Trường học thực tế ảo: Đột phá hay thảm họa?

GD&TĐ - Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, cả giáo viên lẫn học sinh đang loay hoay với vấn đề dạy học trực tuyến, thì ở Mỹ, trường phổ thông trực tuyến đầu tiên dựa trên công nghệ thực tế ảo đã xuất hiện.

Đeo kính VR, học sinh có thể tham dự các tiết học ảo.
Đeo kính VR, học sinh có thể tham dự các tiết học ảo.

Công nghệ dạy học được xây dựng trong vũ trụ ảo có thể thay thế trường học truyền thống trong tương lai?

Dạy học trong metaverse

Năm 2022, các công nghệ thực tế ảo tăng cường đã xuất hiện trong giáo dục. Tháng 8 tới đây, tại bang Florida (Mỹ), Optima Classical Academy - trường phổ thông đầu tiên trên thế giới, được “xây dựng” tại metaverse sẽ bắt đầu hoạt động. Đây sẽ là cơ sở giáo dục phổ thông miễn phí với 1.300 suất cho học sinh từ lớp 3 - 8.

Theo những người sáng lập trường, việc học tập ở đây sẽ giúp những trẻ em thiếu động cơ học tập và kém hòa nhập xã hội vượt qua chính mình, và cuối cùng say mê học tập. Trường cung cấp cho tất cả học sinh thiết bị thực tế ảo và hỗ trợ kỹ thuật trong suốt thời gian học tập.

Khi đeo kính VR, học sinh có thể tham dự các tiết học ở trường học ảo mà không cần ra khỏi nhà. Tại các tiết thiên văn và khoa học, học sinh có thể “bay” quanh sao Hỏa và “hạ cánh xuống Mặt trăng” bằng vệ tinh của Trái đất. Còn trong giờ lịch sử, học sinh có thể “ngồi” vào ghế của Tổng thống Mỹ trong phòng Bầu dục của Nhà Trắng, đi dạo trong một biệt thự La Mã ở thành phố Pompeii cổ đại hoặc đuổi theo khủng long.

Các tiết học ở metaverse được tổ chức 4 lần/tuần vào buổi sáng, từ 8 – 12 giờ. Thời lượng mỗi tiết từ 30 - 45 phút, cộng với giải lao. Thời khóa biểu của học sinh tiểu học (lớp 3 - 5) gồm các môn Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, Khoa học, Âm nhạc, Nghệ thuật và Tiếng Latinh. Ở bậc trung học, trong kế hoạch học tập, xuất hiện môn Ngữ pháp và Thể dục mà học sinh học trong giờ ngoại khóa. Những môn học không thể học trong lớp học ảo, học sinh sẽ tự học, có sử dụng video, Internet và tất nhiên, sách giáo khoa.

Ngoài chương trình bắt buộc, những người sáng lập trường học ảo cũng tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa như cờ vua, câu lạc bộ khoa học và đọc sách, diễn thuyết...

Trường học ảo đang chuẩn bị tuyển học sinh vào đầu năm học mới. Tuy nhiên, Optima Classical Academy không có kế hoạch nhận học sinh dưới 8 tuổi. Theo các nhà sáng lập, để học trong thực tế ảo, người học cần có khả năng độc lập và tính tổ chức cao, còn trẻ em nhỏ tuổi vẫn cần sự giúp đỡ của bố mẹ.

Nhà văn viễn tưởng Mỹ Neal Stephensen
Nhà văn viễn tưởng Mỹ Neal Stephensen

Những lợi thế

Ở Optima Classic Academy, người ta tin rằng việc áp dụng công nghệ metaverse vào quá trình dạy học có thể trả lời một số thách thức của thời đại.

Thứ nhất, những người sáng lập trường phổ thông ảo coi nó là sự cứu rỗi đích thực đối với học sinh phổ thông trong thời gian xảy ra những thách thức toàn cầu. Chẳng hạn như đại dịch, mà theo dự báo của Bill Gates, sẽ trở thành hiện tượng bình thường cho nhân loại trong tương lai gần.

Thứ hai, việc thâm nhập vào vũ trụ ảo cho phép quá trình dạy học diễn ra dưới hình thức phi chuẩn, do đó nó thu hút trẻ em học tập. Ngoài ra, trường ảo còn ưu việt hơn hình thức học trực tuyến truyền thống. Học sinh (chính xác hơn là hình đại diện của học sinh) không ngồi đối mặt với máy tính, mà ở trong “lớp học” cùng với các bạn đồng môn và hình đại diện của giáo viên, người trực tiếp giao tiếp với học sinh, chứ không phải màn hình.

