Trường học vang tiếng cồng chiêng

GD&TĐ - Để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mời nghệ nhân về truyền dạy cồng chiêng – múa xoang.

Đội chiêng của Trường PTDTBT THCS Hai Bà Trưng đang tập luyện.
Đội chiêng của Trường PTDTBT THCS Hai Bà Trưng đang tập luyện.

Đến nay, nhiều trường đã có đội cồng chiêng riêng và tham gia biểu diễn trong cuộc thi, lễ hội tại địa phương.

Say mê văn hóa truyền thống

Hơn 5 năm nay, A Thao Dương (lớp 6C, Trường PTDTBT THCS Hai Bà Trưng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) là thành viên đội cồng chiêng của làng. Từ khi mới vào lớp 1, Dương theo ông bà đến tham gia các lễ hội văn hóa. Nghe tiếng chiêng và thấy điệu xoang uyển chuyển, Thao Dương rất thích thú. Thế rồi, em xin ông dạy cách đánh cồng chiêng. Thời gian ban đầu tay yếu, Thao Dương chỉ có thể học đánh trống con dẫn đầu khi đội chiêng biểu diễn. Lớn hơn một chút, cậu học trò được ông chỉ dạy từng nhịp chiêng.

“Khi còn nhỏ, sức yếu em không thể cầm nổi chiếc chiêng nên thường tựa vào chân rồi học cách đánh. Sau nhiều ngày lệch nhịp, đến nay em đã thuộc được 2 bài chiêng truyền thống của dân tộc Jrai. Em yêu tiếng chiêng và muốn học thêm nhiều bài nữa để gìn giữ văn hóa của dân tộc”, em A Thao Dương tâm sự.

Không chỉ tham gia đội chiêng của làng, A Thao Dương và Y Hân (lớp 9C) cùng nhiều bạn khác là thành viên đội chiêng – múa xoang của trường. Đều đặn chiều thứ 5 và thứ 6 hàng tuần, thầy, cô giáo lại vào làng nhờ già làng, nghệ nhân tập luyện cồng chiêng và múa xoang cho học sinh.

Hơn 1 năm nay, Y Hân là thành viên của đội xoang Trường PTDTBT THCS Hai Bà Trưng. Bên cạnh việc học múa xoang từ già làng, Y Hân tích cực tập luyện trên trường, lớp cùng các bạn.

“Trước kia, em có dịp theo cha mẹ tham dự các lễ hội văn hóa lớn nhỏ của làng. Khi thấy các bà, mẹ nhịp nhàng, uyển chuyển trong điệu xoang em rất thích. Do đó, khi nhà trường thành lập đội cồng chiêng – múa xoang em đăng ký tham gia. Ban đầu, tay chân em vụng về nên múa chưa đẹp. Sau một thời gian được già làng chỉ dạy, em dần cảm được nhạc và múa đúng, đẹp, mềm dẻo hơn. Thời gian rảnh rỗi, em dạy lại điệu xoang cho các em nhỏ trong nhà”, em Y Hân chia sẻ.

Hội diễn Cồng chiêng - Xoang học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú - bán trú tỉnh Kon Tum, năm học 2022 - 2023.

Hội diễn Cồng chiêng - Xoang học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú - bán trú tỉnh Kon Tum, năm học 2022 - 2023.

Phát triển cồng chiêng trong trường học

Cô Đặng Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hai Bà Trưng, cho hay, năm học này toàn trường có 405 học sinh. Trong đó có 62 em tham gia đội cồng chiêng và múa xoang của trường.

“Hiện, tất cả khối lớp của trường và 4 làng dân tộc thiểu số tại địa phương đều có đội cồng chiêng – xoang. Để có được đội chiêng như ngày nay thời gian đầu khá khó khăn với nhà trường và học sinh vì chẳng mấy ai mặn mà. May mắn có sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương và già làng nên dần dần các em mới yêu thích, tích cực tham gia. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạo điều kiện để đội cồng chiêng – xoang được trình diễn trong cuộc thi, lễ hội”, cô Thu Thủy bộc bạch.

Theo cô Thủy, trong Chương trình GDPT 2018 ngoài dạy văn hóa, mục tiêu giáo dục là nâng cao năng lực, phẩm chất và giá trị truyền thống. Do đó, việc phát huy bản sắc văn hóa địa phương được nhà trường đặc biệt chú trọng. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là nét đẹp, mà còn là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận. Chính vì vậy, nhà trường tích cực lồng ghép, tổ chức cho học sinh trải nghiệm văn hóa truyền thống vào các buổi hoạt động ngoại khóa.

“Sau 4 năm thành lập đội cồng chiêng, chúng tôi nhận thấy những sự thay đổi tích cực từ học sinh và phụ huynh. Các em đã dần yêu thích, đam mê và muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Không những vậy, phụ huynh cũng rất ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng, tạo điều kiện cho trẻ được luyện tập. Đây là niềm vui, sự tự hào của nhà trường”, cô Thủy nói.

Không muốn văn hóa truyền thống dần bị mai một, nhiều nghệ nhân tại Kon Tum đã hỗ trợ nhà trường dạy cồng chiêng cho học sinh. Nghệ nhân Ưu tú A Biu (thành phố Kon Tum) là một trong những người tích cực truyền dạy cồng chiêng cho các em người dân tộc thiểu số.

“Trải qua một thời gian truyền dạy, tôi thấy rất mừng khi các cháu từ tiểu học đến THPT đều yêu thích và đam mê cồng chiêng – múa xoang. Chứng kiến thế hệ trẻ kế cận, phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bản thân thật sự hạnh phúc”, nghệ nhân A Biu chia sẻ.

Bà Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, cho hay, trong những năm qua đơn vị đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, nhà trường đưa cồng chiêng vào dạy học, đặc biệt ở các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú.

Không những thế, nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên, từ năm 2016 đến nay, Hội diễn Cồng chiêng - Xoang học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh Kon Tum được duy trì 2 năm/lần. Qua đó tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên và học sinh nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa cồng chiêng. Từ đó có ý thức, trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trước xu thế phát triển của xã hội hiện nay. Đồng thời nâng cao đời sống tinh thần, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Ngoài ra, điều này còn góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, nhân ái giữa học sinh dân tộc của các địa phương, góp phần tạo khối đoàn kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

A Thao Dương và Y Hân là hai trong số những học sinh của Trường PTDTBT THCS Hai Bà Trưng yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc. Hơn 4 năm thành lập đội cồng chiêng, trường đã có gần 100 học sinh tham gia tập luyện và biểu diễn trong các lễ hội, cuộc thi của ngành Giáo dục, địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.