Trường lo lắng vì trò… thoát nghèo

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ lớn cho học sinh DTTS, vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An.

Tổ chức bán trú là điểm tựa để giữ chân học trò vùng miền núi khó khăn.
Tổ chức bán trú là điểm tựa để giữ chân học trò vùng miền núi khó khăn.

Nhiều năm qua, Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ lớn cho học sinh DTTS, vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An. 

Điều đáng mừng này, lại là nỗi lo lớn của nhiều trường, đặc biệt đối với trường dân tộc bán trú. Bởi khi bị cắt nguồn trợ cấp, nguy cơ học sinh bỏ học lớn. 

Bán trú – giữ chân trò vùng cao đến trường

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PT DTBT) THCS Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có 100% học sinh người Mông. Mường Lống được mệnh danh là cổng trời xứ Nghệ, vì cách xa trung tâm huyện, trong xã có nhiều bản vùng sâu, biệt lập. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục của Mường Lống những năm qua luôn nằm trong tốp đầu của huyện và có học sinh giỏi tỉnh.

Thầy Nguyễn Quang Tuấn – Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Mường Lống cho hay: Với hơn 60% học sinh bán trú, việc quản lý các em cũng như tổ chức hoạt động giáo dục của nhà trường thuận lợi, đồng bộ hơn. Đến nay, dù vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, chỗ ăn ở, sinh hoạt phục vụ bán trú, nhưng nền nếp nhà trường được duy trì ổn định. Không còn tình trạng học sinh bỏ học, giảm hẳn việc tảo hôn và thành tích học sinh cả về đại trà lẫn mũi nhọn được nâng cao.

Mặc dù chưa được công nhận mô hình bán trú, nhưng 3 năm qua, Trường Tiểu học Nhôn Mai (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã đưa hơn 70 học sinh từ bản Phá Mật, Thăm Thẳm về nuôi ở tại điểm chính. Theo thầy Vũ Đình Hùng – Hiệu trưởng, để dồn dịch điểm lẻ, tạo điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018, việc tổ chức bán trú cho học sinh là nhu cầu cấp thiết. Nhôn Mai là xã vùng lòng hồ, nhiều bản cách xa trường hơn 10km đường núi, hoặc phải đi thuyền hàng giờ. Nếu không có bán trú, thì vẫn phải duy trì điểm lẻ, việc đầu tư dạy học dàn trải, không hiệu quả.

“Học sinh của trường đang được hưởng chế độ 116 với tiền ăn hơn 600 nghìn, 15kg gạo/em/tháng. Ngoài ra nhà trường trồng thêm rau, chăn nuôi để có thêm thực phẩm. Việc quản lý, chăm sóc học sinh do thầy cô tự nguyện. Từ khi đưa học sinh về trường chính, dù chúng tôi vất vả nhiều, nhưng đã nâng cao chất lượng học sinh toàn diện, từ kiến thức, kỹ năng sống, sức khỏe...”, thầy Hùng khẳng định.

Mô hình trường PT DTBT đã triển khai tại Nghệ An hơn 10 năm, đến nay đã có 33 trường được công nhận (tăng 21 trương so với năm học 2010 – 2011), với hơn 11.000 học sinh. Trong đó có 3 trường phổ thông DTBT tiểu học và THCS,9 trường tiểu học, còn lại là THCS.Số học sinh thuộc diện ăn ở tại trường là 7.000 em. Dự kiến đến năm 2022, Nghệ An thành lập thêm 35 trường bán trú tiểu học.

Đối với trường vùng khó khăn, để tổ chức bán trú phụ thuộc nhiều vào chính sách trợ cấp của nhà nước. Trong đó, phần lớn hỗ trợ từ Nghị định 116 của Chính phủ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Quyết định số 582/QĐ-TTg, giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh Nghệ An có 1.175 thôn, bản nằm trong vùng đặc biệt khó khăn.

Theo đó, ngoài học sinh đang học ở các trường dân tộc bán trú, còn có hàng chục nghìn em khác thuộc những vùng này được hỗ trợ trong quá trình học tập. Chế độ hỗ trợ gồm tiền ăn, 15kg gạo và tiền ở (đối với học sinhnhà xa nhưng trường chưa có điều kiện tổ chức bán trú).

Giờ học của thầy trò Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tân Hợp (Tân Kỳ, Nghệ An).
Giờ học của thầy trò Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tân Hợp (Tân Kỳ, Nghệ An).

