Những ngày hè không nghỉ
Tờ mờ sáng, khi tiếng gà rừng còn gáy vang trên đỉnh núi, các thầy giáo Trường TH&THCS Thượng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), lại gọi nhau, người cầm xẻng, cuốc, xà beng… lặn lội hết bờ suối, triền đồi, các khu vườn hoang của dân bản để tìm kiếm cây xanh. Thậm chí, các thầy còn bỏ tiền túi ra mua cây về "phủ xanh" khuôn viên các điểm trường còn hoang sơ giữa núi rừng.
“Phải tranh thủ đi thật sớm, chứ muộn tý là nắng phả rát mặt, không đủ sức để đào và chở cây về trồng nhà báo ơi”, thầy Nguyễn Xuân Mẵn dí dỏm bắt chuyện.
Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, thầy Phan Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thượng Hóa cho biết, để khuôn viên trường có được những tán cây cổ thụ, mát rượi như thế này, trong những năm qua, Ban giám hiệu nhà trường cùng toàn thể đội ngũ giáo viên, nhân viên, phụ huynh và các em học sinh đã không ngừng chung tay “phủ trống đồi trọc” trong khuôn viên nhà trường.
Những ngày này, ngoài việc trồng cây xanh tạo bóng mát cho khuôn viên các điểm trường, làm đất tơi xốp cho khu vườn trải nghiệm, các thầy, cô giáo Trường TH&THCS Thượng Hóa cũng đã lau dọn sạch sẽ, sửa sang lại phòng học, thư viện ngăn nắp, gọn gàng và sẵn sàng cho năm học mới.
Đối với các giáo viên chủ nhiệm lớp 1, các thầy, cô đang ngày ngày luyện từng con số, nét chữ cho các em học sinh.
Đang nắn nót từng con chữ cho học sinh của mình chuẩn bị bước vào lớp 1, cô Đinh Thị Thu Hằng, giáo viên Trường TH&THCS Thượng Hóa chia sẻ: Đa số các em học sinh của trường là người đồng bào dân tộc, sự tiếp cận và hiểu biết các vấn đề xã hội còn rất hạn hẹp, rụt rè, chưa mạnh dạn trong giao tiếp. Đặc biệt, việc sử dụng Tiếng Việt còn hạn chế, chưa thành thạo. Đó là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
“Để học sinh tiếp thu tốt kiến thức, chúng tôi phải luôn đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, tạo hứng thú học tập cho các em. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các đồ dùng dạy học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học. Thường xuyên trao đổi tình hình học tập, phối hợp, tư vấn cho phụ huynh hỗ trợ việc học tập ở nhà của học sinh”, cô Đinh Thị Thu Hằng cho hay.
Cũng theo cô Hằng, đối với học sinh có tư duy nhanh nhẹn, khả năng tiếp thu tốt thì giáo viên có những nhiệm vụ, bài tập phù hợp, thúc đẩy và khích lệ, giúp các em phát huy hết những năng lực của bản thân.
Với những học sinh chậm hơn, tiếp thu còn yếu thì giáo viên phải luôn gần gũi, quan tâm, hỗ trợ, động viên và tạo tâm lí thoải mái; đưa ra những nhiệm vụ, bài tập vừa sức đối với các em, giúp các em tiến bộ.
Thầy Phan Thế Dũng cho biết, Trường TH&THCS Thượng Hóa có 3 điểm trường, trong đó, điểm trường chính đóng tại Bản Yên Hợp, 2 điểm còn lại đóng tại bản Ón và điểm bản Mò O Ồ Ồ. Tổng học sinh của trường là 161 em, nhưng có đến 159 học sinh dân tộc thiểu số.
Mặc dù đóng chân ở địa bàn kinh tế - xã hội đang cực kỳ khó khăn, tuy nhiên, bằng sự nỗ lực hết sức mình của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên trong công tác dạy và học, những năm qua, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích rất đáng khích lệ.
“Hiện nay, nhà trường đang rất cần đầu tư xây dựng các phòng chức năng; tu sửa các phòng học xuống cấp; xây kè chống sạt lở và sân học thể dục phía sau điểm chính Yên Hợp. Đồng thời xây dựng hàng rào cho điểm trường Mò O Ồ Ồ nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh và toàn thể nhà trường”, thầy Phan Thế Dũng.
Chờ tiếng trống khai giảng
Một chiều nắng gắt cuối tháng 8, PV Báo GD&TĐ có mặt tại điểm trường Ba Loóc (Trường PTDT bán trú TH&THCS Dân Hóa), đóng chân bên dãy Giăng Màn, thuộc xã biên giới Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Tại đây, chúng tôi ghi nhận không khí dọn dẹp trường lớp rất tất bật của các thầy giáo, phụ huynh và các em học sinh.
Trường PTDT bán trú TH&THCS Dân Hóa có 27 lớp với 601 học sinh. Ngoài điểm trường chính, cấp Tiểu học còn có 4 điểm trường, gồm: Ba Loóc, Hà Nôông - Tà Rà; Ka Định và Tà Leng.
Với đặc thù trường đóng trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, điều kiện đi lại hết sức khó khăn, địa bàn dân cư rộng, phức tạp có khoảng cách trên 15km, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, dạy và học của nhà trường.
Thầy Đinh Văn Cường, giáo viên “cắm bản” ở điểm trường Ba Loóc cho hay, phần lớn các em là người đồng bào dân tộc nên điều kiện kinh tế cũng như hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Một số gia đình còn thiếu cái ăn, cái mặc, không đủ điều kiện để sắm sửa, trang bị quần áo, đồ dùng học tập… cho các em đến trường.
Trước những khó khăn trên, giáo viên "cắm bản" luôn nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm sinh lý của từng học sinh. Từ đó thấy được những hạn chế mà các em đang gặp phải để có những biện pháp dạy học phù hợp.
Ngoài ra, giáo viên phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích phụ huynh, học luôn sinh vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống, cố gắng vươn lên trong lao động, đặc biệt tạo điều kiện để cho con em được đến trường để học tập, hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn.
Thầy Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH&THCS Dân Hóa cho hay, mặc dù trường đóng chân ở địa bàn vùng khó, tuy nhiên bằng sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở ban ngành liên quan, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, các thầy, cô giáo, phụ huynh và các em học sinh, đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 đã được hoàn tất.
“Hiện tại, nhà trường đang rất cần tu sửa và xây dựng thêm nhà ở công vụ cho giáo viên; các phòng chức năng, phòng học bộ môn, phòng thư viện - thiết bị; tu sửa các phòng học xuống cấp. Đồng thời bố trí đủ biên chế giáo viên theo quy định”, thầy Chương bày tỏ.
11 nhiệm vụ trọng tâm
Năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT huyện Minh Hoá thực hiện chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng” với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng. Trong đó, quan tâm đến đối tượng là của người dân tộc thiểu số, người sống ở các xã biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học; Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục; Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.