Đầy rẫy khó khăn…
Mường Nhà là xã biên giới khó khăn của huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) với đa phần là đồng bào: Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống. Đời sống của người dân nơi đây còn vô cùng thiếu thốn. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nương rẫy nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Cùng với đó là địa bàn rộng, dân cư sinh sống rải rác, giao thông đi lại khó khăn.
Cô Quàng Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Nhà (xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) còn nhớ như in ngày đầu thành lập. Khi đó là thời điểm năm 2003, trường chỉ có một điểm chính ở trung tâm xã và 5 điểm bản lẻ như: Na Phay, Phì Cao, Bản Ban, Huổi Sa Lăng và Pha Thanh.
Đường lên điểm trường Pha Thanh năm học 2022 - 2023. |
Do địa hình chia cắt mạnh, địa bàn lại rộng nên các điểm lẻ cách xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn. Lúc ấy không có sóng điện thoại như bây giờ nên công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc gặp vô số khó khăn.
Trẻ nhỏ ở đây nghe tiếng phổ thông cũng chẳng khác gì ngoại ngữ nên việc nhận thức cũng vì thế mà không đồng đều. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế của đại bộ phận nhân dân còn nghèo nên việc huy động các nguồn đóng góp để tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế.
“Tập thể giáo viên nhà trường luôn nỗ lực hết mình để trẻ được phát triển cả thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ theo độ tuổi. Chúng tôi luôn phấn đấu duy trì trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp, bảo đảm thực hiện mục tiêu phổ cập. Cùng với đó là đáp ứng được chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và để trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Mong muốn tất cả có đủ năng lực và tiếng Việt để bước vào lớp 1. Như hiện nay, để đáp ứng tốt Chương trình GDPT 2018 thì các cô giáo đã phải cố gắng rất nhiều” cô Nhung chia sẻ thêm.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện cùng đoàn thiện nguyện "Con cá cho con" lên khánh thành và bàn giao điểm trường Pha Thanh. |
Khó khăn ngày trước dù đã dần “vơi” đi, song vẫn còn đầy rẫy ở phía trước. Xã Mường Nhà hiện vẫn còn 2 bản chưa có điện lưới quốc gia. Điều này khiến cho việc dạy học cũng như đời sống sinh hoạt của cô trò nơi đây còn nhiều gian nan.
Không những thế, trường vẫn còn có một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, có thể kể đến như: bố mẹ ly hôn, con nhỏ bơ vơ; phụ huynh mắc tệ nạn xã hội, không quan tâm đến việc học tập của con em... Cũng vì thế dẫn đến chất lượng học tập chưa được như mong muốn.
Cô là mẹ…và các cháu là con!
Giáo dục mầm non vốn đã khó, nhưng với vùng dân tộc thiểu số, biên giới còn khó khăn hơn gấp bội phần. Sở dĩ nói vậy, bởi đơn cử như ở đây các em đồng thời phải học cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt cùng kiến thức.
Ý thức được điều này, tập thể sư phạm trường Mầm non Mường Nhà đã đồng lòng, nhất trí cùng quyết tâm vượt khó. Để giải quyết vấn đề bất đồng ngôn ngữ, nhà trường đã đề ra từng giải pháp cụ thể để thực hiện. Nhà trường xác định, vấn đề tiên quyết đó là nâng cao chất lượng đội ngũ. Để làm được điều này, cùng với việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trường đã cử 4 giáo viên tham gia bồi dưỡng tiếng dân tộc. Sau quá trình đào tạo, những giáo viên này được cấp chứng chỉ, trở về dạy song ngữ.
Lễ đón Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 (năm học 2014 - 2015). |
Bên cạnh đó, nhà trường cũng ưu tiên phân công giáo viên là người dân tộc thiểu số tham gia giảng dạy tại những địa bàn có học sinh đặc thù. Ví dụ như, với giáo viên là người Thái sẽ được phân công phụ trách tại địa bàn có nhiều đồng bào Thái sinh sống.
Với hai giải pháp như trên, Trường Mầm non Mường Nhà đã giải quyết căn bản vấn đề đội ngũ, từng bước tháo gỡ khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ giữa cô – trò.
Không những thế, Ban Giám hiệu nhà trường còn yêu cầu giáo viên chú trọng tới việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Trường đã tổ chức nhiều buổi giao lưu tiếng Việt, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho trẻ. Qua mỗi buổi giao lưu, giáo viên gợi ý để trẻ tự giới thiệu về bản thân, gia đình, trường lớp, địa phương nơi các em đang sinh sống. Qua đó, giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp hàng ngày.
Song song với đó, nhà trường còn thường xuyên quan tâm bồi dưỡng đội ngũ về phương pháp dạy học sao cho phù hợp với trẻ em của vùng miền. Với mỗi cá nhân giáo viên cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để thu hút học sinh.
Trong chuyên môn, nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyên đề, tiết dạy mẫu để giáo viên trao đổi kinh nghiệm, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với tình hình thực tế.
Nhờ nỗ lực trong suốt thời gian qua nên đến nay 19/19 giáo viên nhà trường đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Cũng vì thế mà chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao. Các chỉ tiêu về sĩ số, chất lượng chăm sóc và giáo dục năm sau cao hơn năm trước.
Đến nay 100% cán bộ, giáo viên nhà trường có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. |
Đơn cử như năm học 2021- 2022, trường có 13 lớp với 321 trẻ thì tỷ lệ chuyên cần đạt gần 99%. Tất cả trẻ đến trường đều được ăn bán trú. Dưới sự chỉ đạo, giám sát của Ban giám hiệu nhà trường, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo. Bữa ăn hàng ngày của trẻ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Ở trường, 100% trẻ được kiểm tra sức khỏe và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng. Cũng trong năm học qua, tỷ lệ trẻ đạt chuẩn về chiều cao, cân nặng chiếm trên 95%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm 0,4%.
Bằng tình yêu thương con trẻ và những nỗ lực không ngừng trong suốt thời gian qua, Trường Mầm non Mường Nhà đã liên tiếp “gặt hái” thành công trong nhiều năm liền. Gần đây nhất là năm học 2021 – 2022, nhà trường đã được UBND tỉnh tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; UBND huyện Điện Biên tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến ”. 1 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 25 cá nhân trong trường đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 3 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và 3 cá nhân được UBND huyện tặng Giấy khen.