Trường học trước mùa bệnh dịch

GD&TĐ - Gần 75% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở khu vực phía Bắc đến từ Hà Nội khiến cho địa phương này như một ổ dịch khổng lồ. Thanh niên, người già, trẻ nhỏ đều có thể là nạn nhân của muỗi truyền bệnh làm cuộc sống nhiều gia đình bị đảo lộn, nhân viên y tế cũng lao đao theo. 

Trường học trước mùa bệnh dịch

Nơi tập trung đông người (bệnh viện, trường học) liên tục phải phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh môi trường để giảm nguy cơ trở thành ổ dịch, đặc biệt khi học sinh, sinh viên trở lại lớp.

Nóng như… sốt xuất huyết

71.000 ca mắc sốt xuất huyết trong cả nước, trong đó có 19 trường hợp tử vong là ghi nhận của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tính đến thời điểm này. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016.

Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam chiếm hơn 60% cả nước. Tại khu vực phía Bắc, Hà Nội là địa phương có số trường hợp mắc nhiều nhất, chiếm 74% khu vực.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, số người mắc sốt xuất huyết tăng lên không ngừng. Hiện tất cả các quận huyện đều ghi nhận có người mắc.

Điều đáng nói là qua điều tra có tới 40% bệnh nhân mắc là học sinh, sinh viên và người lao động ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, rất nhiều gia đình rơi vào cảnh cả nhà cùng đi khám và 1 - 2 thành viên bệnh nặng phải nằm viện, còn lại điều trị theo hướng dẫn ở nhà. Cũng có bệnh nhân vừa ra viện lại bị sốt trở lại do mắc sốt xuất huyết type khác nên biến chứng thường nặng hơn do cơ thể chưa kịp phục hồi.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết liên tục tăng nên khoa nhiễm các bệnh viện trên địa bàn cũng như bệnh viện tuyến cuối luôn trong tình trạng quá tải.

Điển hình như Bệnh viện Đống Đa đến nay tiếp nhận trên 3.000 người đến khám và 1/3 trong số này phải nằm điều trị do sốt xuất huyết. Bệnh viện Thanh Nhàn trung bình mỗi ngày khám cho 300 ca, dù số giường bệnh đã tăng gấp đôi nhưng vẫn không đủ nên bệnh nhân phải nằm ghép giường.

Tình trạng quá tải còn “khủng” hơn ở bệnh viện tuyến cuối. Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho thấy, có tuần bệnh viện tiếp nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết nên bắt buộc phải phân loại, chỉ nhận điều trị cho bệnh nhân nặng. Khi bệnh thuyên giảm sẽ chuyển sang cơ sở 2 hoặc về bệnh viện tuyến dưới.

Mặc dù việc phân loại bệnh nhân ngay từ khâu khám bệnh ban đầu nhưng lượng bệnh nhân nhập viện không ngừng gia tăng. Hiện bệnh viện này phải huy động nhân viên y tế các khoa khác sang để… chống sốt xuất huyết. Giường bệnh cũng được tận dụng kê thêm ở mọi nơi, kể cả hội trường.

Tại khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện E) mỗi ngày có khoảng 30 - 40 trường hợp bệnh nhân nhi mắc các bệnh trên vào viện, trong đó ngày cao điểm tiếp nhận 6 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết trong đêm. Có những bệnh nhi nặng khiến bác sĩ phải theo dõi 24/24 giờ, điều trị tích cực 7 - 8 ngày mới cắt sốt…

Lo lắng đợt dịch mới

Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, dịch sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp bởi mùa mưa mới bắt đầu và đây cũng là lúc học sinh, sinh viên trở lại lớp. Theo đó, đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, số mắc chắc chắn sẽ tiếp tục tăng vọt trong thời gian tới (chưa kể năm nay là năm nhuận).

Vì vậy, nếu không có các biện pháp ngăn chặn quyết liệt, năm 2017 này có thể dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội sẽ bùng phát mạnh hơn cả đỉnh dịch vào năm 2009.

Lo ngại của ngành y tế hoàn toàn có cơ sở khi các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Trì, Hà Đông, Nam Từ Liêm... là nơi ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc nhất. Đặc biệt, hiện toàn thành phố đã ghi nhận tới gần 1.200 ổ dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng.

Trường học nằm trong khu vực có dịch sẽ là điều kiện để dịch lan rộng khi học sinh, sinh viên tập trung về Hà Nội nhập học bởi cần một vài người mắc bệnh bị muỗi đốt cũng sẽ có thể lây cho nhiều người khác trong môi trường học tập tập trung.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, Trường ĐH Y tế công cộng đã tổ chức phun thuốc diệt muỗi, côn trùng tại khu vực ký túc xá cũng như toàn bộ khuôn viên trường trước khi sinh viên nhập học.

Với 500 chỗ ở trong ký túc xá, sinh viên đến từ nhiều nơi, đại diện nhà trường cho biết đã dán các khuyến cáo về dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống. Dự kiến nội dung về phòng chống dịch bệnh cũng sẽ được đưa vào buổi sinh hoạt đầu khóa để nâng cao kiến thức cho tân sinh viên.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như tổng vệ sinh trường lớp, thu gom rác phế liệu, làm sạch môi trường trước khi năm học mới bắt đầu.

Kiểm tra mật độ muỗi trong nhà trường và phối hợp phun thuốc khi có chỉ định. Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng tránh muỗi đốt tới phụ huynh và giáo viên đồng thời theo dõi sát sĩ số, sức khỏe học sinh và giáo viên.

Sốt xuất huyết rất nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