Trường học vùng sạt lở đảm bảo an toàn cho học sinh

GD&TĐ - Các trường học ở vùng sạt lở đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa bão...

Một bữa ăn trưa theo chương trình hỗ trợ của các nhà hảo tâm tại điểm Tu Gia, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập.
Một bữa ăn trưa theo chương trình hỗ trợ của các nhà hảo tâm tại điểm Tu Gia, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập.

Dự trữ đủ gạo và thực phẩm khô đủ dùng cho khoảng 1 tháng; vận động học sinh không thuộc diện bán trú nhưng đường về nhà phải đi qua sông suối ở lại trường…, tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích là cách các trường học ở vùng sạt lở đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Chủ động, linh hoạt

Mưa lớn liên tiếp những ngày qua khiến cầu Nước Là từ trung tâm huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đi Trà Don bị ngập, nước chảy xiết. Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vừ A Dính (xã Trà Don) có chủ trương tạo điều kiện cho giáo viên ở lại trường nếu đoạn đường đi lại không đảm bảo an toàn. Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vừ A Dính chuẩn bị bếp ăn tập thể cho giáo viên để các thầy cô có thể ở lại trường vào cuối tuần.

“Với giáo viên không ở lại khu tập thể, nếu trên đường đến trường không đủ đảm bảo an toàn vào những ngày thời tiết quá xấu thì chủ động báo với nhà trường hoặc đại diện chính quyền địa phương (ở những điểm trường lẻ) để thông báo kịp thời với phụ huynh, cho học sinh nghỉ học” – thầy Nguyễn Trần Vỹ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My) vừa vận động phụ huynh để 4 học sinh lớp 1 và 2 không thuộc diện bán trú ở lại trường từ đầu tuần này. Thầy Hồ Văn Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Khoảng cách từ nhà đến trường của 4 học sinh khá gần, không đủ điều kiện để ở lại bán trú. Tuy nhiên, từ đầu tuần đến nay, do mưa lớn và liên tục nên đoạn suối ở gần nhà các em nước dâng cao, chảy xiết. Vì vậy, để đảm bảo sĩ số cũng như an toàn cho các em, nhà trường vận động phụ huynh cho con ở lại trường. Các em được bố trí ăn, ngủ tại khu nhà nội trú cùng với học sinh khác. Kinh phí do nhà trường tự cân đối để hỗ trợ”.

Em Hồ Phi Hồ, học sinh lớp 2A, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân lần đầu được ở lại cùng ăn ở, sinh hoạt với các bạn nên rất hào hứng. “Được thầy cô cho ở lại trường, không phải đi về nhà khi trời mưa lạnh, ngoài giờ học, em được chơi cùng các bạn nên rất vui, không buồn như ở nhà” – em Hồ Phi Hồ chia sẻ.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vừ A Dính cũng có một số học sinh được nhà trường giữ lại dù không thuộc diện ở bán trú. Với những điểm trường lẻ, thầy Nguyễn Trần Vỹ cho biết, điểm trường nào ở quanh khu vực đồi núi, nếu mưa lớn liên tục trong khoảng 4 ngày thì giáo viên và đại diện chính quyền địa phương tại thôn phải quan sát các dấu hiệu cảnh báo không an toàn. Đợt mưa bão vào cuối tháng 10/2022 vừa qua, nhà trường quyết định cho học sinh điểm trường tại thôn Tu Hon nghỉ học vì sợ bị sạt lở.

Nước dâng cao, chảy xiết trên nhiều đoạn đường đến điểm trường của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân.

Nước dâng cao, chảy xiết trên nhiều đoạn đường đến điểm trường của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân.

Dự trữ đủ thuốc men và thực phẩm

Trường Tiểu học – THCS Phước Thành (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương và phụ huynh trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa bão. Nhà trường có kế hoạch dự trữ gạo, tổ chức nấu cho học sinh ăn, ở tại trường khi mưa bão. Trường cử giáo viên phối hợp với phụ huynh đưa học sinh di chuyển qua suối trên đường trở về nhà. Thành viên Ban giám hiệu cũng cõng học sinh qua suối, đưa các em về tận nhà nếu phụ huynh không đưa đón.

Phòng GD&ĐT Phước Sơn đã hướng dẫn các trường học tại những xã vùng cao như Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc – vốn đã có tên trên “bản đồ sạt lở” cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn cho học sinh khi đi lại vào mùa mưa bão. Nếu thời tiết có diễn biến bất thường, mưa lớn trong dài ngày thì phụ huynh và nhà trường cần phối hợp đưa đón hoặc giữ chân học sinh ở lại trường, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Với những điểm trường lẻ, dù quãng đường di chuyển của học sinh không quá xa, nhưng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân vẫn chủ động phương án đảm bảo an toàn cho học sinh trong những ngày thời tiết quá xấu. “Chúng tôi liên hệ với nhà dân sống xung quanh điểm trường để có thể gửi học sinh ở lại qua đêm nếu cảm thấy đường về nhà không an toàn. Các em học 2 buổi/ngày nên 16 giờ chiều là tan học. Tuy nhiên, nếu có mưa lớn hoặc trời quá tối, với những học sinh không có người nhà đón, giáo viên sẽ thông báo với phụ huynh để gửi các em ở lại” – thầy Hạnh cho biết.

Các trường học có học sinh ở bán trú, nội trú ở các huyện vùng cao Quảng Nam đều có kho dự trữ gạo. Thầy Nguyễn Trần Vỹ cho biết, vào mùa mưa, số gạo dự trữ đủ để dùng hơn một tháng. Thực phẩm khô cũng được trường chủ động dự trữ để tránh trường hợp bị cắt nguồn cung nếu đường sá sạt lở chưa kịp thông. Vì vậy, việc giữ chân học sinh ở lại trường vào các ngày nghỉ cuối tuần nếu thời tiết diễn biến xấu, các trường đều đảm bảo việc duy trì tổ chức bữa ăn.

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam - cho rằng, cho học sinh về nhà khi có dự báo mưa bão khiến các trường mất công vận động các em đến trường trở lại sau đó. Vì vậy, giữ trò ở lại trường là phương án vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, vừa duy trì được tỷ lệ chuyên cần, đảm bảo chất lượng dạy – học của nhà trường. Với những ngày nghỉ học để phòng, chống bão, các em đều được giáo viên phụ trách khu nội trú hướng dẫn tự học tại phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.