Trường mẫu giáo tại Trung Quốc đóng cửa hàng loạt vì tỷ lệ sinh giảm

GD&TĐ - Nhiều trường mẫu giáo tư thục vừa và nhỏ tại Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì tỷ lệ nhập học giảm trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm.

Nhiều trường tư thục Trung Quốc phải đóng cửa vì không có học sinh.
Nhiều trường tư thục Trung Quốc phải đóng cửa vì không có học sinh.

Các chuyên gia gợi ý biện pháp “cứu nguy” cho những trường này.

Ngày 31/8, bố mẹ Keke đưa con gái đi nhập học tại một trường mẫu giáo công lập ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Cùng ngày, tên em có trong danh sách nhập học của một trường mầm non tư thục nhưng gia đình quyết định cho Keke học trường công.

Mẹ của Keke cho biết: “Thật may mắn khi con gái tôi có thể vào học trường công lập này. Chúng tôi chỉ cần trả học phí 5.000 nhân dân tệ một kỳ thay vì một tháng. Vì hàng xóm không thể đăng ký cho con vào trường công trong 2 năm liên tiếp nên chúng tôi nộp hồ sơ vào trường tư để phòng trừ”.

Keke là một trong những đứa trẻ may mắn vào được công lập do tỷ lệ nhập học mầm non trên toàn quốc có xu hướng giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tỷ lệ tuyển sinh thấp sẽ đặt ra thách thức cho sự tồn tại và phát triển của các trường mầm non, đặc biệt là trường tư thục vừa và nhỏ.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2022, có 289 nghìn trường mẫu giáo, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu mức giảm đầu tiên trong một thập kỷ. Số trẻ em đăng ký học mầm non là 46,3 triệu, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng tại thành phố Hàng Châu, 6 trường tư thục ở quận Gongshu không có học sinh dự kiến đóng cửa sau khi giấy phép hoạt động hết hạn vào tháng 10 năm sau. Còn hồi tháng 11, Hồ Nam trở thành tỉnh đầu tiên phê duyệt phương án trường mẫu giáo cấp tỉnh với mục tiêu thúc đẩy việc thành lập, chuyển đổi và đóng cửa có tổ chức các trường không có học sinh.

Cụ thể, tỉnh sẽ xây dựng, mở rộng hoặc cải tạo các trường mẫu giáo công lập ở khu vực thành thị có dân cư tập trung; tạm dừng xây mới trường ở khu vực nông thôn. Tại những khu vực có ít trẻ em, trường học có thể sáp nhập hoặc đóng cửa.

Bà Yu Xueping, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo số 1 tỉnh Giang Tô, nhận định số lượng trường mẫu giáo và trẻ em nhập học giả do tỷ lệ sinh thấp. Dữ liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia cho thấy Trung Quốc có 9,56 triệu trẻ em sơ sinh vào năm 2022, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng dân số cả nước giảm 850 nghìn người, đánh dấu mức suy giảm đầu tiên trong thế kỷ 21 do ảnh hưởng từ mức sinh thấp.

Theo quan sát của Hiệu trưởng Yu, dù tỷ lệ sinh giảm nhưng các trường mẫu giáo công lập chưa bị ảnh hưởng. Đơn cử, tỷ lệ tuyển sinh năm 2023 tại trường của cô Yu còn tăng nhẹ.

Đồng tình với nhận định trên, ông Wang Haiying, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách giáo dục mầm non tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, cho rằng tỷ lệ sinh giảm ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất lên các trường mẫu giáo tư thục. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi cho các trường tư thục để đảm bảo hoạt động của mô hình này.

Ông Wang đề xuất cho phép các trường mẫu giáo tư thục quy mô nhỏ đáp ứng tiêu chuẩn giảng dạy tuyển sinh sớm. Đồng thời, các trường công lập phải xây dựng quy định kiểm soát số lượng trẻ em nhập học để đảm bảo nhiều mô hình trường mẫu giáo có thể hoạt động cùng lúc.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc, tổng tỷ suất sinh (số con đã sinh ra sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ) vào năm 2022 là 1,09. Đây là mức thấp nhất ở các quốc gia có dân số trên 100 triệu người.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.