Thứ ba, những học sinh không thể đến trường vì lý do sức khỏe vẫn có thể học ở nhà. Ngoài ra, trường học ảo có thể giải quyết vấn đề quá tải về sĩ số. Tiết học có thể tiếp nhận hàng nghìn học sinh, nghĩa là gấp đôi số học sinh một trường thông thường, chẳng hạn như ở Miami.

Mặc dù có những lợi thế như vậy, nhiều bậc phụ huynh Mỹ tỏ thái độ hết sức tiêu cực đối với trường ảo. Thậm chí có người gọi đó là một thảm họa.

Tiết học ảo kéo dài nhiều giờ ảnh hưởng đến sức khoẻ học sinh.
Tiết học ảo kéo dài nhiều giờ ảnh hưởng đến sức khoẻ học sinh.

Ý kiến chuyên gia

Ông Mikhail Morozov, GS Trường Đại học Công nghệ Povolzhie và là một trong những người sáng lập “trường đại học ảo” của Nga, nhận xét: Hiện nay có thể sử dụng các thành phần của vũ trụ ảo và thực tế ảo. Nhưng chỉ là một thành phần nhỏ của chương trình phổ thông, bổ sung cho chương trình cơ bản. Còn dự án của trường phổ thông Mỹ xem ra không thực tế, hơn nữa, nó có hại cho sức khỏe.

Vấn đề ở chỗ các vũ trụ ảo mới dựa trên công nghệ thực tế ảo cần mũ bảo hiểm thực tế ảo chuyên dụng, còn tai nghe thực tế ảo hiện nay không thích hợp đối với trẻ em sử dụng lâu dài. Trên mũ bảo hiểm thực tế ảo có ghi chú: “Không dành cho người dưới 13 tuổi”.

Tại Mỹ, người ta đã tiến hành các công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của việc sử dụng tai nghe VR đối với sức khỏe của trẻ em và thanh, thiếu niên. Hóa ra, trẻ em dễ bị say máy hơn người lớn, đó là chứng rối loạn chức năng có các triệu chứng tương tự như say tàu xe. Nó xuất hiện do sử dụng mũ bảo hiểm VR quá lâu. Ngay cả người lớn cũng không thể thoải mái khi đội mũ bảo hiểm hơn 30 phút, còn trẻ em bắt đầu cảm thấy chóng mặt sau 10 phút.

Các nhà khoa học Mỹ kết luận, việc trẻ em dưới 10 tuổi sử dụng tai nghe VR 30 phút mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thị giác. Mũ bảo hiểm VR an toàn cho trẻ em sẽ xuất hiện sau 10 năm nữa. Trong khi đó, các tiết học kéo dài nhiều giờ liền/ngày trong thực tế ảo chắc chắn có hại đối với sức khỏe của học sinh.

Số hóa giáo dục là tốt. Nhưng cần phải sử dụng nó một cách đúng đắn. Không nên hiểu nó chỉ là một công nghệ làm việc từ xa, mọi thứ đều qua mạng. Thiếu sự giao tiếp trực tiếp là không thể. Kỹ thuật số chỉ là một công cụ để truyền tải thông tin, để tương tác, cá nhân hóa giao tiếp.

Liệu thực tế ảo có trở thành chuẩn giáo dục mới không? Nói đúng ra, nó sẽ là một trong những công nghệ dạy học. Thực tế tăng cường cũng có nhiều triển vọng lớn, nó thực tế hơn và ít tốn kém hơn.

Tuy nhiên, những ai phản đối việc áp dụng công nghệ vào giáo dục nên hiểu rằng chúng ta không thể quay lại con đường cũ. Kỹ thuật số, VR, thực tế tăng cường sẽ tồn tại cùng chúng ta mãi mãi. Cũng như điện thoại di động, thiếu nó chúng ta không thể sống. Sẽ không có sự quay lại, mọi thứ chỉ có thể tiếp tục phát triển.

Thuật ngữ metaverse (vũ trụ ảo) xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách của nhà văn viễn tưởng Mỹ, Neal Stephensen, xuất bản năm 1992. Trong không gian ba chiều Stephensen mô tả, có thể xây dựng nhà cửa, công viên, cửa hiệu, và thậm chí cả hộp đêm, còn con người được thay thế bằng hình đại diện kỹ thuật số. 30 năm sau khi cuốn sách ra đời, trí tưởng tượng của tác giả đã trở thành hiện thực, dẫu là hiện thực ảo.
Theo pedsovet.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.