Thôn thoát nghèo, trò mất thẻ bảo hiểm y tế

Kết thúc chu kỳ 2016 – 2020, Quyết định 582 hết hiệu lực, danh sách các thôn, xã đặc biệt khó khăn sẽ được rà soát, công nhận lại theo quy định mới. Tại Nghệ An, qua khảo sát, dự kiến có hơn 500 xãthoát nghèo. Kéo theo đó, có ít nhất 11 trường PT DTBT THCS ở các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ và một số trường ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn... cùng hàng nghìn học sinh mất chế độ.

Năm học 2020 – 2021, Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tân Hợp (huyện Tân Kỳ) có 259 học sinh bán trú, đều có nhà cách xa trường, gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo. Thầy Trần Quốc Mạnh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, “Nguồn kinh phí để tổ chức bán trú cho học sinh chủ yếu từ Nghị định 116.

Ngoài ra, địa phương, nhà trường hỗ trợ thêm trong chăm sóc, quản lý hoặc bổ sung cơ sở vật chất bảo đảm ăn ở cho học sinh. Vì vậy, nếu học sinh không còn trợ cấp, việc tổ chức bán trú của sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi vận động xã hội hóa thì phần lớn phụ huynh không có điều kiện đóng góp vì kinh tế vất vả”.

Cũng ở huyện Tân Kỳ, Trường THCS Giai Xuân (xã Giai Xuân) tuy không phải là trường bán trú, nhưng chiếm tới 80% học sinh là người dân tộc Thổ. Toàn trường có195 em ở xóm đặc biệt khó khăn, trong đó 21 học sinh hưởng chế độ 116.

Thầy Đinh Bạt Thể – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Cuối năm 2020, chúng tôi có nghe thông tin từ năm 2021, nhiều thôn bản trong xã không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn nữa. Tuy nhiên, đến nay trường chưa nhận được văn bản chính thức nào, và học sinh vẫn được hưởng đầy đủ chế độ đến hết năm học 2020 – 2021”.

Liên quan đến vấn đề trên, thầy Thể cũng cho rằng, khi xã, thôn “thoát khó khăn”thiệt thòi nhất cho học sinh là bảo hiểm y tế. Hiện, tỷ lệ học sinh DTTS được hỗ trợ BHYT của trường chiếm tới 80%. Nếu không còn được trợ cấp, mỗi em sẽ nộp hơn 600.000 tiền BHYT/năm. Với gia đình có 2 – 3 cùng đang đi học, đây đã là khoản chi phí lớn.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ, trên địa bàn có gần 1.000 học sinh được hưởng chế độ 116 với số tiền hỗ trợ hàng năm là hơn 7 tỷ đồng. Trường hợp bị cắt trợ cấp, nguồn kinh phí này nếu huy động từ phụ huynh sẽ khó khả thi.

Khi Quyết định 582 đã hết hiệu lực, để gỡ khó cho các nhà trường, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/QDD- Ttg (ngày 16/1/2021). Theo đó, các xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được hưởng các chính sách xã hội trước khi chính phủ ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định 582 cho giai đoạn (2021 – 2025).

Đứng trước nguy cơ chế độ cho học sinh bán trú sẽ bị cắt, nhiều trường dân tộc bán trú cũng đã báo cáo với Sở GD&ĐT Nghệ An và kiến nghị ngành có giải pháp hỗ trợ. Trước mắt, Sở đang thống kê, khảo sát để tham mưu cho tỉnh và các ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các trường bán trú trên địa bàn. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho rằng, giải pháp lâu dài, cần huy động nguồn xã hội hóa, đề phụ huynh chung tay cùng nhà trường, địa phương “nuôi” con em đi học.

Trước đó, từ năm 2010 – 2016, Nghệ An có 62 trường với 183 điểm lẻ được thụ hưởng dự án SEQAP. Đây là dự án “Bảo đảm chất lượng trường học”, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, tiền ăn trưa bán trú cho trường tiểu học (chủ yếu ở vùng miền núi cao, học sinh DTTS). Nhờ dự án, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng cao. Các trường linh hoạt vận động xã hội hóa, tổ chức bán trú hiệu quả, qua đó nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, qua khảo sát, những trường trên đều không duy trì được việc nấu bán trú cho trẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.