Đóng chân trên địa bàn xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), xã Trung Thu nhiều năm nay được biết đến là vùng đất “đa khó” (điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, điện lưới, mạng internet, sóng điện thoại…). Năm nào cũng vậy, để có được một ngày khai giảng trọn vẹn, đảm bảo số lượng học sinh, giáo viên ở đây phải tất bật từ nhiều ngày trước đó.
Giáo viên đến nhà vận động phụ huynh cho con em ra lớp và nắm bắt tình hình để chủ động đưa, đón học sinh. |
Năm học này, cô giáo Mùa Thị Thái chủ nhiệm lớp 1A1, với 27 học sinh. Vì các em ở rải rác nhiều thôn, cách nhau gần chục km, nên những ngày qua cô Thái gần như thường trực trên các cung đường và nhà dân.
Cô tâm sự, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, nên nhiều phụ huynh bận việc nương rẫy, không dành nhiều sự quan tâm đến chuyện học hành của con. Để chủ động đảm bảo đủ số lượng học sinh đầu năm, ngay từ tháng 8 các thầy cô phải đến từng nhà, thậm chí lên tận nương, rẫy gặp gỡ cha mẹ các em.
Kiểm tra sĩ số học sinh nhập trường. |
Nhiệm vụ chủ yếu là để nhắc nhở, vận động học sinh nhớ ngày trở lại trường. Đồng thời vừa nắm bắt tình hình, chủ động lên phương án đưa đón đối với các trường hợp đặc biệt.
“Mỗi học sinh tôi đều lấy sẵn số điện thoại của phụ huynh để tiện liên lạc, nhắc nhở trước. Tuy nhiên, một số trường hợp phụ huynh trao đổi là bận không thể đưa con đến trường được, chúng tôi chủ động đến tận nhà đón sớm”, cô Thái cho hay.
Giáo viên hướng dẫn nề nếp ở nội trú. |
Trường PTDTBT Tiểu học Trung Thu năm nay đón 525 học sinh, 100% là con em người Mông. Trong đó, có 358 em nhà cách xa trường phải ở nội trú. Theo thầy giáo Phạm Hữu Thành, Hiệu trưởng nhà trường, từ 29/8, đơn vị đã bắt đầu đón học sinh nhập trường. Tuy nhiên, sau ngày đầu tiên mới ghi nhận 70% có mặt.
“Giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ có nhiệm vụ rà soát số lượng học sinh lớp mình dựa trên danh sách có sẵn. Theo đó, nhà trường sẽ lập thành các nhóm, phân theo thôn để đến tận nhà huy động học sinh còn vắng mặt ra lớp. Giao thông ở đây khó khăn, bà con lại sống rải rác nên nhiệm vụ này mất rất nhiều thời gian. Vì thế chúng tôi luôn phải chủ động từ sớm”, thầy Thành chia sẻ.
Chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho học sinh. |
Cũng theo thầy Thành, ngay khi học sinh nhập trường sẽ được giáo viên hướng dẫn, sắp xếp nơi ăn, chốn nghỉ, học tập nội quy, nhận sách giáo khoa… Đặc biệt là đối với học sinh lớp 1, do mới bắt đầu xa gia đình để làm quen với môi trường, nề nếp mới.
“Các giáo viên thường xuyên túc trực để hỗ trợ học sinh. Từ việc gần gũi để hướng dẫn các em nề nếp sinh hoạt, cho đến tâm sự, động viên, ổn định tâm lý. Những học sinh dạn dĩ và có năng khiếu được lựa chọn để chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ, giao lưu, biểu diễn cho ngày khai giảng thêm phấn khởi, vui tươi”, thầy Thành cho hay.
Học sinh luyện tập văn nghệ. |
Hiện nay, công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng đã sẵn sàng. Những ngày nghỉ lễ vừa qua, nhà trường cho học sinh về với gia đình để có sự chuẩn bị tốt nhất cho con em mình. Tuy nhiên, những cơn mưa nặng hạt kéo về, chặng đường đến trường của các em lại không khỏi khiến thầy cô lo lắng.
“Lớp tôi có 2 học sinh ở thôn Đề Bâu cách trường tới 12km, trong đó nhiều đoạn thường xuyên sạt lở khi mưa xuống. Điểm Đề Can Hồ có 4 em. Mặc dù điểm này chỉ cách trường khoảng 6km nhưng lại không có điện lưới và sóng điện thoại, nên không thể liên lạc thường xuyên được với phụ huynh để nắm tình hình”, cô Thái bộc bạch.
Học sinh rạng rỡ khi được đến trường. |
Dẫu vậy, theo thầy Hiệu trưởng, hiện nay đơn vị cũng đã xây dựng sẵn kịch bản cho từng trường hợp. Trong đó, vừa bố trí đưa đón học sinh đã được phân công cho các nhóm giáo viên đảm nhiệm theo từng khu vực. Những học sinh tại điểm nguy cơ sạt lở đã được nhà trường huy động phụ huynh cho ra lớp sớm.
“Ngày khai giảng chắc chắn rất bận rộn. Giáo viên sẽ phải dậy sớm để làm công tác chuẩn bị. Trong đó, những giáo viên phụ trách việc đưa đón học sinh được chúng tôi lựa chọn phải có tay lái tốt, để vừa đảm bảo về thời gian lại vừa phải tuyệt đối an toàn. Làm sao cố gắng để tất cả học sinh đều có lễ khai giảng trọn vẹn, ý nghĩa”, thầy Thành nói.