Giao quyền tự chủ, sáng tạo đến từng giáo viên
Để thi đua đạt thành tích tốt, Trường THPT Yên Thế đã đề ra 6 nội dung chính để chú trọng thực hiện. Trong đó, nội dung thứ nhất nhấn mạnh về xây dựng nhận thức, tạo sự đồng thuận trong GV và HS.
“Bởi vì tập thể GV có nhận thức được vai trò trách nhiệm đối với chất lượng GD của nhà trường, với công tác đào tạo nhân tài thì mới toàn tâm toàn ý đầu tư cho công tác giảng dạy và GDHS. HS có nhận thức được học để có kiến thức, nghề nghiệp, cuộc sống tốt hơn cho bản thân, gia đình và xã hội thì mới ra sức cố gắng học tập tốt nhất”- Cô Hoàng Thị Hạnh bày tỏ.
Thứ hai, nhà trường tập trung xây dựng nền nếp, trật tự kỷ cương trong nhà trường. Kinh nghiệm thực tiễn của nhà trường cho thấy, muốn đạt được chất lượng giáo dục cao phải có nền nếp, trật tự kỷ cương tốt. Vì vậy, Ban giám hiệu luôn chú ý đến việc xây dựng nền nếp, kỷ cương trong nhà trường không chỉ đối với học sinh mà cả đối với giáo viên.
Nội dung thứ 3 đó là thường xuyên quan tâm xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ GV. Bởi lãnh đạo nhà trường nhận thức rằng chất lượng đội ngũ GV là khâu then chốt quyết định chất lượng GD.
Cô Hoàng Thị Hạnh cho biết: “Lãnh đạo nhà trường đã định hướng và phối kết hợp với các tổ chức chính trị trong trường quan tâm bồi dưỡng nhận thức cho cán bộ GV về vai trò, trách nhiệm của bản thân trước yêu cầu GD hiện nay. Tạo môi trường đoàn kết, thân ái, dân chủ để giáo viên tự tin và tự giác cống hiến. Quan tâm tạo điều kiện kích thích GV tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Không để GV đơn độc trong đổi mới phương pháp dạy học, các tổ chuyên môn phải hình thành giáo viên cốt cán về đổi mới phương pháp dạy học”.
Ban giám hiệu thường xuyên tổ chức dự giờ thăm lớp và nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn với nội dung phong phú, thiết thực, động viên tinh thần cầu thị trong tự bồi dưỡng của GV, GD ý thức khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp.
“Khi phân công GV dạy bộ môn và chủ nhiệm ở các lớp, chúng tôi luôn chú ý đến sự cân đối giữa giáo viên có kinh nghiệm và GV ít kinh nghiệm, giữa GV dạy nhiều năm và GV mới, và đặc biệt chú ý đến việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho GV”- Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thế nêu kinh nghiệm.
Điều thứ 4 nhà trường chú trọng, đó là đổi mới hoạt động quản lý bằng việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm tới từng tổ chuyên môn, từng GV. Theo cô Hoàng Thị Hạnh, bằng cách này, nhà trường đã tạo ra quyền chủ động và không gian sáng tạo cho từng GV, nhờ đó GV mới mạnh dạn đổi mới nội dung, phương pháp và kĩ thuật dạy học. Các phương pháp và kĩ thuật dạy học được vận dụng linh hoạt để phát triển năng lực, hài hoà giữa dạy chữ và dạy người.
Nội dung thứ 5 nhà trường luôn hướng tới là tạo cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và công đoàn trường trong chỉ đạo, vận động thực hiện các phong trào thi đua. Chính quyền điều hành công việc bằng mệnh lệnh, quyết định; công đoàn vận động thực hiện mục tiêu thông qua việc khơi gợi tự trọng nghề nghiệp của mỗi cán bộ giáo viên, đánh thức trong họ tình yêu nghề, khơi dậy sự ham mê đối với công tác giảng dạy để họ tự giác thực hiện nhiệm vụ.
Nội dung thứ 6 được nhà trường thực hiện là qua mỗi đợt thi đua đều có sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, chỉ ra những cá nhân thực hiện tốt, những cá nhân thực hiện chưa tốt, khen thưởng động viên những người làm tốt, phê bình những người làm chưa tốt và rút kinh nghiệm cho lần sau.
Đáng quý là tinh thần vượt khó
Trong những năm qua Trường THPT Yên Thế đã chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động. Cô Hoàng Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thế - cho biết: “Để đạt được kết quả trong phong trào thi đua ấy, chúng tôi đã phải thật quyết tâm. Bởi lẽ, Trường THPT Yên Thế là trường nằm trên địa bàn huyện miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, chất lượng đầu vào của học sinh còn khá khiêm tốn”.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trường đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, quy mô trường lớp ổn định. Đó chính là điều kiện thuận lợi cho nhà trường tổ chức các hoạt động GD toàn diện HS và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua.
“Trong công tác chỉ đạo, chúng tôi đã cụ thể hóa các phong trào thi đua tại đơn bằng cách xây dựng nội quy, quy chế làm việc; tác phong giảng dạy; vận động thầy, cô giáo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, tích cực viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, tìm tòi phương pháp dạy học hay để áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. Khuyến khích HS hăng say tìm tòi kiến thức, chú trọng công tác tự học”- cô Hoàng Thị Hạnh cho biết.
“Nhờ có sự vào cuộc nhiệt tình của cả đội ngũ nhà giáo, nên trong 5 năm qua chất lượng GD của trường chúng tôi khá ấn tượng. Kết quả GD toàn diện ổn định. Chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh luôn đứng trong top các trường dẫn đầu, kết quả thi tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, năm nào cũng có những học sinh xuất sắc, nhiều môn thi có học sinh đạt điểm tuyệt đối”- cô Hoàng Thị Hạnh nêu.
Với thành tích đạt được trong công tác GD toàn diện, bồi dưỡng HS giỏi các cấp, tham gia các phong trào thi đua, nên trong giai đoạn 2015 - 2020, nhà trường liên tục được công nhận “Tập thể lao động xuất sắc” cấp tỉnh...
“Thành tích của Trường THPT Yên Thế chúng tôi trong 5 năm qua còn khiêm tốn. Song có thể ghi nhận ở đây một điều đáng quý là tinh thần vượt khó đi lên của của tập thể cán bộ, GV, HS của nhà trường. Kết quả ngày hôm nay của Trường THPT Yên Thế mới chỉ là kết quả của những cố gắng ban đầu. Chặng đường sắp tới còn dài, còn gian nan, đặt ra nhiều thách thức trong việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới SGK, đổi mới phương pháp dạy học. Chắc chắn chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa…” - cô Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh.