như trước đây.
Học song bằng sau THCS là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Nếu các em được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS, xã hội sẽ có thêm nhiều người lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo. Ngoài ra, các em có ý chí, hoàn toàn có thể trở thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ vào thời điểm phù hợp. Bên cạnh đó, với mức học phí ĐH ngày càng cao, học trung cấp sẽ phù hợp với các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bởi các em được miễn học phí và có thu nhập sớm.
Ông Phạm Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội cho rằng: Lợi thế của học nghề là tiết kiệm thời gian, đỡ gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Sẵn sàng đón học sinh
ThS Đặng An Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công Nghiệp (Hà Nội) cho biết: Nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động, nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc cải tiến chương trình đáp ứng điều kiện thực tế tại doanh nghiệp, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ... Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, nhà xưởng, thiết bị phục vụ đào tạo cơ bản và thực tế doanh nghiệp; xây dựng môi trường giáo dục an toàn.
Ngoài chế độ chính sách theo quy định với học sinh, sinh viên như miễn, giảm học phí, học bổng khuyến khích..., nhà trường còn hỗ trợ học sinh tìm kiếm học bổng, thực tập trải nghiệm tại doanh nghiệp. Nhà trường đồng thời kết nối việc làm thêm tại doanh nghiệp và cam kết với người học sau khi tốt nghiệp sẽ giới thiệu và bố trí việc làm đến doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, vài năm gần đây, với những bước đầu tư và phát triển bài bản, nhiều trung tâm GDTX, trường nghề tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Điều này cho thấy, chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS (hệ 9+) đã chứng minh tính đúng đắn và hữu dụng trong thực tế triển khai.
Theo ông Phan Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm GDNN–GDTX huyện Đông Anh (Hà Nội), lượng học sinh có nhu cầu học để có bằng nghề cùng lúc với bằng tốt nghiệp THPT ngày càng tăng. Thuận lợi của mô hình này là Trung tâm GDNN-GDTX ký liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề để đào tạo văn hóa. Hiện, Trung tâm GDNN–GDTX huyện Đông Anh có gần 900 học sinh học tại trung tâm và liên kết đào tạo hơn 4 nghìn học sinh của 5 trường nghề trên địa bàn. Các trường đều hài lòng về chất lượng đào tạo liên kết.
Ông Phan Thanh Dũng nhấn mạnh: Với lợi thế trường công lập, bảo đảm chất lượng và duy trì nền nếp, học phí theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố (95 nghìn đồng/tháng), mặc dù có cạnh tranh với các trường nghề nhưng TT GDTX vẫn thu hút lượng người học ổn định, luôn tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao của sở GD&ĐT.
Để chuẩn bị kỳ tuyển sinh năm 2021, Trung tâm đã lên kế hoạch cụ thể, mở rộng thêm các mã nghề theo nhu cầu của thị trường lao động để học sinh lựa chọn theo học.
Về phương thức tiếp cận thí sinh, Giám đốc Phan Thanh Dũng chia sẻ: Nhà trường phối hợp với các cơ sở GDNN trong và ngoài địa bàn, tỉnh lân cận tổ chức tư vấn tuyển sinh đến thí sinh, doanh nghiệp, nhân dân địa phương bằng nhiều hình thức online, offline, gián tiếp hoặc trực tiếp. Hàng năm, căn cứ nhu cầu học nghề và nhu cầu thị trường tuyển dụng của doanh nghiệp, địa phương và xã hội, trường đã đăng ký và mở thêm một số nghề mới để học sinh lựa chọn.
Hiện nay, thị trường lao động đang ưu tiên tuyển ứng viên có chuyên môn tốt hơn là sính bằng cấp, không ít bạn trẻ sau khi tốt nghiệp “song bằng” tại các trung tâm GDNN–GDTX hay các trường trung cấp, cao đẳng nghề đã và đang chứng tỏ năng lực cạnh tranh về tay nghề, kỹ năng nghề ở trong nước và quốc tế. Đó là minh chứng cho thấy, sự đúng đắn của chủ trương phân luồng học sinh từ bậc THCS và tín hiệu vui cho thị trường lao động.