Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng
Xã Mỹ Phước (TP Cần Thơ) đạt Chuẩn nông thôn mới vào tháng 1/2025, đây là xã nông thôn, vùng sâu của huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng (cũ), là vùng căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Sóc Trăng trong thời kỳ kháng chiến.
Ngành nghề, nguồn thu nhập chính của người dân xã Mỹ Phước chủ yếu là sản xuất nông nghiệp như: Trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi bò, heo, ba ba, gà, vịt...
Theo thống kê, kết quả huy động nguồn lực xây dựng xã Nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2024) được trên 813 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 192,5 tỷ đồng; ngân sách cấp tỉnh gần 32 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện trên 40 tỷ đồng; ngân sách cấp xã 770 triệu đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên 21,7 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 312 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 10,5 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp trên 139,3 tỷ đồng; vốn huy động khác trên 6,7 tỷ đồng).
Qua 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến nay, hệ thống đường giao thông được nhựa hóa/bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Số trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia 5/5 trường đạt 100%. Tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố là 85,21%; không có nhà tạm, dột nát.
Thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2024 của xã là 62,16 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,05%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 71,1%; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn trên địa bàn xã đạt 99,98%.
Toàn xã không còn nhà tạm, dột nát; số lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố trên địa bàn xã là 3.334/3.927 căn nhà, đạt tỷ lệ 85,21%.

Thời gian tới, Mỹ Phước tiếp tục thực hiện đảm bảo đạt chuẩn yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu giữ vững và nâng chất 19/19 tiêu chí nông thôn mới đã đạt. Hướng tới thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, địa phương ghi nhận và chúc mừng các kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Phước đã đạt được trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới; đề nghị lãnh đạo địa phương tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, tuyên truyền vận động Nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, xã Mỹ Phước tăng cường xây dựng xã theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhân rộng các mô hình kinh tế nâng cao thu nhập của người dân; phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc; tiếp tục củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn, từng bước xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng, hướng đến “tam nông” bền vững, những năm qua, xã Mỹ Phước (TP Cần Thơ) đã tập trung huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn huyện. Nhờ đó, diện mạo nông thôn trong huyện từng bước được đổi mới, ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Công tác đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… người dân được tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, đời sống trở nên khá giả hơn trước. Những căn nhà tạm, dột nát trước kia dường như không còn thay vào đó là những ngôi nhà khang trang.

Điểm nổi bật là hệ thống giao thông, y tế và giáo dục được quan tâm đầu tư đồng bộ, đường ô tô về tới trung tâm xã, đường bê tông nối ấp liền ấp. Các trường học đều đạt chuẩn quốc gia, có Phòng khám Đa khoa khu vực Mỹ Phước phục vụ việc khám chữa bệnh của người dân địa phương.
Bày tỏ niềm vui, ông Trần Văn Út, ngụ xã Mỹ Phước cho biết, vùng quê khó khăn ngày nào nay đã “thay da, đổi thịt”.
"Con em trong xã đi học tới nơi, tới chốn, nông dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trao đổi nông sản thuận lợi. Tất cả những điều đó nhờ chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự siêng năng lao động của người dân, cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp", ông Út nói.