Bệnh nhân là bé trai 3 tháng tuổi tại quận Thanh Xuân, chưa tiêm vắc-xin phòng não mô cầu. Bệnh nhi khởi phát bệnh ngày 29/3 với biểu hiện sốt cao, quấy khóc, bú kém, nhập Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 30/3, xét nghiệm dịch não tủy cho kết quả dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định. CDC Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân để điều tra dịch tễ, xử lý dịch liên quan đến ca bệnh não mô cầu này.
Theo các chuyên gia y tế, não mô cầu là một trong 10 bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam 10 - 15% và khoảng 20% người để lại di chứng lâu dài. Theo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch.
Bệnh do não mô cầu có các thể lâm sàng: Viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim… Trong đó, viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết thường gặp hơn. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10 - 20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.
Cục Phòng bệnh khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng. Vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.
Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong thời gian từ 7 ngày trước ngày khởi phát, cho đến 24 giờ sau khi bệnh nhân được dùng kháng sinh đặc hiệu cần được theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 giờ sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh, cho những người tiếp xúc gần.