Nhiều thầy cô giáo và các em HS bị lũ cuốn trôi hết nhà cửa và tài sản. Lũ đi qua bản làng đang bừng bừng sức sống để lại hình ảnh những con người bé nhỏ gồng mình vượt qua mất mát, tang thương.
Tan hoang những bản làng
Nằm cách trung tâm huyện Bảo Yên 25km, xã Nghĩa Đô với địa hình chủ yếu là đồi núi thấp bao quanh khu ruộng nhỏ, 97% dân số toàn xã là người Tày. Đây cũng là vùng đất có những nét văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc sắc. Bao nhiêu năm qua, bản làng nơi đây khá yên bình với những bản làng trù phú với những thửa ruộng xanh tốt. Thế rồi cơn lũ nghịch mùa bất ngờ kéo đến, chỉ một đêm, nơi đây chỉ còn là những ngổn ngang, đổ vỡ.
Chúng tôi về bản Nà Đình khi nắng đã lên nhưng khó có thể hình dung bản làng ngổn ngang trước mắt mình chỉ vài tuần trước là một bản làng đang dần thay da đổi thịt nơi vùng cao Tây Bắc. Bản Nà Đình giờ đây chỉ còn trơ lại những khối đất khổng lồ, những thanh gỗ còn sót lại nằm ngổn ngang. Những ngôi nhà sàn mái cọ hàng chục năm tuổi vẫn là niềm tự hào của người dân Nghĩa Đô nay trong cảnh tan hoang. Tất cả tài sản, vật nuôi, diện tích hoa màu và lúa của người dân đến ngày thu hoạch bị mất trắng. Trên gương mặt mỗi người đều hiện lên vẻ hoang mang, lo lắng.
Gần một tháng trôi qua nhưng người dân bản Nà Đình, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên vẫn chưa hết bàng hoàng. Khi cơn lũ ập đến, đất đá từ trên đồi cao đổ ập xuống những căn nhà. Trận sạt lở núi kinh hoàng ấy đã vùi lấp đi bao nhiêu tài sản và cả những dự định còn dang dở của người dân bản Nà Đình. Nếu không trực tiếp đến nơi này, có lẽ chúng tôi không thể hình dung nổi sức tàn phá khủng khiếp của cơn lũ dữ đối với vùng đất Nghĩa Đô.
Thầy cô giáo, HS Trường THCS Nghĩa Đô đến giúp gia đình giáo viên bị sập nhà do lũ quét |
Thầy giáo Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Đô cho biết, mặc dù cơ sở vật chất của nhà trường không bị ảnh hưởng, nhưng nhiều gia đình giáo viên, HS bị thiệt hại nặng nề nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc dạy và học. Cả trường có 5 giáo viên và 94 HS thuộc diện bị thiệt hại do lũ quét. Khó khăn hơn cả là 15 HS nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, có 60 em thuộc diện gia đình mất trắng mùa màng.
Cô giáo Đường Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Đô cho biết: Trường Mầm non Nghĩa Đô có 27 cán bộ quản lý, giáo viên thì có 10 thầy cô giáo bị ảnh hưởng về nhà cửa, trong đó thiệt hại nặng nhất là nhà cô giáo Lương Thị Năm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, nhà cô giáo Hoàng Thị Dương, Hoàng Thị Xuyến cũng bị sập đổ, mất nhiều tài sản, hoa màu.
Có lẽ sẽ còn rất lâu nữa, người dân bản Nà Đình mới thôi ám ảnh bởi những gì đã xảy ra. Chị Lương Thị Thao, phụ huynh của em Ma Thị Thủy Tiên, Trường Mầm non Nghĩa Đô thẫn thờ hướng ánh mắt về phía những ngôi nhà bị cuốn trôi nghẹn ngào: “Bao năm qua tôi làm lụng vất vả chắt bóp từng đồng mới mua được ngôi nhà này. Bây giờ 3 mẹ con không còn nhà ở phải đi thuê trọ, may nhờ sự giúp đỡ của nhà trường và các tổ chức, cá nhân, các cháu mới có quần áo, sách vở đến trường”.
Chỉ mong có cầu tạm qua suối
Từ thôn Nà Đình, chúng tôi ngược Quốc lộ 279 rồi rẽ theo con đường bê tông vào thôn Bản Lằng, xã Nghĩa Đô. Sau trận lũ lớn, chiếc cầu sắt bắc qua suối bản Lằng của xã đã bị lũ cuốn trôi mặt cầu và hai mố cầu, đoạn đường lên Bản Đáp có tới 15 điểm bị sạt lở chưa khắc phục được, vì thế hai thôn Bản Lằng, Bản Đáp với trên 100 hộ dân vẫn bị chia cắt.
Để đến trường học tập, các em phải lội qua suối hoặc phải đi đường vòng rất xa. Người dân nơi đây chỉ mong sao chiếc cầu tạm qua suối Nghĩa Đô vào Bản Lằng sẽ sớm làm xong, các điểm sạt lở trên tuyến đường vào Bản Đáp sẽ sớm được xử lý để hai thôn thoát khỏi cảnh bị cô lập, chia cắt và trên 100 HS đến trường thuận lợi hơn.
|
Ông Hoàng Văn Phương, Trưởng thôn Bản Lằng cho biết: Bản Lằng có 21,7 ha lúa chuẩn bị thu hoạch thì tất cả đều bị mất trắng. Còn cầu qua suối cũng chưa biết bao lâu nữa mới làm lại được, người già, trẻ nhỏ muốn đi học, mua bán gì phải lội suối sang trung tâm xã, biết là nguy hiểm nhưng cũng chẳng còn cách nào khác.
Khi chia sẻ về những thiệt hại sau trận lũ quét vừa qua, thầy Phạm Đức Vinh vẫn chưa hết bàng hoàng. Thầy Vinh cho biết, để động viên các thầy cô giáo và các em HS có nhà cửa bị lũ cuốn trôi yên tâm dạy và học, Trường THCS Nghĩa Đô đã huy động toàn bộ thầy giáo, cô giáo, nhân viên trong nhà trường cùng các em HS đến giúp đỡ các gia đình bị thiên tai để khắc phục những hậu quả mà thiên tai đã gây ra.
Đồng thời, nhà trường đã phát động kêu gọi toàn thể các thầy giáo, cô giáo cũng như các em HS trong nhà trường không bị ảnh hưởng của thiên tai cùng chung tay quyên góp ủng hộ, giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại nặng nề sau trận lũ quét.
Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ chung tay góp sức của cả cộng đồng, các trường học trên địa bàn xã Nghĩa Đô đang từng bước vượt qua khó khăn, hoạt động dạy và học của thầy và trò đang dần ổn định trở lại.
Những mầm xanh đang vươn mình trở lại trên những lớp đất đá ngổn ngang sau lũ quét. Cuộc sống của người dân bản Tày cũng đang từng bước hồi sinh. Vượt qua những mất mát, đau thương, người dân nơi đây đang gây dựng lại cuộc sống mới, tốt đẹp, dẫu còn nhiều gian khó.